2. Giải quyết khó khăn trong quá trình dạy tiếng Việt cho con
Chị Hằng: Mình nhận thấy là nếu con đến “cữ” (đúng thời điểm) thì thì dạy sẽ rất nhanh, dễ dàng. Còn chỉ cần sớm một chút thôi là sẽ khó khăn vất vả cho cả hai, và có thể làm con chán ghét việc học. Vì vậy, lời khuyên của mình là mẹ không nên nóng vội, nắm bắt theo nhịp phát triển của con.
Chị Hạnh: Khó khăn thì chắc chắn là có rồi. Ai cũng gặp thôi. Có những lúc bé bướng không chịu học, hoặc đọc mãi không được bé nản và mình cũng bực mình chứ. Hoặc bản thân mình cũng thế thôi có những lúc mệt cũng không muốn dạy và không muốn đọc truyện cho con chứ. Nhưng chỉ cho phép mình nghỉ hôm đó thôi, hôm sau lại tiếp tục. Với kinh nghiệm của mình thì để dạy một ngôn ngữ cần duy trì đều đặn, kiên trì và tìm ra cái mới. Cứ kiên trì đều đặn là sẽ có thành quả thôi.
Chị Diệp: Mình thấy không có nhiều khó khăn gì khi dạy con tiếng Việt. Có thể do môi trường tiếng Việt ít nên con học sẽ hay quên nếu mình không thường xuyên ôn tập lại cho con. Tuy nhiên nếu bố mẹ yêu tiếng Việt thì không có vấn đề gì khó khăn cả. Mình thường dạy con học trong vui vẻ.
Chị Vân: Về khó khăn trong việc dạy con tiếng Việt thì mình cũng có đề cập một chút ở các câu hỏi phía trên, ví dụ khi con bị lẫn lộn Nhật Việt, hay bị nói ngọng hoặc nói lắp, sai dấu câu (như dấu ngã nói thành dấu sắc). Cách để thay đổi là hướng dẫn con nói chậm lại và chỉnh ngữ âm dần dần.
3. Lời khuyên và nhắn nhủ dành cho các gia đình đang trăn trở trong việc dạy tiếng Việt cho con ở Nhật
Chị Hằng: Trẻ được tiếp xúc với 2 thứ ngôn ngữ trước 3 tuổi sẽ phát triển cả hai ngôn ngữ đều như tiếng mẹ đẻ. Nên bạn đừng lo sợ con đi học khó hòa nhập, đừng ngần ngại dạy con tiếng Việt ngay từ những ngày đầu tiên. Chúng sẽ phát triển song song cả hai ngôn ngữ không mấy khó khăn. Thậm chí việc kích hoạt não sẽ giúp bé lớn lên học thứ ngôn ngữ thứ 3 cũng dễ dàng hơn nữa. Điểm quan trọng nhất là bố mẹ muốn gì, định thế nào, chứ không phải là ở năng lực của đứa trẻ.
Một điều nữa là, có thể khi con nhỏ, nội dung giao tiếp còn đơn giản thì việc giao tiếp với con bằng tiếng Nhật không có vấn đề gì. Nhưng khi con lớn, nội dung giao tiếp giữa bố mẹ và con cái sẽ phức tạp hơn, tinh tế hơn. Nếu con hiểu tiếng Việt tốt (có thể không dùng được như bạn nhưng hiểu được), bạn có thể chia sẻ, tâm sự, dạy dỗ con bằng thứ ngôn ngữ mà bạn thông thạo, thoải mái nhất, với những từ vựng chuẩn xác, truyền đạt đầy đủ sắc thái trong nội dung mà bạn muốn nói, trong mọi lĩnh vực. Điều này rất có lợi trong việc xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ và con cái. Mình mong rằng đây sẽ là những động lực để các gia đình duy trì dạy con tiếng Việt.
Chị Hạnh: Để bảo là cho lời khuyên thì mình không dám đâu vì 2 bé còn nhỏ chưa nói lên được gì. Với lại bé nhà mình cũng chưa hẳn là đọc thông viết thạo mà chỉ là biết đọc biết viết thôi. Nhưng như mình chia sẻ ở trên, để dạy một ngôn ngữ cần duy trì đều đặn, kiên trì và tìm ra cái mới. Bản thân mình cũng là người học nhiểu ngoại ngữ nên mình hiểu nó khó thế nào. Bé lớn nhà mình giờ đi học cũng bận lắm, mình cũng bận nữa nên để dành nhiều thời gian cho tiếng Việt như khi còn bé là rất khó vì thế mình chọn con đường duy trì. Hàng ngày vẫn nói chuyện với ba mẹ, mỗi tuần bé sẽ đọc một bải tiếng Việt trong bất kì quyển sách nào bé thích để không quên.
Ngoài ra ở mỗi độ tuổi thì sự quan tâm của con cũng khác nhau. Nên mình cũng phải dựa vào đó mà hỗ trợ bé. Như bé nhà mình bây giờ ở trường học thành ngữ tục ngữ tiếng Nhật thế là về mình cũng dạy bé thành ngữ tục ngữ Việt Nam luôn. Cứ thế bé sẽ gần gũi với Việt Nam hơn và sẽ thấy nói tiếng Việt không phải là điều gì quá khó.
Để học và giữ tiếng Việt ở nước ngoài khi xung quanh con rất ít cơ hội nói tiếng Việt là điều không dễ nhưng nếu mình duy trì được thì đó vừa là hạnh phúc của con vừa là lợi thế của con. Mình chúc mọi người và các bé luôn tìm được niềm vui khi học tiếng Việt.
Chị Diệp: Theo mình điều quan trọng nhất khi dạy tiếng Việt cho con trong gia đình Việt Nhật đó là chính bản thân bố mẹ người Việt phải luôn là người tự hào về dân tộc mình, phải kiên trì và luôn muốn đem những nét đẹp của quê hương mình để lan toả đến chồng (vợ) và con. Theo mình thì quê hương của mình không ở đâu xa. Quê hương chính là những đứa con biết nói, đọc, viết tiếng Việt và chúng luôn thấy tự hào vì chúng có 1 nửa là Việt Nam, có hai quê để yêu hơn các bạn khác.
Chị Vân: Thực ra với cá nhân nhà mình thì việc các con nói tiếng Việt trong nhà với bố mẹ hay gặp các cô chú người Việt là điều bình thường. Như cháu lớn năm nay 16 tuổi trong một buổi ăn sáng cùng mình đã bảo rằng: “Là người Việt không giữ tiếng Việt thì giữ cái gì?” Nghe con nói xong câu đó thì mình là hiểu con mình đã có sự trưởng thành và ít nhiều con không thấy ngại khi phải nói tiếng Việt hay nhận mình là người Việt. Mình nghĩ rằng việc cho con nhận thấy nơi mà mình thuộc về rất quan trọng. Thêm nữa khi con giỏi tiếng Nhật thì không có nghĩa là tiếng Việt của con phải kém đi. Điều mà mình rút ra từ chính bản thân mình là: “Đừng khiến trẻ thấy việc học tiếng Việt là nặng nề mà hãy dạy một cách tự nhiên nhất, và hãy bắt đầu càng sớm càng tốt.”
Cảm ơn các chị đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu! Hy vọng là những chia sẻ này sẽ là những thông tin tham khảo hữu ích dành cho các bố mẹ Việt đang nuôi con ở Nhật nói riêng và ở nước ngoài nói chung.
Các bạn có con nhỏ có thể tham khảo thêm kinh nghiệm của bản thân BiKae khi dạy con nói tiếng Việt giai đoạn 0-4 tuổi trong bài viết: Dạy con nói khi sống ở Nhật.
Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.