Nên sinh con ở Nhật hay ở Việt Nam?

gatag.net

Nhiều bạn đang hoặc sắp mang thai ở Nhật có chung câu hỏi là nên sinh con ở Nhật hay về Việt Nam sinh. Sinh con ở Nhật có những thuận lợi và khó khăn gì? Nếu không có người nhà sang giúp hoặc chỉ sang được thời gian ngắn thì có thể tự mình chăm con nhỏ hay không? Trong bài viết này, từ kinh nghiệm của bản thân và của những người bạn xung quanh, mình sẽ giúp các bạn trả lời những câu hỏi trên nhé.



Sinh con ở Nhật có những thuận lợi và khó khăn gì?

① Thuận lợi

1. Dịch vụ y tế tốt, đảm bảo; đội ngũ y bác sĩ nhiệt tình, chu đáo

Về dịch vụ y tế thì phải đến khi sinh mình mới thấy được là ở Nhật tốt như thế nào vì trong thời kỳ đi khám thai, mình không thấy có gì đặc biệt, thậm chí có khi còn không bằng ở Việt Nam ý. Nhưng từ lúc vào sinh con đến suốt thời gian nằm viện, mình đã nhận được sự chăm sóc và chỉ dẫn rất chi tiết và nhiệt tình từ đội ngũ y bác sĩ. Mọi nỗi lo lắng của một người làm mẹ lần đầu gần như được giải quyết hoàn toàn vì mình được hướng dẫn mọi thứ từ cách cho con bú, bế con, xem dấu hiệu con đói, thay bỉm, tắm cho con cho đến việc chăm sóc sức khoẻ của mẹ và bé sau sinh v.v. Cứ bất cứ khi nào có vấn đề gì thắc mắc là bấm chuông gọi y tá nên dù người nhà không được vào viện cả ngày thì mình cũng vẫn yên tâm nghỉ ngơi. Ngoài ra thì đồ ăn ở viện cực kỳ ngon và bổ dưỡng, lại có thêm dịch vụ mát xa mặt và toàn thân nên thật sự là chả muốn ra viện tẹo nào (dù cũng có điểm chưa hài lòng nhưng nói chung là thoả mãn) =))

Sau khi sinh, sẽ có khám sức khoẻ định kỳ cho mẹ và bé. Những đợt khám này được hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết. Các thông tin về việc tiêm chủng cho bé cũng được gửi tài liệu về tận nhà. Khám bệnh cho con cũng hoàn toàn được miễn phí. Với những điều kiện này thì quả thực việc sinh con ở Nhật rất là thuận lợi.

2. Sự tham gia của chồng vào việc sinh con và chăm con

Đẻ ở Nhật thì chồng được vào trực tiếp chứng kiến quá trình đau đẻ và sinh con của vợ. Trong quá trình mang thai cũng có lớp học chăm sóc con có cả vợ và chồng tham gia. Khi ra viện về nhà thì vì không có nhiều người giúp đỡ như ở Việt Nam nên chồng dù đi làm bận rộn và về muộn nhưng vẫn “phải” đỡ đần vợ chút ít việc nhà. Như chồng mình thì hôm nào về cũng phải ru con giúp vợ vì bé nhà mình 4 tháng đầu gắt ngủ khủng khiếp, cả nhà phải thay phiên nhau ru ngủ, con mà không ngủ thì cũng chả có ai được yên tâm ngủ nghỉ cả. Từ khi sinh con cuộc sống 2 vợ chồng thực sự bị đảo lộn, nhưng nhờ đó chồng thấu hiểu nỗi khổ và vất vả của vợ hơn, vợ chồng con cái tự thân vận động, tự chăm sóc nhau nên cũng gắn bó hơn. Nếu về Việt Nam sinh, thì hầu như chồng sẽ chẳng biết và cũng chẳng phải lo đến việc chăm con, cũng chẳng cảm nhận được sự thay đổi lớn khi có con là như thế nào.

3. Không bị ảnh hưởng bởi sự “quan tâm” của người xung quanh

Nhiều người sinh con ở Việt Nam phàn nàn về việc bị bố mẹ, chị em, họ hàng cô bác, bà con lối xóm thay nhau tham gia vào việc ăn uống, kiêng cữ rồi việc chăm con, khiến stress lại càng tăng thêm. Rồi việc ở nhà bố mẹ chồng hay bố mẹ đẻ cũng khá đau đầu. Sinh ở Nhật thì hoàn toàn không có chuyện đó. Dù mình có mẹ đẻ sang chăm giúp mấy tháng, và mẹ cũng nói nhiều về việc phải thế này thế kia, nhưng về cơ bản 2 vợ chồng mình vẫn tự quyết được mọi việc, nên cũng đỡ được kha khá những nỗi bực mình không cần thiết.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới