Trải nghiệm vẽ chuông gió Furin

Học ở trường Nhật ngữ, ngoài những tiết học thông thường trên lớp, mình còn có những trải nghiệm rất đặc biệt thông qua những lớp học văn hóa. Lần học văn hóa Nhật này mình đã chọn mục đi tham quan xưởng chế tạo và tự tay vẽ chuông gió Furin. Cũng chính nhờ tiết học này, mình đã hiểu rõ được sự tỉ mỉ của người Nhật tinh tế đến mức nào.



Mình đã nghĩ nơi này nhất định giống như một công xưởng với đủ loại máy móc cầu kỳ, những công nhân sẽ ngồi cố định ngày ngày sơn phết những chiếc chuông gió Furin. Tuy nhiên, trái ngược với toàn bộ suy nghĩ của mình, xưởng chuông gió nép bên một góc đường, nằm giữa những ngôi nhà cao tầng, một căn nhà gỗ be bé với những khóm hoa, không gian thanh tịnh và bình yên đến lạ.

Cổng vào đẹp như tranh cổ tích, một tấm bạt dựng đề dòng chữ thư pháp: 江戸風鈴. Đầu tiên chúng mình được hướng dẫn, giới thiệu sơ lược về ý nghĩa cũng như văn hóa vẽ chuông gió. Hoàn toàn không có máy móc vẽ hay pha màu sơn, tất cả đều là làm thủ công.

Cổng vào như anime
Cổng vào như anime

Trong nhà để nhiều tủ gỗ lớn trưng bày những tác phẩm chuông gió được hoàn thành. Và các chuông gió này cũng có nhiều giá cả khá nhau, cái đắt nhất lên đến gần 5 man (tương đương 10 triệu), bù lại, độ công phu và phối màu tỉ mỉ đến mức kinh ngạc. Còn loại thường thường rơi vào tầm 1 sen – 5 sen (tương đương 200 nghìn – 1 triệu đồng)

furin1

Một chiếc chuông gió mất độ một tiếng để hoàn thành tùy vào độ công phu, tỉ mỉ của hoa văn trang trí. Điều đặc biệt là vẽ chuông gió Furin phải vẽ ở mặt trong, không được vẽ mặt ngoài. Mỗi nét vẽ của bạn phải thật chính xác vì không có cách nào bôi, xóa được. Dù bạn xóa nhanh đến mức nào đi chăng nữa cũng để lại ít vết bôi bẩn.

furin2

Cách vẽ là bạn phải chọn màu sắc tương phản nhau để làm nổi bật nền hoặc họa tiết. Bạn phải tô màu nền cuối cùng. Bên cạnh đó, khi vẽ bạn không nên liên tục tô màu chồng lên nhau vì rất dễ lem, bạn cần để màu khô trong độ khoảng một phút.

Sau khi nghe qua hướng dẫn, cũng như biết rõ cách vẽ của Furin, bọn mình được dẫn đến nơi chế tạo ra thủy tinh. Chỉ có duy nhất một lò nhiệt để nung chảy thủy tinh mà thôi. Các công đoạn cắt, thổi, tạo hình thủy tinh đều phải làm thủ công. Nhiệt độ quanh máy làm nóng chảy thủy tinh khá nóng, để đứng vòng quanh đó suốt hơn tám tiếng một ngày để làm ra những chiếc chuông gió thủy tinh be bé xinh xinh quả thật không phải ai cũng làm được. Ấy thế mà, trông đơn giản vậy mà lại không hề, nếu khi thổi dùng lực quá mạnh hoặc lực không đủ sẽ không tạo được hình chuông gió. Hoặc khi cắt thủy tinh không dứt khoát hoặc lỡ tay có thể khiến Furin vỡ nát.

Trước khi vẽ
Trước khi vẽ

Vậy nên, để thành thạo được tất cả các bước chế tạo thủy tinh, người nghệ nhân cần nhiều năm ròng tập luyện, điển hình như chú nghệ nhân ở xưởng Edo này, chú đã phải rèn luyện hơn ba năm, mỗi ngày gần mười tiếng để nghiên cứu và luyện tập. Quả là phi thường!

Tiếp đó, là bước đặc biệt nhất: Tự vẽ chuông gió cho riêng mình. Khỏi phải nói mọi người hào hứng như thế nào, ai ai cũng muốn vẽ cho mình chiếc chuông gió độc nhất vô nhị. Nhưng, khi bắt đầu cầm cọ vẽ, mọi người mới bắt đầu cảm thấy khó khăn. Vì chuông gió Furin có hình tròn nên cầm nắm thật chắc tay để vẽ cũng là cả một vấn đề. Hơn thế nữa, do vẽ mặt trong của Furin nên việc điều khiển cọ vẽ thật mảnh, tô nét thật đều cũng không hề dễ dàng.

Phòng vẽ khá đơn giản, có một bệ rửa tay, những ngăn đựng cặp sách và trên bàn đã được bày sẵn bộ màu nước với những màu sắc cực kỳ cơ bản cùng những chiếc cọ vẽ. Bạn sẽ được phát riêng một mẩu giấy báo dùng để pha các màu khác như hồng, tím, nâu v.v… Sau khi dùng xong thì có thể gấp mẩu giấy đấy lại và vứt đi để tránh bị bẩn.

Tập vẽ chuông gió
Tập vẽ chuông gió

Cái khó trong nghệ thuật vẽ chuông gió là phải vẽ chậm rãi và chính xác đến từng milimet. Vậy nên để hoàn thành được một chiếc chuông gió ưng ý không chỉ đơn giản là cần kỹ thuật vẽ giỏi mà còn phải cực kỳ nhẫn nại và tỉ mỉ. Khi bắt đầu vẽ, tất cả mọi người đều băn khoăn nên vẽ gì thì vừa dễ, vừa nhanh nhưng phải độc đáo. Thế nên mọi người đều lên Google tìm mẫu hình hoặc họa tiết mình muốn để vẽ lại cho giống, nhưng cái khó là vẽ trên thủy tinh không hề giống với vẽ trên giấy chút nào.

Chẳng hạn như ý tưởng ban đầu của mình là vẽ một nhành cây màu trắng, điểm xuyết thêm những cánh hoa vàng sau đó vẽ một ngọn núi nhỏ, cuối cùng là tô nền màu tím nhạt. Tuy nhiên, khi bắt đầu đặt bút vẽ mình mới cảm thấy thật quá khó. Bởi trước hết là cọ không đủ mảnh để vẽ những nét nhỏ, thành ra cành cây trên Furin của mình trông rất thô. Tiếp đến là vì vẽ mặt trong của Furin nên khó điều khiển nét cọ theo ý muốn. Sau đó là việc mình quá “tham lam” viền thêm một đường màu đen trên ngọn núi làm cho màu sắc không đủ độ tương phản, không có sự nổi bật. Và cuối cùng là do không chịu nhẫn nại chờ màu khô mà mình đã vội vã tô lên một lớp nền màu tím nhạt, thành ra trông bé Furin của mình khá lem luốc tội nghiệp.

Do mình cũng là lần đầu đi vẽ, không chuẩn bị mẫu, không có ý tưởng mà lại cố vẽ cao siêu thành ra chuông gió sau khi vẽ trông tệ hơn cả lúc chưa vẽ gì :((  

Sau khi vẽ
Sau khi vẽ

Chuông gió, không đơn thuần là vật trang trí. Người ta tin rằng, những âm thanh trong vắt phát ra từ chiếc chuông Furin bé xinh kia còn có thể xua đuổi tà ma, quỷ dữ. Những nghệ nhân Nhật Bản, bằng cả tâm huyết của mình đã truyền tải những văn hóa, cảnh sắc đậm chất Nhật qua những hoa văn, họa tiết được vẽ trên chiếc chuông. Và hãy lắng nghe thật kỹ âm thanh của những chiếc chuông Furin bởi chúng có âm thanh của riêng mình như thể đang mang những linh hồn riêng vậy.

Nếu bạn có hứng thú trải nghiệm vẽ chuông gió giống mình thì có thể ghé thăm xưởng chuông gió  篠原風鈴本舗 nhé. Phí tham quan và tự vẽ chuông gió là 1500 yên/người. Nếu muốn đến thì hãy gọi điện đặt lịch và giờ nhé.

Chúc mọi người mang về được một chiếc chuông gió độc đáo làm kỷ niệm cho riêng mình!

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới