Đối với các bạn nhỏ đang sống ở Nhật, phải duy trì cùng một lúc 2 hay 3 ngôn ngữ (Việt, Anh, Nhật) và trong hoàn cảnh các trung tâm tiếng Anh cho trẻ con khá đắt mà không hiệu quả, môi trường sử dụng tiếng Anh lại hạn chế, thì việc bố mẹ đồng hành cùng con trong việc học tiếng Anh là vô cùng quan trọng. Với kinh nghiệm học và dạy tiếng Anh nhiều năm, cùng với trải nghiệm thực tế trong việc đồng hành 3 ngôn ngữ cùng con trong độ tuổi từ mẫu giáo đến đầu tiểu học, mình xin chia sẻ lại một số cách mà mình đã áp dụng khi học tiếng Anh cùng con ở Nhật để các bố mẹ tham khảo nhé.
Trước khi đi vào các bước chi tiết trong việc đồng hành cùng con học tiếng Anh ở Nhật, mình xin chia sẻ bốn nguyên tắc cơ bản mình đã áp dụng như sau:
1. Đồng hành kiên trì, thường xuyên với phương châm mưa dầm thấm lâu
2. Tạo môi trường cho con được nghe, xem, nhìn, tiếp xúc với tiếng Anh hàng ngày
3. Giúp con hiểu mục đích, ý nghĩa và lợi thế của việc biết tiếng Anh (và việc biết nhiều ngôn ngữ)
4. Cùng con đọc sách thường xuyên, tập trung nhiều hơn vào các chủ đề thực tế (non-fiction). Với việc đọc sách, ban đầu mình chọn chủ đề theo ý thích của con, nhưng tìm cách “hướng” cho con yêu thích các chủ đề mà mình muốn con đọc.
Giờ mình sẽ chia sẻ cách mình đã làm ở từng giai đoạn và độ tuổi của con nhé.
① Khi nào thì bắt đầu cho con tiếp xúc với tiếng Anh?
Mình sắp xếp thứ tự ưu tiên về ngôn ngữ khi dạy con là Việt – Anh – Nhật. Từ khi mới sinh đến tầm 1 tuổi rưỡi, mình chỉ tập trung dạy con nói tiếng Việt. Đến tầm 2 tuổi, khi con mình đã nói được khá tiếng Việt, mình mới bắt đầu cho con tiếp xúc với tiếng Anh. Mình tin rằng việc con đã biết nói một ngôn ngữ nền tảng, đã biết về các khái niệm, có vốn từ vựng nhất định của ngôn ngữ đó sẽ giúp con tiếp xúc ngôn ngữ mới một cách dễ dàng hơn. Hơn nữa, mục tiêu của mình khi dạy con tiếng Anh không phải là muốn con sử dụng tiếng Anh tự nhiên như người bản xứ mà là giúp con có một công cụ hữu ích để khám phá thế giới, mở rộng kiến thức. Trong giai đoạn từ 0-5 tuổi, thời gian lớn mình vẫn dành để dạy con nói và đọc tiếng Việt. Các kiến thức về thế giới, xã hội, con mình cũng được học qua sách tiếng Việt đầu tiên. (Xem thêm: Dạy con nói tiếng Việt khi sống ở Nhật)
Khi bắt đầu với tiếng Anh, mình không dùng học liệu nào cả ngoài các đồ chơi đã có sẵn trong nhà. Mình dạy số đếm, màu sắc, hình khối, con vật hoàn toàn bằng đồ chơi của con. Ngoài ra, mình cho con nghe các bài hát Super simple songs. Con cứ nghe và hát theo, dần dần con thuộc các từ vựng về các chủ đề đơn giản. Trong khoảng thời gian từ 2-3 tuổi, mình tập trung tương tác với con sử dụng những câu ngắn, đơn giản và dùng các đồ vật, sự vật thực tế trong nhà cùng với các cuốn sách có tranh ảnh. Ví dụ mình nói những câu như:
This is a red flower./ a black cat./ a blue square.
I see 3 yellow cars./ 5 big lions./ 10 spiders.
The dog is white./ The snake is green.
Từ 3 tuổi, mình cũng bắt đầu cho con xem video của Super simple songs và lên trang web https://supersimple.com/ in các tờ worksheet cho con tô màu, vẽ tranh. Mình sử dụng chủ yếu tài liệu và video của Super simple songs, thỉnh thoảng có cho con xem thêm 1 số kênh khác như Cocomelon và Pinkfong.
Quay trở lại với 4 nguyên tắc cơ bản mà mình tóm tắt ở đầu bài viết, mình có nói đến việc giúp con hiểu mục đích, ý nghĩa và lợi thế của việc biết tiếng Anh (và việc biết nhiều ngôn ngữ). Đây là giai đoạn mình đã bắt đầu giải thích cho con về vấn đề này. Vì con mình lúc 3 tuổi đã rất khá tiếng Việt và mình cũng đọc sách tiếng Việt cho con về thế giới về các quốc gia khác nhau nên con hiểu rằng mỗi nước có một ngôn ngữ của riêng mình. Con mình khá hứng thú với địa lý nói chung, nên khi hiểu rằng việc biết nhiều ngôn ngữ sẽ giúp con khám phá thế giới khi lớn lên, con cũng hợp tác với việc học tiếng Anh hơn.
Đây là nguyên tắc mà mình thường xuyên nhắc lại với con trong suốt quá trình đồng hành 3 ngôn ngữ. Ở giai đoạn sau này, khi con vào lớp 1, con đã hiểu được lợi thế của việc biết 3 ngôn ngữ nên đều vui vẻ hợp tác khi cùng bố mẹ học cả 3 thứ tiếng.
② Giai đoạn 4 – 5 tuổi
* Tăng phản xạ giao tiếp bằng học online
Sau giai đoạn cho tiếp xúc và làm quen với tiếng Anh ở trên, khi con tầm hơn 4 tuổi, mình bắt đầu cho con học online với giáo viên nước ngoài trên Italki. Mình khá may mắn khi tìm được một cô giáo người Mỹ có kinh nghiệm dạy trẻ con từ 3 tuổi và con mình khá hợp tác khi học cùng với cô. Sau một thời gian học online, con đã có thể nói được thành các câu ngắn và giao tiếp đơn giản. Rất tiếc là sau gần 1 năm thì cô nghỉ đẻ, nên sau đó mình tiếp tục cho con học cùng 1 số giáo viên khác trên Italki, cứ duy trì như vậy 1 tuần 1 buổi 30 phút. Trong tất cả các buổi học mình đều ngồi cùng hỗ trợ con khi cần thiết.
* Tăng khả năng nghe, từ vựng và hội thoại bằng xem phim hoạt hình và các kênh giáo dục
Ngoài việc cho học online tăng phản xạ giao tiếp, mình cũng tăng khả năng nghe và vốn từ vựng cho con bằng việc cho con xem phim hoạt hình trên Netflix và các kênh giáo dục trên Youtube bằng tiếng Anh. Cụ thể các phim và kênh sau:
Phim hoạt hình trên Netflix: Mình chủ yếu cho con xem “Peppa Pigs”, “Robocar Poli”, “Paw Patrol” và “Tayo – The little bus”.
Kênh giáo dục trên Youtube: Mình cho con xem “Blippi” và “Steve and Maggie”. Thỉnh thoảng mình có cho con xem thêm English Singsing.
Khi cho con xem phim hoặc Youtube, mình ngồi xem cùng con, thỉnh thoảng nhắc lại những câu nhân vật trong video nói, giải thích cho con từ vựng khi cần thiết. Mình hầu như không để cho con xem video một mình mà không có tương tác hay đồng hành.
* Tăng vốn từ về cuộc sống, thế giới, khoa học, các chủ đề non-fiction
Mình chú trọng dạy con các chủ đề trong cuộc sống thực tế, dạy về thế giới, địa lý, khoa học (các chủ đề non-fiction) vì mình nghĩ kiến thức và vốn từ về các chủ đề này cần thiết và sẽ hữu ích cho con khi nói, viết cũng như thuyết trình hay tranh luận trong tương lai. Các kỳ thi cho kỹ năng viết và nói tiếng Anh của Eiken, Toefl hay Ielts đều yêu cầu kiến thức xã hội nên mình nghĩ nếu trang bị cho con từ sớm thì con sẽ có lợi thế và tự tin hơn khi cần phải tham gia các kỳ thi này.
Để bổ sung kiến thức và ngôn ngữ về mảng này thì mình chủ yếu đọc sách cùng con. Sau đây là các bộ sách mà mình đã sử dụng trong giai đoạn 4-5 tuổi:
a. Bộ Non-fiction sight words readers (kèm CD luyện nghe):
Mình bắt đầu với bộ sách này. Sách được chia làm 4 level A, B, C, D, bao gồm các chủ đề về thiên nhiên, động vật, vũ trụ, trường học v.v. Sách có hình ảnh bắt mắt, sống động, bắt đầu với những câu miêu tả ngắn, lặp đi lặp lại rồi tăng dần lên các câu dài theo level cao hơn. Con không chỉ nhớ được từ vựng, mẫu câu mà còn nhớ được cả mặt chữ nữa nên rất thuận lợi cho việc học đọc sau này.
Với bộ sách này, mình thường cùng con đọc sách, xem tranh trước. Sau đó, cho con nghe CD về chính những bài mà con đã đọc. Khi nghe CD, mình cho con nghe dạng thụ động, tức là cứ bật đài để đó còn con thì tự chơi ở cạnh. Mình thường lặp lại hoạt động này vào khoảng thời gian khi con vừa đi học mẫu giáo về, con tự nghe tự chơi còn mình thì nấu cơm tối. Cứ lặp đi lặp lại như vậy hàng ngày, rồi buổi tối mình mang sách ra đọc lại cùng con, khuyến khích con nhắc lại câu, đồng thời chỉ mặt chữ để con nhớ chữ một cách tự nhiên.
b. Bộ sách Hello, World! của Jill Mc Donald:
Link một số cuốn trong bộ Hello, World!
Sau một thời gian học và chơi với bộ sight words ở trên, mình tiếp tục cùng con đọc bộ sách này. Bộ sách gồm hơn 20 cuốn, viết về các chủ đề non-fiction (thiên nhiên, vũ trụ, thời tiết, khủng long, công trình v.v) bằng ngôn ngữ tiếng Anh đơn giản. Sách bìa cứng, in chắc chắn, màu đẹp và sống động. Trên youtube cũng có đủ các video đọc sách của bộ này nên các bạn có thể tham khảo các giọng đọc tiếng Anh chuẩn. Sau khi đọc sách, mình thường cùng con vẽ lại 1 số chủ đề ví dụ như hệ mặt trời, và cùng tập thuyết trình đơn giản về các hành tinh.
c. Bộ sách Little Critters – I can read series
Đây là bộ sách mà cả hai mẹ con mình đều thích. Các câu chuyện đều xoay quanh cuộc sống hàng ngày của nhân vật Little Critter, một cậu bạn tầm 5-6 tuổi, với rất nhiều các chủ đề về mối quan hệ với gia đình, bạn bè, thầy cô, các trải nghiệm ở trường học, sở thú, phòng khám răng, thuỷ cung, bảo tàng v.v. Các câu chuyện đều được viết với ngôn ngữ đơn giản, dí dỏm, nhiều tình huống có phần ngớ ngẩn, ngốc nghếch rất hợp lứa tuổi nhỏ và mỗi câu chuyện đều có đi kèm 1 bài học ý nghĩa về cuộc sống.
Với bộ sách này, hai mẹ con mình đã học được rất nhiều từ vựng và các đoạn hội thoại về cuộc sống hàng ngày. Có nhiều câu hay đoạn thú vị khiến con mình nhớ mãi và bạn ý đã bật ra các câu nói này khi gặp tình huống tương tự trong cuộc sống. Đây là một bộ sách kinh điển nên các bạn có thể tìm thấy video đọc sách mẫu của hầu hết các câu chuyện trên youtube. “I can read” có rất nhiều bộ truyện thú vị khác mà các bạn có thể lựa chọn cho con. Một số thư viện ở Nhật cũng có các bộ sách này.
Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.