Giúp con hoà nhập tốt khi đi nhà trẻ ở Nhật

④ Ghi sổ liên lạc hàng ngày

Mình nghe nhiều mẹ nói, nếu ngày hôm đó có vấn đề gì về ăn uống, ngủ nghỉ, hay ốm đau thì còn có cái để ghi vào sổ, còn những ngày bình thường, không có việc gì đặc biệt, thì không biết ghi gì cả nên để trống. Mình thì luôn cố gắng ngày nào cũng ghi sổ vì đó là một cách để giao tiếp với cô khi mình không nói được trực tiếp. Mình coi việc ghi sổ hàng ngày như một “bài tập tiếng Nhật” của mình. Nếu vào những ngày không có “sự cố” hoặc không có gì đặc biệt xảy ra với con, thì mình sẽ ghi những thứ con làm tối hôm trước, những chuyện con nói, những hoạt động con chơi … Ví dụ con về nhà hát đi hát lại bài gì đó, thì mình sẽ tra mạng để ra tên bài, và ghi vào sổ là hôm qua con vui vẻ lắm, cứ hát đi hát lại bài … và nói là … sensei dạy đấy. Hay một ví dụ khác là con chơi xếp hình, xếp cái xe, cái tàu, cái nhà v.v. Mình cũng ghi vào sổ và sáng hôm sau đến nói là ở nhà con thích chơi xếp hình lắm, ở lớp có vậy không ạ? v.v. Khi cô đọc sổ và thấy những việc này, cô có ngay chuyện để nói với mình như một chủ đề mở đầu ngày mới. Đây cũng là 1 cách thể hiện mình luôn theo dõi con.

Một tác dụng nữa của việc ghi sổ về các hoạt động của con chính là việc gián tiếp giúp con học tiếng Nhật từ các cô. Ở nhà mình không nói, cũng không dạy con tiếng Nhật, nên mình ghi sổ những gì con làm và nói với con là “Hôm nay mẹ ghi sổ là con làm … đấy, mai cô đọc là cô sẽ biết và hỏi chuyện con.” Hôm sau, quả đúng là cô sẽ hỏi chuyện con về hoạt động đó, và như một cách tự nhiên, con học thêm từ vựng tiếng Nhật liên quan đến việc con làm mà không hề bị bỡ ngỡ, vì mình đã nói trước với con rồi.

⑤ Đúng giờ, tuân thủ nội quy, luôn đọc kỹ các thông báo

Mình nghĩ nếu mình luôn đúng giờ và tuân thủ các quy định của trường lớp, luôn cập nhật thông tin và không “lỡ hẹn” thì mình sẽ dành được sự tôn trọng của các cô, và con cũng sẽ được yêu quý hơn.

“Đúng giờ” nghĩa là đưa con đi học và đón đúng giờ đã quy định (nếu tham gia sự kiện của lớp thì đến đúng giờ quy định). Nếu đến muộn phút nào là phải báo trước ngay, không để tình trạng quá giờ mới báo.

Các quy định của trường về việc để xe đạp, xe đẩy, đỗ xe ô tô, đi cửa nào, cầu thang nào v.v phải ghi nhớ và tuân thủ để không làm ảnh hưởng đến người khác. Các giấy tờ cần phải nộp cho trường nên chuẩn bị để nộp đầy đủ đúng hạn. Nếu không biết hoặc chưa rõ thông tin gì thì cần hỏi lại cho kĩ. Nếu chẳng may làm sai 1 lần thì nên xin lỗi và ghi nhớ ngay, cố gắng đừng lặp lại lỗi đó.

Hãy chăm chỉ đọc bảng tin, các thông báo cô gửi về để biết các sự kiện diễn ra trong tháng, khi nào cần chuẩn bì gì hay không? Ví dụ con mình hay có giờ vẽ hàng tuần. Trước đó, cô sẽ dán thông báo về việc nên mặc quần áo gì để đỡ vấy bẩn. Hay con cũng có giờ trải nghiệm làm rau củ, khi đó cần mang tạp dề và khăn đội đầu. Có 1 lần mình quên nên con đã học giờ đó mà không có tạp dề với mũ như các bạn. Cô nói là trông con khá buồn vì “không giống” các bạn. Từ đó trở đi mình luôn ghi nhớ lịch học này của con để chuẩn bị đồ.

Trên đây là một số kinh nghiệm của mình để giúp con đi học “suôn sẻ” . Lần đầu đi nhà trẻ ở Nhật, lại là người nước ngoài, nên mình nghĩ bố mẹ cũng cần “cố gắng” và “dụng công” nhiều hơn để giúp con hoà nhập tốt với trường lớp. Đọc xong bài này, chắc một số người sẽ thắc mắc là phải giao tiếp nói chuyện nhiều vậy mà không biết tiếng Nhật thì làm sao? Mình xin nhấn mạnh là ngôn ngữ chỉ là một phần, thái độ và sự quan tâm của mình mới là điều quan trọng. Nếu không nói được phức tạp, thì hãy cố gắng truyền tải những câu đơn giản. Viết ra sổ cũng là một cách thể hiện khi nói chưa tốt. Cùng lắm thì google translate khi có thể. Nếu không biết rõ việc gì thì nên thành thật hỏi kĩ các cô. Mình nghĩ khi thật sự muốn làm thì sẽ có cách để làm thôi.

Ngoài những kinh nghiệm cá nhân của mình, các bố mẹ có thể tham khảo thêm những quy tắc ứng xử với trường lớp khi cho con đi nhà trẻ ở Nhật. Một điều nữa mình rút ra đó là nếu có thể, hãy cho con đi nhà trẻ khi tiếng Việt của con đã tốt một chút. Nếu con có thể nói về chuyện ở trường, thì mình sẽ an tâm hơn nhiều.

Chúc các bố mẹ và các con có khoảng thời gian đi nhà trẻ ở Nhật thật vui vẻ và đáng nhớ nhé.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới