Mang thai ở Nhật – Kỳ 1: Những điều cần biết trong giai đoạn đầu

gatag.net

Mang thai ở Nhật, lại là lần đầu mang thai nên mình cũng có khá nhiều bỡ ngỡ và lo lắng.  Rồi qua những tin nhắn của một số bạn nữ gửi cho mình, mình nhận ra cũng có nhiều bạn đang mang thai hoặc đang có ý định mang thai ở Nhật nhưng bị thiếu thông tin. Bởi vậy, mình quyết định qua blog này ghi lại những trải nghiệm của bản thân trong thời kỳ mang thai ở đây, vừa là để lưu giữ cho mình, vừa để chia sẻ cho những bạn quan tâm.  Loạt bài viết với chủ đề “Mang thai ở Nhật” này sẽ chia làm nhiều kỳ. Hiện giờ mình mới đang ở tuần 24 nên trải nghiệm đến đâu sẽ cố gắng ghi lại ngay sau đó.

Ở kỳ 1 này mình sẽ tóm tắt lại những điều cần biết trong giai đoạn đầu mang thai ở Nhật, bao gồm:

① Thử thai

Khi có những dấu hiệu mang thai, thì bước đầu tiên là bạn phải sử dụng que thử thai để kiểm tra.  Que thử thai tiếng Nhật gọi là 妊娠検査薬 (ninshin kensa yaku), có thể mua dễ dàng ở các hiệu thuốc (ドラッグストア hoặc 薬). Bạn sẽ tìm thấy que thử thai ở quầy bán những đồ dùng vệ sinh dành cho phụ nữ.

Đây là loại mà mình đã dùng. Loại này sử dụng rất đơn giản, có thể thử vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Để cho kết quả chính xác, bạn nên thử sau khi chậm kinh khoảng 1 tuần.


② Khám thai

Sau khi que thử thai lên 2 vạch, bạn sẽ phải đến phòng khám hoặc bệnh viện để kiểm tra xem thai đã vào tử cung chưa. Thông thường thì bạn nên đi kiểm tra khi thai ở tuần thứ 5 (tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ gần nhất)

Chọn phòng khám/ bệnh viên

Nếu như bạn có người quen hoặc bạn bè đã từng sinh ở Nhật rồi thì có thể nhờ họ tư vấn xem nên khám ở đâu (đây là cách tốt nhất). Còn nếu như không quen ai cả thì đành phải tự tìm bằng cách tra google. Khoa sản tiếng Nhật là 産婦人科 (sanfujinka). Bạn gõ từ khóa 産婦人科 để tìm những phòng khám hoặc bệnh viện ở gần nơi mình ở. Những nơi có uy tín thường sẽ có đánh giá (hiển thị bằng ngôi sao và số lượt review). Nếu không thấy đánh giá trên google, bạn có thể vào trang http://women.benesse.ne.jp/, gõ tên phòng khám hoặc bệnh viện mình đang tìm hiểu vào để xem các review của những người đã từng khám ở đó. Trang này là một diễn đàn dành cho các bà mẹ ở Nhật.

Nếu bạn không biết tiếng Nhật thì có thể đến kuyakusho hoặc shiyakusho thuộc nơi mình ở để nhờ họ tư vấn và hướng dẫn vì thường thì ở những chỗ này có những buổi tư vấn bằng tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh, Trung, Hàn) cho người nước ngoài sinh sống trong quận và thành phố đó. Qua đó, bạn cũng sẽ tìm được danh sách những bệnh viện hay phòng khám có bác sĩ nói được tiếng Anh.

Một lưu ý quan trọng là hai vợ chồng bạn cần có ít nhất một người biết tiếng Nhật, hoặc ít ra là tiếng Anh để có thể đi khám ở đây (tiếng Anh của bác sĩ ở đây cũng khá là hạn chế). Nếu cả hai vợ chồng đều không rành cả hai thứ tiếng này thì việc khám thai và chăm sóc sức khỏe sẽ rất khó khăn nên các bạn cần cân nhắc việc có nên về Việt Nam không nhé.

Khám thai lần đầu

Thường thì bạn sẽ phải gọi điện đặt hẹn trước khi đến khám lần đầu nhưng cũng có những phòng khám có thể đến trực tiếp không cần hẹn trước.

Khi đến khám lần đầu, bạn sẽ phải điền vào một tờ giấy gọi là 問診票 (mon・shin・hyou), kiểu như bản khảo sát về thông tin cá nhân, các chỉ số sức khỏe, cân nặng, lịch sử trị bệnh v.v. Bạn có thể xem ví dụ bản khảo sát đó tại đây.

Các bước khám thai thì cũng giống như ở Việt Nam. Bác sĩ sẽ siêu âm đầu dò để kiểm tra xem thai đã vào tử cung chưa, sau đó sẽ dựa vào kết quả khám lần này để hẹn tiếp lần khám sau. Thường thì bạn sẽ quay lại khám vào khoảng thời gian từ giữa tuần thứ 5 đến giữa tuần thứ 6 để kiểm tra và xác nhận tim thai.  Sau khi đã xác nhận được tim thai và kết luận là bạn mang thai bình thường thì những lần khám thai ban đầu đã hoàn thành.

*** Số lần khám thai tương ứng với các giai đoạn trong suốt thai kỳ như sau. Đây là lịch khám thông thường nói chung nhưng một số bệnh viện cũng có thể áp dụng lịch khác tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của mẹ và con.

  •  Từ lần khám đầu – tuần 23: Tổng cộng 4 lần (4 tuần 1 lần)
  •  Từ tuần 24 – tuần 35: tổng cộng 6 lần (2 tuần 1 lần)
  •  Từ tuần 36 – tuần 40: tổng cộng 4 lần (1 tuần 1 lần)

③ Những giấy tờ và thông tin được cung cấp từ phòng khám/ bệnh viện

Sau khi xác nhận là bạn đã mang thai bình thường, thì bạn sẽ phải gửi thông báo mang thai gọi là 妊娠届出書 (ninshin-todokede-sho) đến các văn phòng hành chính liên quan ở nơi mình sống. Trong trường hợp của mình thì bệnh viện làm giúp thủ tục này nên mình không phải làm gì cả. Cái này các bạn yên tâm vì chắc chắn sẽ được bệnh viện hướng dẫn cụ thể.

Sau khi gửi xong thông báo mang thai, bạn sẽ nhận được sổ tay sức khỏe của mẹ và con, gọi là 母子健康手帳 (boshi-kenko-techou) hay thường được gọi tắt là boshi-techou hoặc boshi-chou. Mỗi một tỉnh hoặc thành phố sẽ có thiết kế riêng cho sổ tay mẹ con, hầu hết là đều dễ thương như này.

city.takatsuki.osaka.jp
city.takatsuki.osaka.jp

Bạn cũng sẽ nhận được một móc khóa như trong hình có ghi là 「おなかに赤ちゃんがいます」(Trong bụng có em bé). Móc khóa này dùng để treo vào túi xách và đeo khi bạn ra đường, lên tàu, đi xe buýt nhằm thông báo với những người xung quanh rằng bạn đang có thai. Khi đó bạn sẽ nhận được những ưu tiên hay đối xử dành cho phụ nữ mang thai ở nơi công cộng.

Sổ tay mẹ con này để ghi lại tất cả những thông tin sức khỏe cần thiết của mẹ và con trong suốt thời kỳ mang thai, sau sinh và cả khi nuôi con cho tới khi con 6 tuổi nên rất quan trọng, các bạn nhớ giữ cẩn thận nhé. Bạn sẽ cần mang theo sổ này mỗi lần đi khám thai hay đi du lịch, đi chơi xa trong thời kì mang thai để đảm bảo an toàn cho mẹ con.

Ngoài ra bạn sẽ nhận được rất nhiều sách hướng dẫn liên quan đến thời kỳ mang thai như cách chăm sóc sức khỏe, các dấu hiệu bất thường, chế độ ăn uống và dinh dưỡng, các vật dụng và đồ dùng cần chuẩn bị khi gần đến ngày sinh v.v

Sau khi xác nhận tim thai, lần khám tiếp theo bạn sẽ được hướng dẫn làm các xét nghiệm quan trọng như thử máu và thử nước tiểu. Mỗi lần đến khám bạn sẽ tự đo huyết áp và cân nặng của mình (ở nơi khám có máy đo tự động) và đưa thông số đó cho y tá để họ ghi lại vào boshitechou.

④ Tầm quan trọng của axit folic

Nếu các bạn hỏi khi mang thai ở Nhật trong giai đoạn đầu thì nên bổ sung vitamin hay thuốc bổ gì thì câu trả lời duy nhất từ bác sĩ là axit folic, tiếng Nhật gọi là 葉酸 (yousan). Axit folic là một trong những vitamin B rất cần thiết đối với sự phát triển của thai. Thiếu axit folic trong giai đoạn đầu mang thai có thể dẫn đến nguy cơ thai bị khiếm khuyết ở não và hệ thần kinh.

Trong giai đoạn mang thai, bạn cần phải bổ sung đủ 480µg axit folic mỗi ngày. Đối với phụ nữ đang chuẩn bị mang thai, việc bổ sung 400µg axit folic mỗi ngày trong khoảng 3 tháng trước khi mang thai là cần thiết. Các loại thức ăn giàu axit folic gồm có rau chân vịt, bông cải xanh, măng tây, các loại rau cải như cải xanh, cải chíp, bí đỏ, các loại đậu, dâu tây, xoài, cam.

Các bạn có thể tham khảo chi tiết các thực phẩm chức năng cho mẹ bầu ở kỳ 2 nhé. Mình để link chi tiết ở cuối bài viết này.

⑤ Từ vựng tiếng Nhật cơ bản liên quan đến thai kỳ giai đoạn đầu

1. 産婦人科(さんふじんか: sanfujinka): khoa sản

2. 妊娠(にんしん)している (ninshin shite iru): có thai

3. 月経(げっけい)(gekkei): kinh nguyệt

① 最終月経(さいしゅうげっけい)(saishuu gekkei): lần có kinh gần nhất

② 月経周期(げっけいしゅうき)(gekkei shuuki): chu kỳ kinh nguyệt
・ 順調(じゅんちょう)(junchou): đều
・ 不順(ふじゅん)(fujun): không đều
・ 周期(しゅうき)は~日型(にちがた)(shuuki wa ~ nichigata): chu kỳ ~ ngày

③ おりもの (orimono): dịch âm đạo

4. 妊娠検査薬 (にんしんけんさやく) (ninshin kensa yaku): que thử thai

5. 陽性(ようせい)反応(はんのう)が出(で)る(yousei hannou ga deru): kết quả thử thai dương tính

6. お腹の張り/ お腹が張る(onaka no hari/ onaka ga haru): bụng căng

7. 下腹部が痛い(かふくぶがいたい)(kafukubu ga itai): đau bụng dưới

8. 下痢(げり)(geri): tiêu chảy

9. お腹が痛い/お腹が痛みます: (onaka ga itai/ onaka ga itamimasu): đau bụng

10. 出血(しゅっけつ)があります(shukketsu ga arimasu): bị ra máu

11. 出血(しゅっけつ)の量(りょう)(shukketsu no ryou): lượng máu bị ra

12. 出血(しゅっけつ)の色(いろ)(shukketsu no iro): màu máu
・ 赤い(akai): đỏ
・ 黒っぽい(kuroppoi): thiên về màu đen (nâu/đen)

13. 妊娠週数(にんしんしゅうすう)(ninshin shuusuu): số tuần thai
・ 妊娠~週~日(にんしん~しゅう~か/にち) (ninshin~shuu~ka/nichi): có thai ~ tuần ~ ngày

14. つわり(tsuwari): nghén

15. 胃がむかむかする(i ga muka muka suru): nôn nao dạ dày

16. 吐(は)き気(け)がある(hakike ga aru): buồn nôn

17. 匂(にお)いに敏感(びんかん)になる(nioi ni binkan ni naru): nhạy cảm với mùi

18. 超音波検査(ちょうおんばけんさ)(chou on ba kensa): siêu âm

19. 経腹超音波検査 (けいちつちょうおんばけんさ) (keichitsu chou on ba kensa): siêu âm đầu dò

20. 子宮(しきゅう)(shikyuu): tử cung

21. 胎嚢(たいのう)(tainou): túi thai

22. 胎芽(たいが)(taiga): phôi thai

23. 心拍(しんぱく)(shinpaku): tim thai

24. 頭臀長 (とうでんちょう) (toudenchou): chiều dài đầu mông (CRL)

25. 正常(せいじょう)な妊娠(にんしん) (seijou na ninshin) : thai phát triển bình thường

26. 血圧をはかる (ketsu atsu wo hakaru): đo huyết áp

27. 体重をはかる (taijuu wo hakaru): đo cân nặng

28. 血液検査 (けつえきけんさ) (ketsueki kensa): xét nghiệm máu

29. 尿検査 (にょうけんさ)(nyou kensa): xét nghiệm nước tiểu

30. 血糖 (けっとう) (kettou): lượng đường trong máu

31. 切迫流産(せっぱくりゅうざん)(seppaku ryuuzan): dọa sảy thai

32. 自然流産(しぜんりゅうざん)(shizen ryuuzan): sảy thai tự nhiên

33. 子宮外妊娠(しきゅうがいにんしん) (shikyuugai ninshin): chửa ngoài tử cung

34. 頸管ポリープ(けいかんポリープ)(keikan poribu): polyp cổ tử cung

35. 子宮膣部びらん(しきゅうちつぶびらん)(shikyuu chitsubu biran): viêm loét cổ tử cung

36. マルチビタミン&ミネラル(multivitamin & mineral): vitamin tổng hợp và khoáng chất

37. 葉酸(ようさん)(yousan): axit folic

⑥ Một số lưu ý khác

  • Sau khi xét nghiệm máu, nếu lượng đường trong máu (血糖: kettou) của bạn cao, bạn sẽ cần phải làm xét nghiệm lại một lần nữa khi bụng đói. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn trong trường hợp này.
  • Ở đây có loại vắc xin phòng cúm có thể tiêm khi mang thai. Nếu bạn chưa tiêm phòng cúm và muốn tiêm vắc xin này, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Vắc xin phòng cúm này tiếng Nhật gọi là インフルエンザワクチン (infuruenza wakuchin). Mình cũng từng tiêm vắc xin này khi đang mang thai khoảng tuần 15-16.

Trên đây là những lưu ý cần thiết trong giai đoạn đầu mang thai ở Nhật. Các bạn đón đọc kỳ tiếp theo: “Chế độ ăn uống và dinh dưỡng khi mang thai ở Nhật

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới