Chia sẻ kinh nghiệm luyện giao tiếp tiếng Nhật hiệu quả

cocomontreal.com

Mình thấy con đường để học tiếng Nhật quả thật rất gian nan. Để thuộc bảng chữ cái đã phải tốn tới mấy tuần, chưa kể là ngữ pháp thì ngược, cách nói thì dông dài, mà để giao tiếp tiếng Nhật tự tin thì cực tốn thời gian. Vậy nên, khi có ai đó hỏi mình là họ đang có mong muốn học 1 thứ tiếng như tiếng Nhật được không, mình thường khuyên người đó là nếu không có mục đích rõ ràng thì đừng nên học, phí thời gian lắm. Nhưng nếu bạn đã lỡ học rồi và có mong muốn sử dụng tiếng Nhật cho công việc hay đam mê, thì hãy cố gắng đừng bỏ giữa chừng, bởi khi bạn đã có một ngôn ngữ trong tay thì nó sẽ mở cho bạn rất nhiều cánh cửa tới nơi mà bạn không ngờ tới.


Mình cũng đã từng loay hoay rất lâu trong tiếng Nhật, để tìm ra được cách nào học mang lại hiệu quả cao, nhất là để có thể sử dụng nó để giao tiếp được. Bất cứ khi nào, bất cứ ai bày cho mình một cách luyện giao tiếp tiếng Nhật là mình liền ghi chú lại rồi thử áp dụng theo. Cách học thì có rất nhiều, nhưng phải phù hợp thì mới mang lại hiệu quả. Giả dụ như ai cũng kêu mình hãy đi câu lạc bộ đi, luyện giao tiếp rất hiệu quả. Nhưng bản thân mình cảm thấy khi mình chưa nói được, để nói ra một câu phải tốn tới mấy phút, mình lại rất ngại khi để người khác phải chờ đợi nên ít khi mở miệng và mình chỉ dám ngồi nghe, vậy là cách đó không hiệu quả với mình.

Hồi mới sang Nhật, mặc dù ở Việt Nam mình học gần tới N1 (mình thi JLPT thiếu 2 điểm) nhưng khả năng nói của mình thì chưa được mức N3. Có nhiều thứ để quyết định tới khả năng nói, và nhân tố mà mình thấy quan trọng nhất là mình ngại nói. Khi học thì cứ tự nhủ để học xong ngữ pháp với thêm nhiều từ vựng rồi luyện nói mới hiệu quả. Vậy là mình cứ học như vậy và đem theo cái vốn nói ít ỏi đó qua Nhật, rồi chợt nhận ra mình đã sai. Trong các buổi tán gẫu ở công ty, đa số người Nhật chỉ sử dụng các mẫu ngữ pháp cơ bản khoảng tương đương N4 hoặc N3, từ vựng thì phần lớn mình có thể học qua cuộc nói chuyện bởi vì khi nói chuyện phiếm thì có quá nhiều từ vựng nằm ngoài sách vở. Những khi gặp từ không biết, thì mình cứ thẳng thắn hỏi, vì đối với người Nhật chuyện một người nước ngoài không biết ở Nhật cái đó là cái gì là chuyện hiển nhiên, và họ sẽ giải thích cặn kẽ cho bạn. Nhiều khi nhờ hỏi như vậy mà mình có đề tài để nói chuyện cùng mọi người. Vì vậy mình rút ra được kinh nghiệm, nếu muốn nói tốt bạn phải luyện được kĩ năng sử dụng chính những kiến thức mà mình đang có (đó là vốn từ vựng và ngữ pháp) để diễn tả được ý kiến của bản thân.

Chính từ những kinh nghiệm của bản thân, mình xin giới thiệu những cách luyện giao tiếp tiếng Nhật mà mình thấy hiệu quả, với hi vọng sẽ giúp bạn có thể chọn được một phương pháp phù hợp để luyện giao tiếp, và nhất là có thể dùng tiếng Nhật để diễn đạt được suy nghĩ của mình.

1. Tự lấy một chủ đề và luyện nói trước gương

Đây cũng là một phương pháp kinh điển cho tất cả ngôn ngữ. Đối với một người ngại tiếp xúc thì cách học “tự kỉ” này khá hiệu quả. Bạn tự chọn cho mình một đề tài, hoặc lấy đề tài từ một giáo trình nào đó, rồi học thuộc các từ vựng liên quan đến chủ đề đó, đặt ra tình huống và đứng trước gương nói với chính mình. Bằng cách này bạn có thể từ từ nhớ lại từ vựng, ngữ pháp, rồi sắp xếp chúng trong đầu và nói ra mà không có cảm giác bị ai thúc ép. Nhược điểm của các này là sẽ không có ai sửa cho bạn, bạn không biết được mình nói đúng hay sai.

Mình thường dựa vào giáo trình Mainichi Kikitori để lấy chủ đề. Đây là giáo trình nghe nên mình kết hợp, sau khi luyện nghe xong thì lấy chính bài đó để tập nói. Mặc dù là không biết được câu mình nói là chính xác hay chưa nhưng cách học này giúp mình luyện được cách sắp xếp câu ý trong đầu và diễn tả được điều bản thân muốn nói.

2. Luyện nói theo phim, tập đóng vai nhân vật

Cách này cũng tương tự như học nói theo giáo trình Shadowing. Đây là bộ giáo trình học nói theo kiểu bạn cứ lặp lại câu nói của nhân vật tới khi nhuần nhuyễn thì câu nói đó sẽ thấm vào đầu, khi gặp tình huống tương tự bạn sẽ buộc miệng nói ra được. Việc lặp lại này sẽ giúp bạn bắt chước được ngữ điệu, nhấn âm, là những thứ giúp cho bạn có thể nói chuẩn hơn. Bộ giáo trình này có từ căn bản đến cao cấp nên dù bạn đang học ở trình độ nào cũng nên bắt đầu theo học nó.

Cũng theo phương pháp Shadowing nhưng thú vị hơn, là bạn bắt chước theo phim. Chọn một bộ phim Nhật mà bạn yêu thích, tìm phim có phụ đề tiếng Nhật. Vừa coi phim vừa nói theo nhân vật. Chắc chắn lần đầu tiên bạn không thể theo kịp tốc độ nói của nhân vật, nhưng bạn hãy làm lại lần 2 lần 3 tới khi nào có thể nói được câu dài theo kịp tốc độ của nhân vật. Khi đã tiến bộ thì hãy nâng mức độ bắt chước lên, tập đóng vai một nhân vật trong phim, nói lời thoại của nhân vật đó chớ không còn ở mức độ đơn thuần là lặp lại nữa. Từ cách học này, dần dần bạn sẽ luyện được cách nói tiếng Nhật một cách tự nhiên

Về trang phim phụ đề tiếng Nhật thì mình giới thiệu trang Facebook “Drama – Anime phụ đề tiếng Nhật”. Bạn Ad của trang này cũng là fan phim nên cập Nhật phim rất nhanh, nhiều phim còn đang chiếu trên kênh truyền hình Nhật nữa. Vừa xem phim, vừa học, quá thích phải không nào?

Các bạn thích xem phim Nhật cũng có thể tham khảo danh sách các phim Nhật đã có phụ đề tiếng Việt trong bài: “Tổng hợp những bộ phim Nhật đặc sắc nhất.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới