Mang thai ở Nhật kỳ 2 đã tổng hợp những thông tin quan trọng về chế độ ăn uống và dinh dưỡng khi mang thai. Trong kỳ này, mình sẽ liệt kê những đồ dùng cần phải chuẩn bị cho mẹ và bé trước ngày sinh.
Danh sách đồ dùng có thể khác nhau tuỳ thuộc nơi bạn sẽ sinh con. Bệnh viện thường giải thích và cung cấp cho bạn những thông tin này vào khoảng những tháng giữa thai kỳ.
① Đồ dùng cần chuẩn bị cho ngày nhập viện
Danh sách này bao gồm tất cả đồ dùng cần thiết, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ phải tự mang tất cả vào viện mà tuỳ yêu cầu của mỗi bệnh viện bạn sẽ phải chuẩn bị 1 phần trong số đồ dùng này. Bệnh viện sẽ giúp chuẩn bị cho bạn một số đồ dùng (thường là theo set, và có chi phí cố định cho set đó) gọi là お産セット(o-san setto) với chi phí trên dưới ¥10,000. Bạn chỉ phải mang đến viện những đồ còn lại. Hãy hỏi kĩ lại bệnh viện thông tin này nhé.
1. Pijama loại cài phía trước: 2 – 3 bộ (パジャマ: pajama) (có viện sẽ chuẩn bị quần áo mặc ở viện cho bạn, nhưng có viện sẽ yêu cầu phải tự mang đồ của mình đến). Hồi sinh bé đầu thì mình mặc áo của bệnh viện, nhưng lần sinh sắp tới mình đăng ký ở viện khác và mình cần tự chuẩn bị bộ đồ mặc ở viện. Mình đã mua 2 bộ như ảnh dưới, mặc vào rất thoải mái, dễ chịu. Mình nghĩ mặc ở nhà sau sinh cũng rất ổn.
2. Quần nịt bụng sau sinh
3. Khăn mặt: 3 – 4 chiếc
4. Khăn tắm: 1 chiếc
5. Miếng thấm hút sữa (母乳パッド: ぼにゅうパッド: bonyuu paddo) (Xem link sản phẩm)
6. Khăn xô cho em bé: 3 – 4 chiếc (ガーゼハンカチ: gaaze hankachi) (Xem link sản phẩm)
7. Dép đi trong phòng (スリッパ: surippa), tất chân (くつ下: kutsu shita)
8. Quần lót sau sinh loại có miếng dán ở đáy quần: 3 – 4 chiếc (産褥ショーツ: さんじょくショーツ: sanjoku shootsu) (Xem link sản phẩm)
9. Băng vệ sinh dùng sau sinh (お産パッド/ナプキン: おさんパッド/ ナプキン: o-san paddo/ napukin) (bệnh viện thường chuẩn bị cho các bạn đủ dùng khi ở viện). Các bạn chọn size S, M hoặc L tuỳ theo lượng sản dịch ít hay nhiều. (Xem link sản phẩm)
10. Áo lót loại có thể mở ra để cho con bú (母乳用ブラジャー: ぼにゅうようブラジャー: bonyuu you burajaa) (Xem link sản phẩm)
11. Giấy ăn (ティッシュペーパー: tisshu peepaa)
12. Dụng cụ để rửa mặt và tắm: chậu, khăn, xà phòng, dầu gội, sữa tắm, kem dưỡng ẩm (nếu bạn ở phòng riêng trong bệnh viện thì thường là không cần)
13. Sổ tay sức khỏe mẹ con (母子健康手帳: ぼしけんこうてちょう: boshi kenkou techou)
14. Thẻ bảo hiểm (健康保険証: けんこうほけんしょう: kenkou hokenshou)
15. Thẻ khám bệnh (ở bệnh viên bạn đang khám) (診察券: しんさつけん: shinsatsu ken)
16. Con dấu (印鑑: inkan)
17. Sổ tay, dụng cụ ghi chép, tiền lẻ, tiền xu, thẻ điện thoại, máy ảnh/camera v.v
18. Quần áo cho em bé để dùng khi xuất viện
19. Các giấy tờ liên quan đến thủ tục nhập viện và thanh toán viện phí (theo chỉ dẫn cụ thể của bệnh viện)
② Quần áo cho em bé
*** Lưu ý khi chọn quần áo cho em bé:
- Chất liệu dễ thấm mồ hôi, thông thoáng, nhẹ, mềm với da em bé
- Chọn những đồ dễ giặt, bền, đường kim mũi chỉ chắc chắn
- Chọn những màu không lộ rõ vết bẩn
- Chọn kiểu dáng thoải mái cho bé dễ cử động, không có cổ áo, tay áo rộng, cài phía trước
- Nên chọn kiểu quần áo buộc dây hoặc có miếng dán thay vì cài cúc
*** Những đồ cần chuẩn bị:
1. Khăn xô: 10 – 20 chiếc (ガーゼハンカチ: gaaze hankachi) (Xem link sản phẩm)
2. Bỉm giấy (紙おむつ: kami omutsu)
3. Đồ lót cho bé: 3 – 5 bộ (肌着: はだぎ: hadagi) (Xem link sản phẩm)
4. Quần bọc ngoài bỉm: 6 cái (おむつカバー: omutsu kabaa) (dùng mặc ngoài nếu bạn dùng tã vải)
5. Đồ lót dài cho bé: 3 – 4 bộ (長肌着: ながはだぎ: naga hadagi) (dùng cho bé sinh mùa đông) (Xem link sản phẩm)
6. Áo cho bé: 3 – 4 chiếc (上着: うわぎ: uwagi)
7. Áo gile: 1 – 2 chiếc (ベスト: besuto) (dùng cho bé sinh mùa đông)
8. Khăn quấn cho bé: 2-3 chiếc (おくるみ: okurumi) (dùng cho bé sinh mùa đông) (Xem link sản phẩm)
9. Giấy lau vùng nhạy cảm cho bé (おしりふき: oshiri fuki), nên mua loại cotton và mua số lượng ít một vì có những loại không hợp gây dị ứng cho bé
③ Đồ dùng cần thiết khi tắm cho bé
1. Chậu tắm (ベビーバス): Có nhiều loại chậu tắm nhưng mình thấy loại chậu có thể gấp được vừa tiện vừa gọn, dùng xong gấp vào không bị chiếm diện tích. Ví dụ như sản phẩm dưới đây.
2. Dụng cụ đo nhiệt độ nước (湯温計: ゆおんけい: yuonkei) (Xem link sản phẩm)
3. Nhiệt kế (体温計: たいおんけい: taionkei): Với bé sơ sinh thì nên mua loại có thể đo nhanh và chính xác, như loại này của Omron (Xem link sản phẩm).
4. Xà phòng (sữa tắm) cho em bé (石けん: sekken: xà phòng, ベビーソープ: bebii soopu: sữa tắm). Nhà mình luôn dùng loại này.
5. Chậu rửa mặt
6. Khăn tắm (loại vải mỏng dùng để lau người bé trong chậu) (入浴布: にゅうよくぬの: nyuuyoku nuno)
7. Khăn xô (ガーゼハンカチ: gaaze hankachi)
8. Bộ thuốc khử trùng rốn (おへそ消毒セット: おへそしょうどくセット: o heso shoudoku setto) (do bệnh viện cung cấp)
9. Khăn tắm loại to: Mình mua loại khăn xô to để dịu nhẹ và mềm mại với da bé. (Xem link sản phẩm)
10. Bỉm và quần áo để thay cho bé
11. Dầu/ kem dưỡng để mát xa cho bé
12. Cắt móng tay (loại dành cho trẻ sơ sinh) (爪切り: tsume kiri) (Xem link sản phẩm)
13. Bông ngoáy tay (loại dành cho trẻ sơ sinh) (綿棒: めんぼう: menbou) (Xem link sản phẩm)
④ Đồ dùng cần thiết khác cần chuẩn bị
* Số lượng chỉ mang tính tham khảo, bạn có thể thay đổi tùy nhu cầu sử dụng.
1. Giường: 1 chiếc (ベビーベッド)
2. Đệm: 1-2 chiếc (敷きふとん: shiki futon)
3. Chăn: 1 chiếc (掛けふとん: kake futon)
4. Chăn len: 1 – 2 chiếc (毛布: moufu)
5. Chăn dạng mỏng: 3 -4 chiếc (タオルケット: taoru ketto). Chăn loại này có thể dùng vào mùa xuân, hè, thu và dùng được đến tận lúc con đi nhà trẻ, mẫu giáo.
6. Vỏ chăn và vỏ đệm: 2 chiếc cho mỗi loại
7. Vỏ chăn len: 2 chiếc
8. Gối: 2 – 3 chiếc (枕: まくら: makura)
9. Xe đẩy (ベビーカー: bebii kaa) (loại A型 có thể dùng cho trẻ từ 1 tháng tuổi, loại B型 dành cho bé từ 7 tháng tuổi trở lên)
10. Ghế ngồi ô tô: 1 chiếc (チャイルドシート) (dùng khi cho bé đi ô tô)
11. Địu: 1 chiếc (抱っこひも: dakko himo)
⑤ Mua đồ cho bé ở đâu?
Ngoài một số link sản phẩm mình giới thiệu trong bài thì các bạn có thể xem thêm hướng dẫn chọn đồ và nơi mua đồ cho bé sơ sinh trong bài “Hướng dẫn chọn mua đồ cho bé sơ sinh tại Nhật“.
Mình kết thúc kỳ 3 ở đây nhé. Các bạn đón đọc kỳ 4: Chăm sóc da và làm đẹp khi mang thai
Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.