Học các lớp tiếng Nhật tình nguyện thế nào cho hiệu quả?

cocomontreal.com

Ở khắp các tỉnh thành phố tại Nhật đều có hệ thống các lớp học tiếng Nhật tình nguyện được gọi là ボランティア日本語教室 (ボランティア・にほんご・きょうしつ: Volunteer Japanese Classes). Các lớp học này thường do các cộng đồng tình nguyện, các tổ chức phi lợi nhuận, hội sinh viên, thanh niên v.v tổ chức nhằm hỗ trợ việc học tiếng Nhật của người nước ngoài tại Nhật.

Mình có khá nhiều kinh nghiệm tham gia các lớp học tiếng Nhật tình nguyện kiểu như thế này suốt từ hồi mới sang Nhật cho đến bây giờ. Vì nhiều lý do, mình hay thay đổi chỗ ở và nhờ đó có điều kiện tham gia các lớp học tiếng Nhật tình nguyện ở nhiều thành phố khác nhau tại Nhật. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn cách tìm các lớp tiếng Nhật tình nguyện ở Nhật, các đặc điểm chung của loại lớp học này và cách học ở các lớp này sao cho hiệu quả, theo kinh nghiệm của bản thân mình.



1. Cách tìm lớp học tiếng Nhật tình nguyện

Mình hay tìm bằng cách gõ từ khóa tiếng Anh hoặc tiếng Nhật “Japanese volunteer classes/ボランティア日本語教室 + tên ga gần nhất ở nơi mình sống hoặc tên quận mà mình sống”. Ví dụ: “Japanese volunteer classes Osaka”. Kết quả thường cho ra 1 danh sách các lớp ở gần khu mình ở và mình lựa chọn lớp phù hợp với thời gian của mình nhất để đến đăng ký học.

Ngoài cách trên bạn có thể vào trang http://u-biq.org/volunteermap.html. Đây là bản đồ tổng hợp hệ thống tất cả các lớp học tiếng Nhật tình nguyện trên toàn nước Nhật. Bạn chỉ cần click vào tên tỉnh/ thành phố mà bạn đang sống sẽ cho ra danh sách các lớp hiện có tại nơi đó (Click vào tên địa danh bằng Kanji sẽ cho ra danh sách lớp bằng tiếng Nhật, click vào tên địa danh bằng Romaji sẽ cho ra danh sách lớp bằng tiếng Anh, dễ nhìn hơn với những bạn mới học tiếng Nhật). Tuy nhiên bản đồ này không phải là tất cả nên nếu không tìm thấy quận hay thành phố của mình thì các bạn tra google theo cách mình nói ở trên nhé.

volunteermap

 

Còn 1 cách nữa nếu các bạn không tra ra hoặc tra ra toàn tiếng Nhật chưa hiểu được thì bạn có thể ra trực tiếp shiyakusho hoặc kuyakusho để xin danh sách lớp học tiếng Nhật kiểu này nhé.

Sau khi tìm được danh sách lớp học, hãy đánh dấu vào tất cả các lớp mà bạn có thể đến được trong tuần, càng nhiều càng tốt nhé và trực tiếp đến từng nơi để học thử.

2. Đặc điểm chung của các lớp học tiếng Nhật tình nguyện

① Cách tổ chức lớp học

  • Thường là 1 thầy 1 trò. Trong trường hợp đông học viên thì có thể 1 thầy và 2-3 trò, rất ít khi đông hơn nên cơ hội giao tiếp, nói chuyện trực tiếp khá nhiều
  • Thời gian mỗi buổi học thường từ 1h30 đến 2h.
  • Miễn phí hoặc thu phí rất thấp (có những lớp thu phí theo tháng, theo quý hoặc nửa năm 1 lần nhưng cũng có những lớp thu tiền trực tiếp sau mỗi buổi học)

② Nội dung học

  • Đa số ở các lớp này, nội dung học phụ thuộc vào nhu cầu của học viên, tức là học viên muốn luyện kỹ năng gì thì giáo viên tình nguyện sẽ hỗ trợ kỹ năng đó. Bạn có thể mang giáo trình của bạn đến lớp và cùng học với giáo viên. Một số lớp học có chuẩn bị sẵn các sách học tiếng Nhật cho học viên lựa chọn và bạn cũng có thể học theo những sách đó. Thường thì khi học theo một giáo trình, bạn sẽ chỉ đọc bài hội thoại và các câu mẫu, giáo viên sẽ nghe và sửa (sữa lỗi đọc sai từ hay lỗi phát âm), sau đó bạn làm bài tập trong sách và giáo viên tiếp tục nghe và sửa. Hầu như không có phần giải thích ngữ pháp, mẫu câu hay từ vựng cặn kẽ giống như khi học ở các trường tiếng. Nếu như không học theo giáo trình nào cả thì bạn sẽ đến để nói chuyện, tán gẫu với giáo viên là chính, mục đích để luyện khả năng giao tiếp.
  • Ngoài những dạng lớp học tự do theo nhu cầu học viên ở trên, cũng có những lớp tổ chức quy củ hơn, có 1 giáo trình nhất định và giáo viên cũng có khả năng giải thích tốt hơn những giáo viên tình nguyện thông thường. Những lớp học này thường chỉ ở trình độ sơ cấp và kéo dài khoảng 3 tháng, với một mức phí nhất định nhưng nói chung là rất rẻ.
  • Một số ít lớp có chương trình luyện thi năng lực tiếng Nhật JLPT. Bạn sẽ học theo giáo trình có sẵn của mình hoặc giáo viên sẽ photo bài luyện cho bạn vào mỗi buổi học.

③ Giáo viên tình nguyện

Phần lớn giáo viên là người lớn tuổi (thỉnh thoảng mới gặp được giáo viên hơi trẻ một tí), trong đó có rất nhiều người già đã về hưu. Mình đã từng có lần học với một thầy 80 tuổi cơ đấy, hì hì. Là giáo viên tình nguyện nên họ rất nhiệt tình và tốt bụng nhưng lại không có khả năng sư phạm. Vì vậy, bạn hầu như không thể nhờ họ giải thích từ vựng hay mẫu câu nào đó một cách rõ ràng dễ hiểu. Nhiều giáo viên thậm chí không thể giải thích được gì mà chỉ có thể chữa bài và nói với bạn là đúng hay sai thôi.

3. Cách học tiếng Nhật hiệu quả tại các lớp tình nguyện

Với các đặc điểm lớp học và giáo viên như trên, chắc các bạn đã hình dung được phần nào hình thức hoạt động cũng như hiệu quả của những lớp tình nguyện này rồi phải không? Dựa trên kinh nghiệm của mình thì nếu không có cách học hiệu quả riêng, bạn sẽ rất dễ dàng từ bỏ những lớp này (dù ban đầu vô cùng háo hức và hăm hở) vì những lý do chính như sau:

  • Giáo viên chỉ nói tiếng Nhật lại không có khả năng sư phạm nên rất khó hiểu
  • Giáo viên lớn tuổi nên nói chuyện không hợp, chán chẳng biết nói gì
  • Hoạt động của lớp không có gì thay đổi, tuần nào cũng như tuần nào
  • Đi học, đi làm về mệt, ngại không muốn đến lớp tình nguyện nữa
  • Vì lớp miễn phí hay phí thấp nên từ bỏ dễ dàng không nuối tiếc

Vậy để hạn chế tình trạng từ bỏ giữa chừng như trên, mình muốn chia sẻ với các bạn một số cách học giúp tận dụng tốt hơn cơ hội từ những lớp học này.

① Đi học thử tất cả những lớp gần nhà nhất có thể

Chỉ cần khéo sắp xếp thời gian, bạn sẽ có cơ hội đến học thử từ 3-4 lớp mỗi tuần. Khi đó, hãy lựa chọn lớp mà mình thấy thích và thoải mái nhất. Giáo viên là người ảnh hưởng lớn đến độ hứng thú học của bạn suốt cả quá trình nên hãy chọn lớp mà mình thấy có cảm tình với giáo viên nhất.

② Không kỳ vọng quá nhiều vào tính chất học thuật của những lớp này

Bản chất là lớp học tình nguyện nên việc giao lưu luôn là mục đích chính và chủ yếu. Lần đầu đi học bạn có thể kỳ vọng sẽ được dạy nhiều thứ, sẽ hỏi được hết những điều mình chưa hiểu nhưng sự thực thì không phải vậy khiến bạn dễ cảm thấy chán. Hãy tham dự những lớp này với tinh thần thoải mái, vui vẻ là chính, không nên quá kỳ vọng hay so sánh với các giáo viên hay lớp học ở trường tiếng, cũng không cần phải thất vọng nếu giáo viên tình nguyện không giúp bạn hiểu được ngữ pháp hay mẫu câu nào.

③ Chuẩn bị trước nội dung muốn học

Ở những lớp học như thế này, tinh thần tự học của bạn luôn phải rất cao. Nếu hàng tuần, bạn chỉ vác sách hoặc vác người đến lớp mà không chuẩn bị gì cả thì khả năng sẽ để phí mất 2 giờ học đó, nhất là khi hôm đó không có nhiều chuyện hay hoạt động gì thú vị trong lớp. Vì vậy để tận dụng hết thời gian một cách hiệu quả, hãy luôn chuẩn bị trước những gì bạn muốn học.

Ví dụ trước đây, khi mình học cuốn Minna no Nihongo ở lớp tình nguyện, mình luôn đọc trước bài, đọc phần giải thích ngữ pháp và tra từ mới trước khi đến lớp bởi vì trong 2 tiếng học, giáo viên không thể giải thích toàn bộ từ mới hay mẫu câu cho bạn được. Việc đó vừa mất thời gian lại khó hiểu, hơn nữa khi bạn đọc bài mà gặp từ mới liên tục rồi phải dừng lại vì không hiểu thì hứng thú cũng biến đi đâu mất hết. Vài lần học như vậy tâm lí chán nản sẽ tăng ngay. À, nhớ là luôn mang theo từ điển khi đi học nhé.

Bạn cũng nên chuẩn bị một vài chủ đề để luyện nói hoặc hỏi giáo viên, ví dụ những việc xảy ra trong tuần, chuyện gì thú vị ở trường lớp và nơi làm việc, những gì kì lạ bạn nhìn thấy lần đầu ở Nhật, những biển báo hay chữ kanji chụp được trên đường mà bạn chưa hiểu nghĩa v.v. Khi học lớp tình nguyện, có nhiều hôm cả giáo viên và học viên đều không biết nói chuyện gì, nên nếu bạn chỉ đến và đợi được hỏi rồi trả lời thì sẽ rất nhàm chán. Hãy tự khơi gợi chủ đề và nội dung nói chuyện, như vậy bạn vừa tận dụng tốt thời gian, vừa tự tin và giao tiếp khá dần lên.

③ Kết bạn với một số giáo viên và học viên khác

Trong mỗi buổi học thường có giải lao tầm 15-20 phút để uống trà, ăn bánh kẹo, trò chuyện giao lưu. Bạn hãy tìm cách kết bạn với một hoặc một vài giáo viên hoặc học viên khác nhé. Phần lớn thời gian chỉ học cùng 1 giáo viên nên cũng dễ chán. Nếu có thêm bạn bè, có người để nói chuyện, bạn sẽ có động lực để đến lớp hơn so với việc tuần nào cũng chỉ lầm lũi đi đi về về một mình phải không nào?

④ Tham gia tích cực các hoạt động ngoại khóa, chủ động chia sẻ giao lưu

Những lớp học tiếng Nhật tình nguyện như thế này cũng thỉnh thoảng có tổ chức party (mọi người cùng nhau nấu ăn, chia sẻ món ăn của nước mình) hoặc cùng nhau đi ngắm hoa anh đào, đi xem pháo hoa hay các lễ hội nổi tiếng trong năm ở Nhật.  Nếu có thể sắp xếp thời gian, bạn hãy tích cực tham gia tất cả những sự kiện này nhé. Thỉnh thoảng bạn cũng nên chủ động chia sẻ về văn hóa nước mình, mang những món ăn Việt Nam đến mời mọi người trong lớp. Đây chính là những dịp giúp bạn thực hành nói tiếng Nhật đấy vì thế nào mọi người cũng sẽ hỏi đây là món gì, ý nghĩa gì, ăn trong dịp nào v.v. Vừa có cơ hội luyện nói tiếng Nhật lại có thể trở nên gần gũi hơn với những người bạn khác, không phải rất tuyệt vời sao?

Đó là những kinh nghiệm học ở lớp tình nguyện mà mình muốn chia sẻ với các bạn. Cũng giống như mình từng chia sẻ trong bài “Làm sao để thích nghi nhanh với cuộc sống ở Nhật?” thì dù trong hoàn cảnh nào sự chủ động và tinh thần tự học luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp bạn tận dụng thời gian ở Nhật một cách hiệu quả nhất. Chúc các bạn tìm được lớp học phù hợp với mình nhé.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới