Kinh nghiệm ôn thi EJU môn toán

BiKae đã từng chia sẻ bài viết về kinh nghiệm ôn thi EJU môn tiếng Nhật. Trong bài viết này, BiKae tiếp tục chia sẻ với các bạn kinh nghiệm ôn thi EJU môn toán từ một cô giáo đang dạy toán EJU tại Nhật nhé.



① Vì sao lại cần ôn thi Toán?

Hiện nay, có rất nhiều trường đại học không yêu cầu thi EJU, hoặc chỉ cần điểm EJU môn tiếng Nhật là đủ. Thế nhưng với các bạn có mong muốn học ở các trường như Đại học Waseda, Đại học Hosei, Đại học Takushoku, Đại học Công nghiệp Shibaura, Đại học công nghiệp Chiba … thì các bạn bắt buộc sẽ phải thi thêm môn Toán, Tổng hợp (đối với các bạn thi ngành thuộc ban Xã Hội), 2 trong 3 môn Lý – Hoá – Sinh (đối với các bạn thi ngành thuộc ban Tự Nhiên; việc chọn môn thi sẽ phụ thuộc vào yêu cầu trường bạn có nguyện vọng đăng ký dự tuyển).

Các bạn có thể tham khảo link dưới đây để xem danh sách các trường có yêu cầu nộp điểm thi EJU (xem trong bản PDF ở đầu mỗi trang)

Danh sách trên được tổng hợp một cách chi tiết, dễ nhìn, dễ hiểu để biết xem trường nào yêu cầu thi những môn gì, thi bằng tiếng Nhật hay tiếng Anh, có thể sử dụng kết quả thi của những đợt thi nào và chú ý khác nếu có.

Ví dụ ảnh trên là từ file PDF các trường tư lập, ta có thể thấy trường đại học Công nghiệp Shibaura (芝浦工業大学) ở Tokyo yêu cầu:

  • Thi các môn tiếng Nhật, Toán (course 2), Lý, Hoá (khoa 環境システム chỉ cần thi 1 môn Lý hoặc Hoá, khoa 生命科学 thi Lý – Sinh hoặc Hoá – Sinh).
  • Được phép tuỳ ý thi bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Anh.
  • Khoa Kiến trúc sử dụng điểm thi 2 đợt là tháng 6 năm dự tuyển và tháng 11 năm trước đó, các khoa khác có thể sử dụng điểm thi 3 đợt là tháng 6, tháng 11 năm dự tuyển và tháng 11 năm trước đó.
  • Ngoài ra tuỳ khoa mà có yêu cầu về điểm TOEFL, TOEIC với số điểm là trên bao nhiêu.

② Ôn Toán những phần nào?

Toán EJU được chia làm 2 course:

Course 1 dành cho các bạn thi các khoa ngành thuộc ban Xã hội như khoa Quan hệ quốc tế, khoa Xã hội học, khoa Triết học, khoa Kinh tế, …

Phạm vi ôn tập là Toán I và Toán A. Nói dễ hiểu thì chủ yếu là toàn bộ toán cấp 2 của Việt Nam và một phần nhỏ toán cấp 3. Chi tiết gồm có:

  • Hàm số và đồ thị hàm số
  • Phương trình bậc 2
  • Hình học phẳng (lượng giác, tam giác, đường tròn, … và tính chất của các hình)
  • Tập hợp, mệnh đề và chứng minh
  • Dãy số và xác suất

Trong đó, các dạng bài về hàm số, khảo sát đồ thị hàm số, giải phương trình, xác suất và lượng giác trong tam giác là các dạng bài mà năm nào chắc chắn cũng có.

Course 2 dành cho các bạn thi các khoa ngành thuộc ban Tự nhiên như khoa Cơ khí, khoa Công nghiệp, khoa Kiến trúc, …

Phạm vi ôn tập là Toán I, II, III, Toán A, B. “Dịch” sang toán Việt thì là toàn bộ toán cấp 2 và cấp 3.

  • Hàm số và đồ thị hàm số
  • Phương trình bậc 2
  • Hình học phẳng (lượng giác, tam giác, đường tròn, … và tính chất của các hình)
  • Tập hợp, mệnh đề và chứng minh
  • Dãy số và xác suất
  • Số phức
  • Hình học không gian (điểm và toạ độ, phương trình đường thẳng, đường tròn)
  • Các hàm số chứa số tự nhiên e, số logarit, lượng giác, …
  • Vi phân (đạo hàm), tích phân và ứng dụng (diện tích đồ thị hàm số, cực đại cực tiểu của hàm số)
  • Dãy số (cấp số cộng, cấp số nhân, tổng của dãy số, quy nạp)
  • Vector
  • Giới hạn (lim)

(Phần in đậm là phần giống course 1)

Trong đó, các dạng bài về hàm số, khảo sát đồ thị hàm số, giải phương trình, mệnh đề, vector và tích phân là các dạng bài mà năm nào chắc chắn cũng có.

③ Ôn như thế nào?

Kinh nghiệm ôn thi Toán thì mọi người có cách ôn riêng phù hợp với bản thân mỗi người. Bài viết này dựa trên kinh nghiệm và cách làm của riêng bản thân mình, cũng như là cách mình dạy học sinh của mình, nên nếu các bạn thấy không phù hợp cũng không sao.

Hầu hết các bạn sang Nhật du học đều là tốt nghiệp trung học phổ thông rồi sang luôn hoặc tốt nghiệp 1~3 năm mới sang. Cũng có bạn học hết đại học, cao đẳng rồi mới sang. Sang Nhật rồi thì đa số sẽ đầu tư thời gian để học tiếng Nhật là chính, vậy nên đến lúc có ý thức về việc ôn thi Toán nhưng lại quên hầu hết kiến thức Toán là chuyện bình thường (Mình học 4 năm đại học chuyên ngành Toán bên Nhật nhưng Toán đại học và Toán trung học khác nhau nên nếu không ôn lại trước mỗi lần đi dạy, đi thực tập thì đọc đề bài xong cũng đơ, chưa chắc đã làm được).

Thời gian hợp lý nhất để các bạn bắt đầu ôn Toán là khoảng 0.5~1 năm trước kỳ thi EJU mà bạn định đăng ký.

70% nội dung kiến thức cần ôn vốn đã có sẵn trong đầu rồi, chỉ cần ôn lại bằng cách giải các bài tập theo từng dạng bài là sẽ nhớ lại ngay thôi.

20% tiếp theo là học từ vựng Toán bằng tiếng Nhật bởi nhiều bài thực chất tuy rất dễ, vốn dĩ chỉ cần một phép tính là xong nhưng chỉ vì đọc đề không hiểu, hay hiểu sai ý đề mà mất điểm uổng phí.

10% còn lại là một số dạng bài ít phổ biến khi học ở Việt Nam nhưng ở Nhật lại hay ra dạng đề đó, học một số quy tắc, ký hiệu mà ở Nhật khác Việt Nam (ví dụ ở Việt Nam, log2 hoặc lg2 = logarit cơ số 10 của 2, ln2 = logarit cơ số e của 2, nhưng ở Nhật, log2 = logarit cơ số e của 2, logarit cơ số 10 phải ghi rõ số 10 nhỏ phía dưới); đồng thời học cách trả lời phiếu đáp án khi thi, luyện tính nhanh và chính xác (vì kỳ thi không cho phép sử dụng máy tính), học cách phân bố thời gian làm bài v.v

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới