Youtube Kids là ứng dụng xem video dành riêng cho trẻ em từ 13 tuổi trở xuống do Google phát triển. Điểm khác biệt giữa Youtube Kids và Youtube thông thường là ở chỗ Youtube Kids có nội dung và giao diện thân thiện với trẻ em, với nhiều tính năng kiểm soát nội dung, giúp cho các bố mẹ có thể lựa chọn nội dung an toàn, lành mạnh và quản lý việc xem video của con thuận tiện hơn. Trong bài viết này, BiKae sẽ tóm tắt các tính năng chính cũng như review ứng dụng này để các bố mẹ tham khảo nhé.
Chắc hẳn nhiều bố mẹ cũng từng cho con xem youtube đúng không nào? Mình nghĩ các bé ở độ tuổi nào cũng mê mẩn youtube vì vô vàn những video hấp dẫn và bắt mắt và con mình cũng không ngoại lệ. Mình cũng để ý hạn chế cho con xem tivi và youtube nhưng thực ra mình thấy nếu biết kiểm soát thời gian và nội dung mà con xem thì con có thể học được rất nhiều thứ từ youtube. Tuy nhiên, khi cho con xem youtube, thì điều khó chịu nhất là các đoạn quảng cáo giữa chừng và các video tự động nhảy ra sau khi kết thúc video cũ. Mình hay cho con xem youtube trong lúc nấu ăn nên không thể ngồi xem cùng con từ đầu đến cuối, thành ra cứ phải chạy ra chạy vào tắt quảng cáo rồi chọn lại nội dung khá là mất thời gian. Rồi mình tìm ra Youtube Kids và phát hiện ra ứng dụng này có thể khắc phục các điểm hạn chế của Youtube thông thường, giúp mình an tâm hơn khi cho con xem youtube.
Các tính năng nổi bật của Youtube Kids bao gồm:
- Chọn nội dung phù hợp với lứa tuổi con (có 3 cấp độ: Dưới 4 tuổi; 5-7 tuổi và 8-12 tuổi)
- Chặn nội dung không muốn cho con xem hoặc chỉ cho xem nội dung đã được phê duyệt
- Hẹn giờ để giới hạn thời gian xem của con
- Tắt chức năng tìm kiếm (để trẻ không thể tự tìm video)
- Khoá chức năng cài đặt bằng mật khẩu để chỉ có bố mẹ mới có thể thay đổi cài đặt
Ngoài ra, hầu hết các video trên youtube kids đều không có quáng cáo hoặc hạn chế quảng cáo. Các quảng cáo (nếu có) là dạng quảng cáo có phí đã được Youtube phê duyệt là thân thiện với gia đình. Bạn cũng có thể lựa chọn bỏ toàn bộ quảng cáo với Youtube Premium. Do đó, con có thể xem video một cách liền mạch mà không bị làm phiền bởi những đoạn quảng cáo không liên quan.
Youtube Kids có ứng dụng trên IOS và Android nên bạn có thể tải về điện thoại hoặc iPad dễ dàng. Ngoài ra, nếu muốn cho con xem trên máy tính (nối vào tivi) bạn cũng có thể sử dụng bản web sau khi vào link: youtubekids.com.
Sau đây, mình sẽ giới thiệu khái quát giao diện của ứng dụng Youtube Kids trên điện thoại để các bạn dễ hình dung nhé.
- Mở ứng dụng và chọn “I’m a parent” (Tôi là phụ huynh)
2. Màn hình chào đón
3. Nhập năm sinh của bố/ mẹ
4. Sign in với tài khoản google của bố/ mẹ
5. Tóm tắt các chức năng để bố mẹ kiểm soát. Nhấn vào hình cái khoá để vào “Cài đặt”
6. Chặn và report các video từ menu.
7. Vào nút Home để xem những video con đã xem.
8. Hẹn giờ để khoá ứng dụng khi muốn con nghỉ xem
9. Tạo hồ sơ cho con
10. Chọn nội dung phù hợp với lứa tuổi của con (Mầm non: Dưới 4 tuổi; Trẻ nhỏ tuổi: 5-7 tuổi và Trẻ lớn: 8-12 tuổi)
Giao diện sau khi đã xong cài đặt nội dung. Các bố mẹ có thể chọn video đề xuất sẵn hoặc tự tìm kiếm kênh/ video cho con xem. Ngoài ra với trẻ đã tự biết tìm kiếm video, bạn có thể tắt chức năng tìm kiếm.
Vậy là xong rồi đó. Các thao tác rất đơn giản và dễ thực hiện. Youtube Kids cũng đã có ở Việt Nam nên các chức năng đều đã được Việt hoá rất dễ sử dụng. Các bạn có thể xem hướng dẫn sử dụng chi tiết bằng tiếng Việt tại đây. Giờ thì bạn có thể yên tâm cho con xem Youtube rồi nhé.
Mình thì hay cho con xem video tiếng Anh trên youtube, thỉnh thoảng xem hoạt hình và bài hát tiếng Việt còn tiếng Nhật thì chủ yếu chỉ cho xem chương trình trẻ con trên tivi. Với tivi, mình thường lưu sẵn các chương trình thiếu nhi vào ổ cứng, sau đó bật cho con xem sau thì sẽ hạn chế được thời gian và nội dung con xem.
Con mình hơn 3 tuổi và các kênh Youtube mình thường cho con xem là: Super simple songs, Peppa Pig, Super wings, Robocar Poli, Curious George (phiên bản Nhật là おさるのジョージ), Sesame Street và Miffy. Ngoài Super Wings và Robocar Poli thích hợp với các bé trai hơn thì các kênh còn lại đều dành cho cả bé trai và bé gái. Thỉnh thoảng mình cũng cho xem Pinkfong (kênh nổi tiếng với bài “Baby Shark”) và Babybus vì có 1 số video về tàu, xe mà con mình thích nhưng mình thì không thích 2 kênh này lắm vì ngoài hình ảnh bắt mắt thì tiếng không hay và rõ lắm.
Tiếng Việt thì mình không theo dõi kênh nào cụ thể mà hay tìm video riêng lẻ, như gõ tên bài hát hoặc tên phim hoạt hình/ truyện, nhưng về cơ bản mình chủ yếu dạy con tiếng Việt qua việc đọc sách chứ không dùng Youtube.
Chúc các gia đình có trải nghiệm thú vị với Youtube Kids nhé!
Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.