Nhà trẻ ở Nhật (2) – Thủ tục đăng ký vào hoikuen

http://kids.wanpug.com/illust/illust4029.png

Ở phần trước mình đã tóm tắt những thông tin cơ bản về hoikuen ở Nhật và phân biệt khái niệm trường công và trường tư (Xem lại phần 1). Trong phần này mình sẽ viết chi tiết về thủ tục đăng ký vào hoikuen (chủ yếu là ninka hoikuen), từ khâu chuẩn bị đến khâu nộp hồ sơ và cách nộp hồ sơ. Về phần thủ tục đăng ký vào hoikuen này thì thông tin mình chia sẻ là thông tin mà quận mình đang sống cung cấp. Tuy là thông tin chung nhưng một số nơi ở Nhật cũng có thể có 1 vài quy định khác ví dụ về thời gian đăng ký hay loại trường v.v, các bạn nên kiểm tra lại thông tin ở nơi mình sống trước khi đăng ký nhé.



① Cách tính tuổi đi học ở Nhật

Năm học mới ở Nhật bắt đầu vào ngày 1 tháng 4 hàng năm, nên tuổi để chia lớp cũng được tính từ mốc 1/4.

Ví dụ cho đợt nhập học tháng 4/2018: Lớp 1 tuổi sẽ gồm các bé sinh từ 2/4/2016 (1 tuổi 11 tháng 30 ngày) đến 1/4/2017 (tròn 1 tuổi). Vì tuổi tính theo mốc 1/4 nên bé nào sinh 1/4/2016 thì tròn 2 tuổi nên sẽ lên lớp 2 tuổi, trong khi bé nào sinh chậm hơn 1 ngày (2/4/2016) còn thiếu 1 ngày mới tròn 2 tuổi thì vẫn học lớp 1 tuổi. Nói chung là đến mốc 1/4 mà chưa đến sinh nhật thì sẽ bị học thụt lại 1 lớp. Ví dụ bé nhà mình sinh tháng 6/2016, đến tháng 4/2018 đã được 1 tuổi 10 tháng nhưng vẫn nhập học vào lớp 1 tuổi và ở lại học lớp 1 tuổi đến tận tháng 4/2019.

Các độ tuổi khác cũng tính tương tự như vậy để chia lớp. Do có sự khác biệt lớn về tháng sinh nên các lớp 0 tuổi và 1 tuổi thường được chia làm 2 nhóm: nhóm lớn và nhóm bé (vì các bé ở độ tuổi này chỉ cần hơn kém nhau 1 tháng là đã khác biệt rồi).

② Thủ tục đăng ký vào ninka hoikuen

2.1  Điều kiện để được đăng ký vào ninka hoikuen

Cả hai bố mẹ phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

  • Đang đi làm: 1 tháng làm trên 12 ngày, 1 ngày làm trên 4 giờ (không tính giờ nghỉ trưa). Các mẹ đang nghỉ sinh và sẽ quay lại đi làm sau sinh cũng được tính vào nhóm “đang đi làm” này. Bố mẹ nào đang đi làm nhưng thời gian làm không đủ như ở trên thì thuộc diện “đang tìm việc”.
  • Bị bệnh/ khuyết tật, có vấn đề về sức khoẻ không trông được con
  • Đang phải chăm sóc người nhà bị bệnh/ khuyết tật thường xuyên (ví dụ ông bà ở cùng nhà)
  • Bị thiệt hại do thiên tai (ví dụ nhà cửa bị hỏng hóc, mất nhà v.v), đang trong thời gian phục hồi
  • Đang tìm việc
  • Đang đi học (trường tiếng, nghiên cứu sinh, đại học, sau đại học v.v)
  • Bố đi làm, mẹ đang mang bầu/ sinh em bé (được gửi con trong vòng 5 tháng trước và sau sinh)
  • Các trường hợp khác (có khó khăn trong việc chăm non con): ví dụ ly hôn, mẹ đơn thân, bố mẹ đã mất v.v

=> Bố mẹ càng bận (làm/ học/ bận chăm sóc người bệnh v.v) mất càng nhiều thời gian thì càng được nhiều điểm. Ví dụ bố mẹ làm/ học trên 20 ngày/ tháng, trên 7h/ ngày thì điểm cao nhất, càng ít giờ làm càng ít điểm. Điểm càng cao khả năng đậu vào trường càng cao. Xem cụ thể cách tính điểm trong các tài liệu mà ku hoặc shi hướng dẫn nhé.

2.1 Thời gian được gửi

  • Bố mẹ làm việc trên 120h/ tháng: được gửi tối đa 11 tiếng/ ngày (7:30 ~ 18:30, sau đó được tính là gửi ngoài giờ)
  • Bố mẹ làm việc 48h đến dưới 120h/ tháng: được gửi tối đa 8 tiếng/ ngày (9:00 ~ 17:00, trước 9h và sau 17h được tính là gửi ngoài giờ)

=> Nói chung là thời gian được gửi tiêu chuẩn là từ 8-11 tiếng/ ngày, còn tuỳ vào điều kiện của bố mẹ để quyết định xem được gửi ngắn hay gửi dài.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới