Nhà trẻ ở Nhật (5): Kengaku có cần thiết không?

Ở Nhật, trước khi đăng ký xin vào nhà trẻ hoặc mẫu giáo, các bố mẹ thường đi thăm trường (見学: kengaku). Việc kengaku có thể là bắt buộc hoặc không bắt buộc tuỳ theo quy định của từng vùng/ thành phố và của từng trường. Do việc gửi trẻ ở Nhật khá khó khăn, đặc biệt với những gia đình chỉ có 1 bố hoặc mẹ đi làm full time, nên nhiều người thường có tư tưởng là xin được vào trường nào là tốt rồi, trường nào ở Nhật chất lượng chả như nhau. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của bản thân, mình thấy việc đi thăm trường là cực kì cần thiết và là điều nên làm, dù đó có phải là quy định bắt buộc hay không.



Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những điều nên biết về việc kengaku nhà trẻ.

① Vì sao kengaku nhà trẻ là cần thiết?

Lý do đầu tiên là một số quận/ thành phố yêu cầu bắt buộc việc dẫn con đến tham quan trường mà mình định xin vào, trước khi nộp hồ sơ xin vào trường đó. Vì vậy các bạn hãy kiểm tra kỹ quy định của vùng mà mình sống xem có điều kiện này không nhé.

Thứ hai là có nhiều điểm phải đi kengaku thực sự mới thấy rõ được. Gửi gắm con vào một nhà trẻ trong một thời gian dài nên mình cần phải chắc chắn là con được ở trong một môi trường tốt và an toàn và chỉ có đến xem tận mắt mới cảm nhận được. Khi đi kengaku, mình nhìn ra nhiều điểm mà mình không hài lòng hoặc có cảm nhận không tốt mà trước đó mình không biết (nếu chỉ xem website) hoặc không hình dung ra.

Ví dụ, dù các nhà trẻ được công nhận (認可保育園: ninka hoikuen) đều phải đạt các tiêu chuẩn giống nhau về quy mô, độ an toàn cho trẻ, chất lượng bữa ăn, chất lượng và số lượng giáo viên v.v, nhưng cũng có trường cực rộng, có sân chơi đầy đủ, có trường lại nằm trong 1 toà nhà, không có sân chơi mà các cô chỉ dắt trẻ đi dạo và chơi ở công viên gần đó. Hay về định hướng giáo dục, có trường hướng đến mục tiêu giáo dục thể chất là chính, nên có nhiều hoạt động như thể dục, bóng đá, vận động và không có giờ dạy tiếng Anh hay âm nhạc như những trường khác. Hay có trường tổ chức các sự kiện có bố mẹ tham gia hoàn toàn vào cuối tuần, nhưng cũng có trường tổ chức 1 số sự kiện vào ngày thường (bất lợi cho các bố mẹ đi làm) v.v.

Các trường không được công nhận (認可外保育園: ninkagai hoikuen) thì còn khác biệt nhiều hơn nữa. Có trường thì nhỏ xíu, chỉ trông 1 vài trẻ, nằm ở góc khuất hoặc dưới tầng hầm 1 toà nhà. Có trường khá hơn nằm ở vị trí thuận lợi, rộng rãi và sáng sủa hơn v.v

Các bạn có thể xem bài phân biệt 2 loại nhà trẻ ninka và ninkagai tại đây.

② Khi nào nên đi kengaku và đăng ký như thế nào?

Thời gian nộp hồ sơ đăng ký vào nhà trẻ ở Nhật thường bắt đầu từ đầu tháng 11, nên các bố mẹ có thể đăng ký kengaku trước đó vài tháng. Thường thì thời gian kengaku ở các trường ninka đã được quyết định, nên hầu như mình sẽ phải điều chỉnh lịch của bản thân cho phù hợp. Nếu ngày kengaku là ngày thường thì các bố mẹ đi làm sẽ phải xin nghỉ vài tiếng. Ở những khu vực có độ canh tranh vào nhà trẻ cao, thì cần đăng ký nhiều nguyện vọng, và danh sách trường cần kengaku cũng nhiều hơn. Vì vậy, cần lên lịch kengaku từ sớm để có thể sắp xếp thời gian tốt hơn. Các trường ninkagai thì thời gian linh hoạt, có thể điều chỉnh dễ hơn.

Đăng ký kengaku bằng cách gọi điện thoại trực tiếp đến trường mình muốn tham quan. Trường sẽ đưa ra lịch cho mình lựa chọn. Chọn được ngày rồi thì trường sẽ hỏi tên bạn, tên con, tuổi của con và số điện thoại liên lạc của bạn. Vậy là xong.

Các trường chưa mở (nhưng dự kiến sẽ hoàn thành và mở trường vào đúng năm học mới) sẽ có thông báo ngày có thể đăng ký kengaku trên website.

③ Nội dung một buổi kengaku

Đến ngày kengaku, các bố mẹ sẽ tập trung lại vào một phòng trong trường. Thầy/ cô hiệu trưởng sẽ giới thiệu về trường trong khoảng 15-30 phút đầu. Sau đó các bố mẹ sẽ được dẫn đi xem các phòng học, sân chơi, nhà bếp và các trang thiết bị khác trong trường. Cuối buổi sẽ là phần Q&A dành cho các bố mẹ có điều cần hỏi. Một buổi kengaku thường kéo dài tầm 1 tiếng.

Các trường chưa mở (nhưng dự kiến sẽ hoàn thành và mở trường vào đúng năm học mới), thì sẽ có một buổi giới thiệu trường (説明会: setsumei kai). Buổi seitsumei kai này thường tập trung đông bố mẹ hơn để nghe giải thích và PR của trường và không có phần đi tham quan trang thiết bị của trường.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới