Điều gì xảy ra khi Nhật tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Các chuyến tàu, xe buýt, các phương tiện giao thông công cộng có dừng hoạt động không?

Trong trường hợp tuyên bố tình trạng khẩn cấp, hệ thống giao thông công cộng về cơ bản vẫn hoạt động bình thường. Thủ tướng và các thống đốc có thể yêu cầu các công ty đường sắt hay các phương tiện giao thông công cộng cụ thể “điều chỉnh” hoạt động. Điều đó có nghĩa là không phải “dừng hoạt động” mà là ngược lại, mặc dù phải ngăn chặn dịch bệnh lan rộng nhưng nhân viên làm việc tại các phương tiện giao thông công cộng không thể nghỉ, cho nên hãy điều chỉnh để hoạt động ở mức tối thiểu. Luật đặc biệt không quy định đường sắt phải ngừng hoạt động.

Các tuyến đường bộ có bị phong toả không?

Luật không quy định việc phong toả đường bộ. Theo luật chung thì các thống đốc có thể kiểm soát những tuyến đường do địa phương mình quản lí, nhưng theo luật đặc biệt thì họ không có quyền đó.

Mặt khác, điều 33 quy định rằng tại những nơi có người nhiễm bệnh mà chưa khử trùng đầy đủ thì khu vực đó sẽ được phong toả trong vòng 72 giờ và không cho phép ai được vào. Các phương tiện giao thông đi về hướng khu vực đó cũng sẽ bị cấm. Tuy nhiên, đó chỉ là nhằm mục đích khử trùng. Không có điều khoản nào quy định việc cấm mọi người đi lại trên diện rộng.

Khẩu trang, thuốc men, thực phẩm có được phát không?

Chính phủ có thể yêu cầu bán các mặt hàng như khẩu trang, và nếu không tuân theo thì các thống đốc có quyền cưỡng chế lấy các mặt hàng này để sử dụng vì mục đích chung (sung công). Trên thực tế, chính phủ đã từng mua khẩu trang để phát cho người dân ở Hokkaido mà không dựa trên luật đặc biệt này.

Thống đốc có thể ra lệnh trữ các mặt hàng thiết yếu như thuốc men và thực phẩm.  Trong trường hợp không tuân theo mệnh lệnh, đem hàng giấu đi hoặc huỷ đi thì sẽ bị phạt tù tối đa là 6 tháng hoặc phạt tiền tối đa là 30 vạn yên (điều 76). Trong trường hợp cản trở người thi hành công vụ vào kiểm tra kho hàng thì sẽ bị phạt tối đa 30 vạn yên. Trong luật đặc biệt, chỉ có 2 điều này là có hình phạt.

Cưỡng chế sử dụng đất và các toà nhà?

Các thống đốc địa phương có thể sử dụng đất hoặc các toà nhà làm bệnh viện tạm thời mà không cần sự đồng ý của chủ đất trong tình trạng khẩn cấp. 

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở đâu, thời gian tiến hành ra sao?

Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, thủ tướng sẽ chỉ định thời gian và khu vực là đối tượng của “tình trạng khẩn cấp”. Thủ tướng có thể cùng 1 lúc chỉ định một vài địa phương.

Các dịch vụ cần thiết cho cuộc sống?

Các dịch vụ cần thiết cho cuộc sống sẽ vẫn hoạt động trong trường hợp tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Các siêu thị lớn như Aeon, Itoyokado, OK, Maruetsu, Inageya, Coop Mirai, các cửa hàng tiện lợi Family Mart, Seven Eleven, Lawson vẫn hoạt động bình thường. Một số siêu thị, quán ăn sẽ điều chỉnh hoạt động dựa trên nội dung “hạn chế hoạt động” mà chính phủ quy định sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Các dịch vụ như điện, ga, nước là cần thiết cho việc duy trì cuộc sống nên được yêu cầu phải hoạt động ổn định. Các công ty vận chuyển, điện thoại, internet, bưu điện cũng được yêu cầu có biện pháp hợp lí để không bị ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ. Các cây ATM, internet banking vẫn hoạt động bình thường.

Ảnh hưởng tới hệ thống y tế?

Trong trường hợp tuyên bố tình trạng khẩn cấp, sẽ không có sự thay đổi với việc ưu tiên chữa trị cho bệnh nhân nhiễm corona ở tình trạng nặng. Bệnh nhân dạng nhẹ hoặc chưa có triệu chứng bệnh sẽ được chữa trị tại nhà hoặc khách sạn/ toà nhà công.

Bệnh nhân nhẹ không bao gồm đối tượng là các bệnh nhân có nguy cơ chuyển biến nặng cao như người già, phụ nữ đang mang thai, người có bệnh từ trước.

Ngoài ra, các khách sạn/ toà nhà công được dành để chữa trị bệnh nhân corona nhẹ cũng sẽ ưu tiên người già, nhân viên các cơ sở y tế, cơ sở phúc lợi, viện dưỡng lão và những người chăm sóc cho những người bệnh này.

Bộ yêu cầu các tỉnh thành chuẩn bị khách sạn hoặc toà nhà công, và dành ra 1 toà nhà hoặc 1 tầng, có bao gồm cả người phụ trách các bữa ăn, cho việc chữa trị bệnh nhân nhẹ.

Đối với những bệnh nhân chữa trị tại nhà, cần sinh hoạt tách biệt với những thành viên khác trong gia đình. Trong trường hợp không có phòng riêng, tất cả thành viên trong gia đình cần đeo khẩu trang và thường xuyên mở cửa để thông gió.

Ngoài ra cần giữ khoảng cách tối thiểu 1m với người bệnh; không dùng chung đồ dùng như khăn tắm, ga trải giường, bát đũa v.v; người bệnh nên là người tắm sau cùng trong gia đình.

Kết luận:

Sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp thì mọi mệnh lệnh của chính phủ đều ở mức độ “yêu cầu” không có việc cưỡng chế hay bắt buộc. Theo luật đặc biệt thì các phương tiện giao thông cũng vẫn hoạt động và cũng không hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp. Việc đóng cửa trường học, hạn chế sử dụng các toà nhà về cơ bản cũng ở mức độ “yêu cầu” và “chỉ thị”. Ngay cả khi không tuân thủ và đi ra ngoài thì cũng không bị phạt. Nói cách khác, theo luật hiện tại thì sẽ không thể có tình trạng phong toả triệt để (lockdown) giống như nhiều nước khác. Nếu làm triệt để như một số nước khác, thì cần có luật riêng biệt có quy định hình phạt.

Tuy nhiên, với đặc trưng của người Nhật, ngay cả khi không bị bắt buộc về mặt luật pháp, vẫn có nhiều người sẽ hợp tác. Đã là mệnh lệnh khẩn cấp của quốc gia thì nó sẽ có tác động về mặt tâm lý, khiến người dân hạn chế ra ngoài, và nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang làm telework, các cửa hàng tạm đóng cửa v.v.

Hơn nữa khi chỉ thị được tuyên bố, tên doanh nghiệp, trường học, cửa hàng cũng sẽ được công bố, nên cũng khó có thể không tuân thủ. Về cơ bản thì vẫn có năng lực cưỡng chế.

Nguồn tham khảo:

https://www3.nhk.or.jp/news/html/20200406/

https://www3.nhk.or.jp/news/html/20200402/

Tham khảo: Bản tin tình hình corona ở Nhật (cập nhật hàng ngày)

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới