Trong kỳ 1, ba nhân vật của buổi phỏng vấn đã chia sẻ kinh nghiệm nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt cho con và việc cân bằng tiếng Việt và tiếng Nhật (Xem kỳ 1). Trong kỳ 2 này, các chị sẽ tóm tắt lộ trình dạy con nói và viết tiếng Việt, cách vượt qua những khó khăn trong quá trình dạy con và gửi lời nhắn đến các gia đình Việt đang nuôi con ở Nhật.
1. Tóm tắt lộ trình dạy tiếng Việt
Chị Hằng: Trước hết, phải kể là hoàn cảnh nhà mình có nhiều thuận lợi cho việc dạy con tiếng Việt. Cả hai bố mẹ đều là người Việt. Hai đứa con đều ở nhà với mẹ đến 3 tuổi mới đi mẫu giáo Nhật. Mẹ ở nhà với con 10 năm, đến lúc bé thứ 2 gần vào tiểu học. Bố không nói được tiếng Nhật, vừa là hoàn cảnh buộc các con giao tiếp với bố chỉ có thể bằng tiếng Việt được thôi, cũng vừa là động lực để dạy con. Gia đình mình nói hoàn toàn tiếng Việt ở nhà.
Bạn lớn bắt đầu quan tâm đến chữ cái khi 2.5 tuổi. Mình dạy bạn lớn đánh vần khi con 3 – 4 tuổi. Túc tắc, chừng 5 tuổi thì cũng học hết sách tiếng Việt lớp 1. Với bạn nhỏ thì đến 5 tuổi rưỡi mới bắt đầu. Lúc đó con cũng chưa tự bộc lộ quan tâm đến chữ. Là do mình thỉnh thoảng chủ động giới thiệu, thấy con chưa có vẻ tiếp thu được thì lại thôi. Mình tính khi con đi học thì sẽ không có thời gian học nữa nên muốn tranh thủ lúc rỗi rãi khi còn mẫu giáo. Cả hai đứa, mình đều dụng tâm cố gắng để con có thể đọc tiếng Việt tương đối tốt, ít nhất là gần như tiếng Nhật, ở giai đoạn đầu con bắt đầu tự đọc sách. Vì đọc tiếng Việt vất vả hơn là tiếng Nhật chỉ cần thuộc lòng 49 chữ cái Hiragana là đọc được như vậy, nên nếu trẻ làm quen và đọc thành thạo sách tiếng Nhật trước thì e sẽ ngại đọc tiếng Việt.
Về việc bố trí lịch học, mình sắp xếp việc học hàng ngày, cứ đến 5:00 là giờ học tiếng Việt, ngắn thôi cũng được để con quen nếp. Mưa dầm thấm lâu. Lượng học trong mỗi buổi cũng cố định, ví dụ: đọc bao nhiêu, viết mấy chữ,… như vậy con biết rõ cần học bao nhiêu thì sẽ xong, không đòi thôi giữa chừng. Từ khi đi học tiểu học, các con chỉ học tiếng Việt 1 buổi vào cuối tuần thôi.
Mình chỉ dạy theo sách giáo khoa tiếng Việt, làm bài tập theo sách. Đôi khi có bài mình cũng có chọn lọc, bỏ đi, nhưng về cơ bản là dạy hết lượt. Chỉ có tập làm văn là mình không theo. Chỉ đôi khi cho con viết tự do thôi. Luôn có máy tính bên cạnh để tra ảnh, chỉ cho con thấy những thứ con không thấy bao giờ, như cây xoan, như cái nơm bắt cá,…Không có từ nào mà mình không giải thích cho con cặn kẽ. Nhờ vậy, con cũng có thói quen tìm hiểu tận nơi những thứ chưa rõ, chứ không à uôm đại khái bỏ qua những chỗ chưa hiểu.
Mình thường xuyên cho con đọc lại bài cũ để được đọc đi đọc lại nhiều lần, không thì những từ ít gặp giải thich 1 lần không đủ ngấm, nhớ… Khi dạy con đánh vần, nếu con mãi không nhớ được thì mình nghĩ ra cách dạy vui và hiệu quả như là làm các vần thành thẻ rồi in ra, bày trò chơi. Mẹ đọc vần, con tìm thẻ, hoặc thi xem mẹ tìm nhanh hơn hay con tìm nhanh hơn v.v Nói chung, tùy vào từng vấn đề nảy sinh của con thì mẹ sẽ nghĩ ra cách tương ứng. Tuy nhiên, từ bước biết đánh vần đến bước đọc được sách nhuần nhuyễn còn là một khoảng cách xa. Thời gian đầu chỉ khuyến khích con đọc 1 – 2 dòng, rồi mẹ đọc nốt. Mình cố gắng mỗi tối trước khi đi ngủ thì cho con đọc tiếng Việt 10-15 phút, sách, truyện, tùy con chọn. Thỉnh thoảng có thời gian thì bật tivi Việt Nam xem.
Chị Hạnh: Thực ra để trả lời câu hỏi khi nào bắt đầu dạy con tiếng Việt thì rất khó, vì hai bé nhà mình đều được ba mẹ nói chuyện bằng tiếng Việt ở nhà ngay từ lúc còn bé xíu nên các bé cứ duy trì như vậy đến bây giờ. Ba của hai bé rất thích nghe thời sự nên cứ rảnh rỗi là bật thời sự cho cả nhà nghe. Bé học được nhiều từ vựng lắm. Lúc đầu bé không hiểu và cũng chả hứng thú đâu nhưng thỉnh thoảng nghe được từ nào đó thấy hay hoặc thích thú bé sẽ hỏi và cứ dần dần nghe cùng ba thôi.
Bé lớn nhà mình bắt đầu làm quen với bảng chữ cái và ghép vần từ lúc 5 tuổi. Lúc đó cũng chỉ là vừa học vừa chơi, mình mua bảng chữ cái từ Việt Nam sang dán quanh chỗ chơi của bé, mỗi hôm hai mẹ con lại học vài chữ.
Khi bắt đầu ghép vần thì mình cho bé học theo quyển sách tiếng Việt lớp 1 của Việt Nam. Bé học đến quyển lớp 3 thì chán nên mình cũng dừng lại. Nhưng để bé có hứng thú và duy trì học tiếng Việt thì cũng phải nghĩ ra rất nhiều trò chơi chứ không phải cứ bảo bé ngồi vào bàn học là bé học đâu. Con trai mà nghịch lắm, bướng lắm.
Ví dụ nhé: Để bé nhớ được bảng chữ cái thì mình viết các chữ cái ra từng cái thẻ rồi rủ bé chơi trò trí nhớ tìm hai chữ cái giống nhau và cùng đọc to. Đến lúc học đánh vần mình lại mang bộ thẻ đó theo khắp nơi, lên tàu lên xe hai mẹ con cùng chơi. Ví dụ mẹ đọc “ Cá” thì bé sẽ tìm chữ để ghép từ đó và ngược lại bé đọc mẹ ghép.
Còn để tăng từ vựng thì hai mẹ con chơi tìm từ liên quan. Ví dụ chủ để là: “Cây” thì hai mẹ con cùng tìm từ liên quan như lá, hoa, cành, thậm chí cả đường vì trên đường có cây, rồi sách vì sách được làm từ cây. Cứ thế mở rộng từ vựng cho bé.
Ngoài ra đọc và kể chuyện cũng là một cách học tiếng Việt rất hay đó. Suốt hơn 10 năm rồi mình vẫn duy trì đọc truyện cho bé trước giờ đi ngủ. Bé lớn giờ không cần mẹ đọc nữa thì mẹ đọc cho em, thỉnh thoảng anh cũng tham gia đọc cho em. Đoc truyện xong rồi tắt đèn đi là phải kể thêm một câu chuyện nữa mới chịu ngủ đấy.
Chị Diệp: Con sinh ra ở Hà Nội và sống tại Hà Nội đến khi con được 2 tuổi thì cả gia đình chuyển về Nhật. Khi đó con đã nói được những câu tiếng Việt ngắn và biết khá nhiều từ vựng. Tuy nhiên con lại không biết 1 từ tiếng Nhật nào mặc dù bố là người Nhật. Đó cũng là lý do gia đình quyết định chuyển về Nhật trước tuổi con vào mẫu giáo để con sớm hoà nhập với văn hoá và có nền tảng ngôn ngữ tốt như trẻ sinh ra tại Nhật.
Như mình chia sẻ ở trên, sau khi về Nhật sống, con hấp thụ ngôn ngữ quá nhanh. Tiếng Nhật rất tốt và nhanh chóng hoà nhập nên mình đã quyết tâm chỉ nói tiếng Việt và cố gắng không nói với con một chút tiếng Nhật nào. Ngôn ngữ chung sử dụng trong gia đình cũng là tiếng Việt.
Từ 2- 4 tuổi mình dạy con bảng chữ cái, nói – hát – đọc sách tiếng Việt cho con mọi lúc mọi nơi. Hát ru con và tâm sự với con mỗi tối đi ngủ. Duy trì việc xem tivi Việt với con ví dụ như các chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế” và các phim hoạt hình Việt Nam. Mình cũng hay chơi với con trò đố vui đơn giản hay cả gia đình cùng chơi trò chơi dân gian như “Gẩy vòng- bịt mắt bắt dê…”
Từ 4 – 9 tuổi: Mình dạy con viết và đọc sách mỗi ngày. Duy trì việc học tiếng Việt mỗi tối 1h. Coi đó là môn học chính ngang tầm với tiếng Nhật. Giai đoạn này cùng con xem nhiều phim truyền hình Việt Nam dài tập. Đố vui con mọi lúc mọi nơi. Đặt nhiều câu hỏi mở để con có thể diễn đạt ý hiểu của mình.
Ngoài dạy nói và viết mình cũng có nhiều hoạt động duy trì tình yêu của con với tiếng Việt và văn hoá Việt như đã chia sẻ ở trên.
Chị Vân: Nói là lộ trình dạy tiếng Việt thì hơi to tát và mình cũng không làm thực sự bài bản. Mình theo các bước: nghe nói (giao tiếp), tập đọc và viết. Phần tập viết không quá tập trung nhiều. Về tập đọc thì ngoài ehon đọc hàng ngày bất kể lúc nào mẹ con có thời gian nhưng duy trì đều đặn nhất là ĐỌC TRUYỆN TIẾNG VIỆT TRƯỚC GIỜ ĐI NGỦ. Ngoài ra, khi dạy con tập đánh vần thì mình căn cứ vào bảng ÂM VẦN CỦA BỘ SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC và sách giáo khoa tiếng Việt 1 của bộ này.
Ngoài ra, như mình đã nói ở trên, trong bữa ăn tối hai vợ chồng mình cùng nhau hỏi con chuyện ở lớp. Con sẽ bị bí từ hoặc diễn đạt cực rối câu cú lủng củng. Khi đó mình động viên con diễn đạt lại. Đối với bạn lớn, lúc 5 tuổi trở ra mình mua sách đánh vần và mẩu truyện ngắn chữ to, rõ để cùng con học tiếng Việt. Từ 6 tuổi mình mua vở oly và khi rảnh rỗi hướng dẫn viết chữ. Sau này khi tự đọc được rồi sẽ cho viết các đoạn cảm nghĩ hay kể lại việc ở trường, hoặc cho dịch bài tập đọc từ tiếng Nhật sang tiếng Việt mà con hiểu.
Để hỗ trợ việc học thì các bố mẹ có thể cài từ điển chính tả, từ điển tiếng Việt vào máy để khi đọc truyện có từ con không hiểu thì cần cắt nghĩa và giải thích rõ ràng, rành mạch. Cách này mình vẫn áp dụng khi bạn lớn về Việt Nam học tiểu học. Con gặp từ khó trong sách giáo khoa mình đều hướng dẫn con cách tra từ điển giấy để con hiểu hơn.
Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.