Chi phí khám thai và sinh con ở Nhật

Các bạn sinh con lần đầu hoặc có ý định sinh con ở Nhật chắc cũng phân vân không biết là tổng chi phí cho việc sinh con ở đây là bao nhiêu? Chi phí sinh thường và sinh mổ như thế nào? Có được trợ cấp gì không?” phải không nhỉ? Trong bài này, dựa vào kinh nghiệm của bản thân và một số thông tin mình đã tìm hiểu trước khi sinh, mình sẽ tóm tắt lại các khoản chi phí cần thiết khi sinh con ở Nhật để các bạn tham khảo nhé.



1. Chi phí khám thai

Việc khám thai và sinh con ở Nhật (trừ những tình huống cần phải dùng thuốc hay chữa trị đặc biệt) thì không phải là đối tượng được bảo hiểm. Điều này có nghĩa là chi phí đi khám thai và sinh con ở Nhật toàn bộ do bạn tự chi trả chứ không phải được bảo hiểm trả 70% như việc đi khám chữa bệnh thông thường.  (Cái này chắc nhiều bạn không biết và mình hồi đầu cũng cứ tưởng là được bảo hiểm cơ đấy). Trong suốt thai kỳ, tổng cộng số lần khám thông thường là 14 lần, phí khám lần đầu khoảng 10.000 yen, các lần khám định kỳ mất khoảng 5.000 yen/ lần và một số tuần phải làm thêm xét nghiệm cũng mất khoảng 10.000 yen. Như vậy tổng cộng chi phí khám thai từ lúc bắt đầu mang thai đến khi sinh là khoảng 100.000 yen.  Một khoản tiền không nhỏ các bạn nhỉ?

Tuy nhiên sau khi khai báo việc mang thai với quận mà bạn đang sống, bạn sẽ nhận được sổ tay mẹ con (母子手帳: boshi techou) kèm theo một tập giấy trợ cấp khám thai có gồm 14 tờ (tương đương với 14 lần khám thai). Giấy này tiếng Nhật gọi là 妊婦健康診査受診票 (ninpu kenkou shinsa jushinhyou), được gọi tắt là 補助券 (hojoken). Mỗi lần khám sử dụng 1 tờ thì bạn sẽ được giảm một phần phí khám thai lần đó. Số tiền được giảm ở mỗi vùng là khác nhau nên bạn có thể lên website của quận để kiểm tra thông tin cụ thể về khoản tiền này. Ví dụ như mình thì mỗi lần khám, mình phải trả khoảng 2.000 yen, tức là được trợ cấp khoảng 60% chi phí khám.

Tổng cộng 14 lần khám thai thông thường theo lịch như sau: (một số bệnh viện có thể áp dụng lịch khác tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của mẹ và thai nhi):

  • Từ lần khám đầu – tuần 23: Tổng cộng 4 lần (4 tuần 1 lần)
  •  Từ tuần 24 – tuần 35: tổng cộng 6 lần (2 tuần 1 lần)
  •  Từ tuần 36 – tuần 40: tổng cộng 4 lần (1 tuần 1 lần)

Trong trường hợp của mình thì lịch khám lại nhiều hơn, cụ thể như sau:

  • Từ lần khám đầu ~ tuần 12: 1-2 tuần 1 lần
  • Tuần 13 ~ tuần 21: 3-4 tuần 1 lần
  • Tuần 22 ~ tuần 35: 2 tuần 1 lần
  • Tuần 36 ~ tuần 40: 1 tuần 1 lần

Tuỳ theo lịch khám sẽ có người không dùng hết 14 tờ (khám đúng 14 lần nhưng sinh trước tuần 40) và có người bị thiếu (dùng hết 14 tờ trước khi sinh). Và nếu dùng hết 14 tờ trước khi sinh thì những lần khám sau bạn sẽ phải tự trả phí mà thường thì mấy tuần cuối phải làm nhiều xét nghiệm hơn nên phí thường đắt. Vì vậy các bạn nên xem kĩ lịch khám xem tổng cộng sẽ khám bao nhiêu lần, nội dung khám mỗi lần ra sao, có nhiều xét nghiệm không để cân nhắc sử dụng giấy trợ cấp cho hợp lí (nếu số lần khám nhiều hơn 14 lần thì để dành giấy lại cho những lần khám phải làm nhiều xét nghiệm hơn còn lần khám định kỳ thì tự chi trả). Như mình lúc trước không biết việc này nên lần nào khám cũng dùng 1 tờ, mà lịch khám của mình lại hơn 14 lần nên tuần 39 mình đã không còn tờ nào để dùng và phải tự trả hết 10.000 yen, đau hết cả lòng mề :((

Về nội dung khám mỗi lần thì các bạn có thể tham khảo lịch khám của mình như dưới đây. Các viện khác nhau có thể thay đổi thời điểm 1 chút nhưng nội dung tổng quát cho tất cả các lần khám thai thông thường đều giống thế này.

  • Từ lần khám đầu đến tuần 12: Mỗi lần khám sẽ đo huyết áp, cân nặng và siêu âm đầu dò. Sau tuần 8 (sau khi bác sĩ xác nhận tim thai và thai phát triển bình thường) sẽ làm xét nghiệm máu và nước tiểu
  • Các lần khám thai định kỳ: Mỗi lần khám sẽ đo huyết áp, cân nặng, thử nước tiểu, đo vòng bụng, đáy tử cung, kiểm tra tình trạng sưng phù và siêu âm thai.
  • Từ tuần 28 đến tuần 31: Ngoài nội dung giống khám thai định kỳ, sẽ có xét nghiệm máu giữa thai kỳ.
  • Từ tuần 32 đến tuần 35: Ngoài nội dung giống khám thai định kỳ, sẽ có xét nghiệm dịch âm đạo.
  • Từ tuần 37 trở đi: Ngoài nội dung giống khám thai định kỳ, sẽ có thêm khám trong và đo sức khoẻ thai nhi NST (Non-Stress Test)

2. Chi phí sinh con

Chi phí sinh con ở Nhật thay đổi tuỳ thuộc vào nơi bạn đăng ký sinh con nhưng trung bình là từ 30 – 70 vạn yen. Một số bệnh viện sản tư nhân và bệnh viện quốc tế với những dịch vụ cao cấp thì chi phí có thể lên tới trên 100 vạn yen. Chi phí sinh mổ cũng khác nhau khi sinh ở viện khác nhau nhưng thường là nhiều hơn chi phí sinh thường khoảng trên dưới 10 vạn yen. Ví dụ như ở clinic mà mình đăng ký sinh thì chi phí sinh thường là 57 vạn yen còn sinh mổ là 65 vạn yen.

Sinh con ở Nhật bạn sẽ có các lựa chọn nơi sinh như sau:

① Bệnh viện sản tư nhân (bao gồm cả các clinic): Tổng chi phí trung bình từ 40 – 60 vạn yen, thường có thêm các dịch vụ chăm sóc sau sinh trong thời gian nằm viện như massage mặt và toàn thân, tiệc tối chúc mừng mẹ tròn con vuông, đồ ăn ngon và đẹp mắt, tặng quà lưu niệm khi xuất viện. Ở những bệnh viện này thì người nhà vào thăm cũng thoải mái và được ở lại thời gian lâu hơn. Người Việt mình thường cảm thấy không yên tâm với việc sinh con tại các phòng khám nhỏ (clinic) nhưng ở đây các phòng khám này lại khá phổ biến, dịch vụ chăm sóc còn sang chảnh hơn bệnh viện và lại không đông đúc như bệnh viện.

②   Khoa sản của bệnh viện tổng hợp: Tổng chi phí trung bình từ 35 – 45 vạn yen, tiền phòng thường rẻ nhưng người nhà vào thăm không được ở lại lâu và thoải mái như bệnh viện tư nhân.

③   Bệnh viện quốc tế: Nghe tên đã thấy “đắt đỏ” nhỉ :)). Tổng chi phí thường từ 90 – 120 vạn yen và tất nhiên đi kèm là những dịch vụ như khách sạn 5 sao. Các bạn Tây sống ở Nhật thường hay chọn sinh ở bệnh viện quốc tế vì có bác sĩ giỏi tiếng Anh.

Ngoài 3 loại bệnh viện trên còn có dịch vụ sinh tại nhà với chi phí từ 25 – 40 vạn yen nhưng cũng không phổ biến lắm vì khá rủi ro. Các bạn Tây cũng hay chọn dịch vụ này.

*** Trợ cấp sinh con và nuôi con:

Nếu bạn có bảo hiểm ở Nhật thì khi sinh con bạn sẽ được nhận một khoản trợ cấp 50 vạn yen/ 1 em bé, tiếng Nhật gọi là 出産育児一時金(shussan ikuji ichiji kin). Khoản này áp dụng đối với trẻ sinh từ ngày 1/4/2023 trở về sau. Đối tượng được nhận trợ cấp là phụ nữ sinh con khi thai được 85 ngày tuổi trở lên (tương đương thai 4 tháng tuổi). Nếu bị sảy thai hay lưu thai khi thai đã được hơn 85 ngày tuổi thì cũng được nhận trợ cấp này. Nếu chi phí sinh vượt quá 50 vạn yen thì bạn sẽ phải trả số tiền vượt quá trực tiếp cho bệnh viện vào ngày xuất viện. Nếu chi phí sinh ít hơn 50 vạn yen thì số tiền còn lại sẽ được chuyển vào tài khoản của bạn khoảng trong khoảng thời gian từ 1 – 2 tháng sau sinh.

→ Đâng ký nhận trợ cấp này như thế nào?

Có 2 chế độ đăng ký nhận trợ cấp và áp dụng chế độ nào tuỳ thuộc vào bệnh viện mà bạn đăng ký sinh.

① 直接支払制度 (chokusetsu shiharai seido): chế độ trả trực tiếp, tức là bệnh viện sẽ làm việc với công ty bảo hiểm để tiền hành các thủ tục cần thiết, sau đó công ty bảo hiểm sẽ trả tiền trực tiếp cho bệnh viện còn bạn thì không phải thực hiện thủ tục nào cả.

② 受取代理制度 (uketori dairi seido): chế độ trả thay, tức là bạn sẽ phải là người thực hiện các thủ tục cần thiết với công ty bảo hiểm để yêu cầu họ trả cho bệnh viện thay cho bạn. Chế độ này được áp dụng đối với những bệnh viện chưa đăng ký chế độ trả trực tiếp ở trên. Tuy không tiện như chế độ trả trực tiếp nhưng thủ tục cũng khá đơn giản. Bệnh viện sẽ hướng dẫn cho bạn những giấy tờ cần điền và nộp cho công ty bảo hiểm. Bạn điền xong các giấy tờ này rồi đi nộp là được.
Một số bệnh viện sẽ yêu cầu bạn trả trược 1 khoản tiền như tiền đặt cọc khoảng vài vạn yen. Sau khi hoàn thành thủ tục nhận trợ cấp, số tiền này sẽ được hoàn trả lại cho bạn vào ngày xuất viện.

Đối với những bạn đóng bảo hiểm ở Nhật nhưng về Việt Nam sinh thì cũng được nhận trợ cấp này. Trong trường hợp này bạn hãy liên hệ với công ty bảo hiểm để chuẩn bị các giấy tờ cần thiết (như hoá đơn viện phí, giấy chứng sinh v.v) để sau khi quay lại Nhật, bạn nộp các giấy tờ này và sẽ nhận được tiền này qua tài khoản của bạn sau khoảng thời gian từ 2 tuần đến 2 tháng.

Ngoài khoản trợ cấp 50 vạn yen kể trên thì tuỳ nơi làm việc và công ty bảo hiểm mà bạn tham gia, bạn có thể được nhận thêm các trợ cấp khác. Ví dụ nếu mẹ đi làm thì trong thời gian nghỉ sinh có thể được nhận 2/3 tiền lương hàng tháng. Hay như một số mẹ tham gia bảo hiểm của công ty chồng thì có thể được nhận thêm trợ cấp từ công ty đó.

Trên đây là các thông tin cơ bản về các khoản chi phí mang thai và sinh con ở Nhật mà mình đã tìm hiểu và trải nghiệm. Các bạn có thắc mắc hay góp ý, bổ sung gì thì cứ bình luận ở dưới nhé.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới