Trong quá trình nuôi dạy con ở Nhật, chắc hẳn nhiều gia đình Việt có những băn khoăn lo lắng về khả năng ngôn ngữ của con. Nếu chỉ nói tiếng Việt với con liệu con có gặp khó khăn trong việc hoà nhập và theo kịp các bạn trong lớp? Nếu dạy con song song Việt – Nhật, con có bị loạn ngôn? Nếu nói xen lẫn Nhật Việt, con có phản xạ nói tiếng Việt hay không? … Cùng chung nỗi lo lắng tương tự khi nuôi con trong môi trường đa ngôn ngữ nên BiKae cũng có rất nhiều thắc mắc và trăn trở, đặc biệt là vấn đề dạy và gìn giữ tiếng Việt cho con.
Mình đã có cơ hội được nói chuyện và phỏng vấn 4 mẹ Việt đã sống ở Nhật nhiều năm và có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy tiếng Việt cho con ở Nhật. Bốn gia đình với bốn hoàn cảnh khác nhau nhưng đều đã có những thành công nhất định trong việc duy trì và gìn giữ tiếng Việt cho con từ khi con còn nhỏ đến cấp 3. Các bạn cùng theo dõi nội dung buổi nói chuyện trong bài viết này nhé.
Đầu tiên xin giới thiệu với các bạn bốn nhân vật chính trong buổi nói chuyện.
Nhân vật đầu tiên là chị Nguyễn Thu Hằng. Gia đình chị Hằng gồm 4 thành viên, hai vợ chồng đều là người Việt, con trai lớn 17 tuổi sang Nhật khi 9 tháng tuổi và con trai nhỏ 12 tuổi, sinh ở Nhật. Cả hai bạn đều phát âm tiếng Việt tốt như người Việt Nam bình thường, không bị lớ và các bạn ấy có thể nói chuyện với bố mẹ về mọi chủ đề khoa học, lịch sử, văn hóa, chính trị … hầu như không có rào cản ngôn ngữ tiếng Việt.
Nhân vật thứ hai là chị Trần Mỹ Hạnh, là bạn của mình nên mình biết rõ về khả năng tiếng Việt của hai bạn nhỏ nhà chị Hạnh. Gia đình chị Hạnh có 4 thành viên, hai vợ chồng là người Việt, con trai lớn 14 tuổi sang Nhật khi 1 tuổi rưỡi, và con gái nhỏ 8 tuổi sinh ở Nhật. Bạn lớn không chỉ nói tiếng Việt tốt mà còn có thể sử dụng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam rất chuẩn xác, rất cập nhật các bài hát và phim tiếng Việt, sẵn sàng “chém gió” với các chú các bác người Việt trên bàn ăn. Bé thứ hai đi nhà trẻ Nhật từ 1 tuổi nhưng nói tiếng Việt rất sõi và chuyển ngữ Nhật Việt không gặp vấn đề gì. Hiện giờ bạn bé đang học lớp 2, có thể đọc viết, nói tiếng Việt gần như tương đương với các bạn cùng tuổi ở Việt Nam.
Nhân vật thứ ba là chị Nguyễn Thị Bích Diệp, là nhân vật đặc biệt hơn một chút vì gia đình chị là gia đình Việt – Nhật. Chồng chị Diệp là người Nhật nhưng có thể nói tiếng Việt tốt và rất yêu tiếng Việt. Hai anh chị có một con gái 9 tuổi, sang Nhật từ lúc 2 tuổi. Con gái chị Diệp có thể giao tiếp tiếng Việt được như trẻ Việt, biết đọc tốt và viết những câu tiếng Việt đơn giản.
Nhân vật cuối cùng là chị Đào Thu Vân, là bạn và cũng là hàng xóm của mình. Gia đình chị Vân có 4 thành viên, 2 vợ chồng là người Việt. con trai lớn 16 tuổi rưỡi tuổi sang Nhật khi 2 tuổi rưỡi và con trai nhỏ 6 tuổi, sang Nhật khi 2,5 tháng. Trong thời gian ở Nhật, gia đình chị Vân có 1 năm quay về sống ở Việt Nam và bạn lớn có đi học lớp 4 tại một trường tư thục ở Việt Nam, sau đó thì quay lại Nhật. Hiện tại bạn lớn tuy đã học lên cấp 3 ở Nhật nhưng vốn từ và khả năng giao tiếp không thua gì trẻ em ở Việt Nam. Bạn rất thích xem các chương trình truyền hình và phim trên tivi Việt Nam, luôn dùng tiếng Việt chuẩn khi có các cô chú người Việt đến nhà chơi. Bạn nhỏ 6 tuổi, đang đi nhà trẻ ở Nhật nhưng cũng nói tốt tiếng Việt và đã bắt đầu biết đọc.
Sau đây là những chia sẻ của bốn chị về việc dạy tiếng Việt cho con ở Nhật. Bài viết sẽ được chia làm 2 kỳ:
Kỳ 1: Nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Việt và cân bằng ngôn ngữ Việt – Nhật
Kỳ 2: Tóm tắt quá trình dạy nói – viết tiếng Việt và lời nhắn dành cho các gia đình Việt đang nuôi con ở Nhật
—————-
Kỳ 1: Nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Việt và cân bằng ngôn ngữ Việt – Nhật
1. Làm thế nào để các con yêu thích, chịu học và muốn học tiếng Việt?
Chị Hằng: Chân thành mà nói, cũng chẳng có chuyện hai bạn nhà mình yêu thích tiếng Việt đâu. Chúng chỉ chịu học cho thôi. Với cả hai đứa con, mình luôn nói: “Con có thể tự quyết định. Nếu quyết định không học thì bảo mẹ, mẹ sẽ không dạy cho nữa, mẹ càng nhàn…”. Chúng sẽ cảm thấy như đấy là quyền lợi chứ không phải nghĩa vụ, và không đứa nào đủ dũng cảm từ chối.
Việc dạy cho con từ lúc còn nhỏ cũng có lợi ích là khi đó chúng nghe lời, chưa nhiều ý kiến. Được cái có anh làm gương, nên em cũng muốn theo. Nhà mình về Việt Nam nhiều cũng là một phần. Đối với các con, Việt Nam vô cùng gần gũi, thân thiết. Chúng rất thích về Việt Nam, lâu không về là nhớ. Bạn lớn nhà mình nhớ cái náo nhiệt xô bồ của chợ cóc trước cửa nhà bà, thích vị sấu cho nước rau muống hơn vị chanh… Mình tin, tình yêu với Việt Nam hình thành từ những thứ nhỏ nhặt đó. Và chúng chịu học tiếng Việt cũng vì những thứ khó xác định thành lời đó. Chúng vẫn cảm nhận chúng là người Việt, nên học tiếng Việt cũng là đương nhiên thôi.
Làm sao để trẻ con chịu đọc sách tiếng Việt? Đúng là sách tiếng Nhật có nhiều sách/ truyện có nội dung hay hơn, hấp dẫn hơn, nên cũng là cản trở với sách tiếng Việt. Mình chỉ có một kinh nghiệm là, trẻ con đọc sách truyện, quan trọng nhất là phải phù hợp lứa tuổi, phù hợp với mối quan tâm sở thích của chúng. Dễ quá thì chán, khó quá thì không hiểu. Cái này thì chỉ có mẹ mới hiểu con nhất để lựa chọn được thôi.
Chị Hạnh: Mình đã được các anh chị đi trước truyền lại kinh nghiệm rằng nhiều khi con không chịu nói tiếng Việt cũng là do tâm lí sợ khác biệt với các bạn Nhật, nên mình chuẩn bị tâm lí cho con từ lúc còn nhỏ. Mình luôn nói với con rằng con là người Việt nhưng sống ở Nhật, vậy là con lợi thế hơn các bạn rồi. Con nói được hẳn hai thứ tiếng. Để con yêu tiếng Việt và hiểu Việt Nam hơn mình dạy con hát các bài Việt Nam, từ các bài trẻ con cho đến các bài người lớn. Con đầu là con trai nên mình dạy bé các bài hát hào hùng như Quốc Ca và bé rất thích.
Ngoài ra mình cũng chỉ cho bé thấy biết hai thứ tiếng có lợi thế nào: ví dụ nhé, khi ông bà sang bé đi chợ, dịch cho ông bà, về mình sẽ bảo con giỏi quá. Sau này biết đâu con lại là phiên dịch Nhật Việt, tự kiếm tiền được rồi. Thế là bạn ý hào hứng “Thế là con sẽ xây nhà to cho mẹ nhé, mẹ không phải đi làm nữa”:) Chả biết có thành được hiện thực không nhưng trước mắt cứ tăng chút động lực học tiếng Việt cho con đã. Mình tin là khi bé thực sự hiểu tại sao bé nên học tiếng Việt bé sẽ tự nhiên mà học mà nói tiếng Việt thôi.
Chị Diệp: Con sinh ra ở Hà Nội và sống tại Hà Nội đến khi con được 2 tuổi thì cả gia đình chuyển về Nhật. Khi đó con đã nói được những câu tiếng Việt ngắn và biết khá nhiều từ vựng. Ba là người Nhật nhưng có thể nói tiếng Việt được nên trước khi về Nhật ba muốn chọn tiếng Việt là ngôn ngữ chính trong gia đình để mình không có cảm giác đang sống xa quê hương. Vợ chồng mình nói với nhau 100% tiếng Việt cũng là để con có cơ hội được nghe nhiều tiếng Việt hơn.
Ngoài việc dạy con tiếng Việt mình cũng duy trì văn hoá ẩm thực Việt – Nhật hàng ngày. Cùng con mua sắm và cùng con vào bếp nấu ăn.
Gia đình mình ưu tiên việc đi du lịch tại Nhật và về Việt Nam mỗi năm ít nhất 1 lần. Cho con chọn nơi con muốn du lịch tại Việt Nam và cùng con đi hiệu sách mua nhiều sách tiếng Việt con thích. Đi chợ Việt cùng con mặc cả và chọn mua … (không để cho con có cơ hội nói tiếng Nhật khi ở Việt Nam).
Mỗi lần về Việt Nam là tổ chức cho con làm 1 đến 2 loại bánh dân gian để con thêm hiểu biết. Tìm và kết bạn cho con với những người bạn cùng độ tuổi ở Việt Nam. Thường xuyên cho con video call với các bạn. Đến nay con vẫn thường chơi với các bạn hàng giờ đồng hồ qua video call mỗi tuần.
Mình cố gắng giao hoà hai ngôn ngữ và hai văn hoá của hai nước. Minh thường kể cho bé nghe về những kỉ niệm vui khi mình con bé, kể về sự quan tâm của mọi người trong gia đình Việt, thường xuyên khen và ca ngợi về quê hương. Mình muốn cho con thấy được nét đẹp văn hoá Việt Nam để con luôn tự hào về quê hương minh.
Chị Vân: Có lẽ muốn con yêu thích tiếng Việt hay Việt Nam thì gia đình mình cố gắng tạo một môi trường Việt Nam trong nhà. Ví dụ như: đọc sách ehon của Nhật đã dịch ra tiếng Việt, xem phim hay các chương trình văn hoá, ẩm thực của Việt Nam và đương nhiên bố mẹ dùng tiếng Việt để giao tiêp cùng con. Ngoài ra, gia đình luôn cố gắng cuối tuần gọi điện cho ông bà của hai bé ở Việt Nam để con có thêm cơ hội nói tiếng Việt cùng mọi người.
Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.