[Ngữ pháp N5] ~なければいけない/~ なくてはいけない: Phải (làm gì đó)

Chúng ta đã học mẫu câu 「~なければならない/ なくてはならない」với ý nghĩa diễn đạt một hành động bắt buộc, cần phải làm. Mẫu câu trong bài này 「~なければいけない/ なくてはいけない」cũng có ý nghĩa, cách chia động từ và cách dùng tương tự. Nói cách khác mẫu câu này chỉ thay 「ならない」thành 「いけない」.

Cấu trúc: [Động từ thể ない (bỏ ない)] + なければいけない/ なくてはいけない

→ Lịch sự hơn: いけない → いけません。

Ở đây 「いけない」nghĩa là “không thể” và cả mẫu câu có nghĩa là “không thể không làm” → “phải làm”


Câu ví dụ:

  1. わたしは しゅくだいを しなければいけません。Tôi phải làm bài tập.
  2.  かれは あした せんせいに レポートをださなくてはいけない。Anh ta phải nộp báo cáo cho thầy giáo vào ngày mai.
  3. たばこを やめなければいけない。からだに わるいんです。Phải bỏ thuốc lá thôi. Hại sức khỏe lắm.
  4. かのじょは らいしゅう アメリカに いかなくてはいけません。Tuần sau cô ấy phải đi Mỹ.

* Sự khác nhau giữa 「ならない」 「いけない」:

Về nghĩa thì hai mẫu câu này gần như là giống nhau, đều thể hiện hành động cần thiết, bắt buộc phải làm. Tuy nhiên 「いけない」dùng trong hội thoại nhiều hơn (khẩu ngữ), còn 「ならない」trang trọng hơn, dùng trong văn viết và dùng nhiều hơn trong các văn kiện chính thức.

Một điểm nữa là 「いけない」mang tính chủ quan hơn, người nói nghĩ rằng việc đó cần phải làm, không có lựa chọn nào khác. 「ならない」mang tính khách quan, thường đề cập đến trách nhiệm, hay nghĩa vụ.

Ví dụ:

あした東京に いかなければならない。Mai tôi phải đi Tokyo. (Do công việc/ Do sếp yêu cầu đi v.v, lý do khách quan, là trách nhiệm)

あした東京に いかなくてはいけない。Mai tôi phải đi Tokyo. (Vì tôi không có lựa chọn nào khác/ Vì tôi phải gặp một người quan trọng v.v, lý do chủ quan)

Tuy sắc thái khác nhau nhưng về cơ bản kết quả hành động vẫn như nhau, đó là  “tôi phải đi Tokyo”

Một số lưu ý:

* Khi dùng hai mẫu câu này, người Nhật đôi khi kết thúc ở giữa câu, chỉ nói đến đoạn 「なければ」hoặc 「なくては」mà không nói hết đầy đủ cả mẫu câu như chúng ta học ở phần trên.

Ví dụ: 「もういかなくては…」 hoặc  「もういかなければ…」Tôi phải đi bây giờ. (もう: bây giờ)

* Trong hội thoại hàng ngày (không trang trọng), người Nhật thường không nói cả mẫu câu dài lê thê, mà rút gọn lại như sau: なければ→ なきゃ (nakya)、なくては→ なくちゃ (nakucha)

Ví dụ:  もういかなくちゃ/もういかなきゃ: Tôi phải đi bây giờ đây.

* Trong sách Minna no Nihongo còn dạy thêm một mẫu câu tương tự khác: 「~ないといけない」cũng dùng để diễn đạt một việc làm bắt buộc. Thường thì khi sử dụng người Nhật hay nói rút gọn thành 「~ないと」Thực ra sử dụng mẫu câu nào cũng được, chỉ là do thói quen của từng người hoặc từng vùng.

Ví dụ: もういかないと…: Tôi phải đi bây giờ.

Khi mới học thì các bạn sẽ thấy 「~ないと」có vẻ là dễ nhớ dễ thuộc nhất, nên hoàn toàn có thể dùng mẫu này khi nói cho tiện, nhưng chúng ta cần hiểu nghĩa của các mẫu câu khác tương tự để giao tiếp được linh hoạt.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới