Kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ thi đại học ở Nhật

⑤ Bản dịch bằng cấp, hồ sơ

Phần này cực kỳ quan trọng, ở bản dịch này chỉ cần một lỗi sai nhỏ hoặc thông tin không khớp thì bạn có thể bị đánh trượt ngay. Bạn có thể liên hệ lại với trung tâm đưa bạn đi du học trước đây để xin lại hồ sơ bản dịch. Bên cạnh đó, bạn cũng nói với giáo viên để họ dịch lại cho bạn. Sau khi bạn xin được cả hai bản thì nên so sánh thật kỹ, nếu có điểm khác lạ phải hỏi lại giáo viên ở trường tiếng ngay. Tuy nhiên, mình khuyến khích các bạn sử dụng bản dịch của trường tiếng hơn. Vì đôi khi ở Việt Nam có nhiều từ dịch vẫn đúng nghĩa, nhưng lại không đúng theo form làm cho người xét hồ sơ ở trường đại học cũng rất hoang mang. Nếu bản dịch của bạn quá nhiều nghi vấn bạn sẽ phải làm giấy tờ giải trình rất lằng nhằng, phức tạp.




Bạn cần đọc kỹ yêu cầu về bản dịch hồ sơ trong tờ hồ sơ của trường đại học. Hiện một số trường Đại học yêu cầu phải có con dấu của Đại sứ quán mới được nộp. Nếu xuất hiện thông tin: “ 翻訳文を用意し、大使館や自国公証処等画発行下、その翻訳が正しいことを証明する「公証明」を添付してください。” tức là bạn phải lên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật xin con dấu công chứng, chứng nhận bản dịch này đã dịch đúng. Tùy theo thời gian lấy nhanh chậm thì giá tiền sẽ khác nhau, thường chậm nhất là khoảng một tháng.

Bạn nên hỏi kỹ trường rằng nếu trượt thì trường có trả lại hồ sơ hay không? Nhiều trường sẽ không trả lại hồ sơ. Mà hồ sơ Đại học bạn phải luôn kèm theo bản dịch và bản gốc. Nên nếu trường không trả lại hồ sơ thì bạn photo bản gốc kèm theo rồi ngày nộp hồ sơ mang bản gốc lên trường cho giáo viên xem xét. Tuyệt đối không tùy ý bỏ bản gốc vào hồ sơ, nếu trường không trả lại hồ sơ thì sẽ vất vả cho bạn đấy.

⑥ Giấy tiến cử. giới thiệu từ giáo viên

Lần thi này mình đi theo diện tiến cử. Tiến cử không có nghĩa là giấy tờ sẽ đỡ rắc rối hơn, ngược lại còn phức tạp hơn nữa. Nếu bạn cũng giống mình đi theo diện tiến cử thì nên chuẩn bị cuộc hẹn với giáo viên, cùng giáo viên thảo luận về giấy tiến cử. Bạn tìm hiểu trên web trường nếu có mục 推薦 thì chọn và đọc kỹ, trong đó sẽ có mẫu giấy tiến cử. Trong giấy thường sẽ nêu bật lên những điểm mạnh của mình. Bạn chỉ cần điền thông tin bình thường của mình như: Họ tên, Ngày tháng năm sinh… là đủ. Phần lý do sẽ là giáo viên viết lý do vì sao trường chọn bạn để tiến cử.

Để có được giấy tiến cử, ngoài thành tích tốt, bạn phải là một học sinh nghiêm túc, thái độ tốt, tích cực. Nếu bạn lên lớp thành tích không nổi bật, lại không nghiêm túc học tập thì khó mà tiến cử bạn được. Dù điều này không cam đoan 100% bạn sẽ đỗ, thế nhưng, giấy tiến cử sẽ giúp bạn dễ dàng đến với trường Đại học đó hơn.

⑦ Giấy lý do nhập học

Giấy lý do nhập học còn gọi là 志望理由書, đây là phần không thể thiếu của các trường Đại học. Thời gian chuẩn bị cho giấy này ít nhất cũng phải từ 2 tháng trở lên. Bạn sẽ phải trình bày tường tận các thứ như: Lý do chọn trường, lý do chọn ngành, tự đặt lộ trình học cho mình như thế nào, tương lai bạn muốn làm gì. Bài viết thường phải gồm 1000 chữ trở lên, viết trên khổ giấy được trường quy định sẵn.

Đây sẽ là bài viết ngốn nhiều thời gian của bạn nhất trong các bước làm hồ sơ. Nếu bạn muốn vào trường Đại học, hãy viết sẵn một bản và chuẩn bị tinh thần bạn sẽ phải sửa bài viết của mình đến cả trăm lần trước khi nộp. Bài luận này bạn phải viết đúng trọng tâm chứ không thể viết theo cảm xúc. Không cần quá dài dòng để mở hay kết bài, bạn chỉ cần giải thích sao cho thật chi tiết và thuyết phục được trường nhận bạn là được. Cũng không nên nói những điều quá to tát và phóng đại quá mức sẽ khiến bài viết không chiếm được cảm tình của người chấm bài.

Nhà trường sẽ xem xét lý do của bạn cũng như trình độ tiếng Nhật để quyết định có nhận bạn hay không. Bài viết này chính là bài thi loại, nghĩa là nếu nhận bạn sẽ phải loại một người khác. Vậy nên, hãy viết hết mình, viết xuất sắc nhất có thể nhé!

Mình cũng từng làm hồ sơ thất bại chỉ vì không kiểm tra kỹ lưỡng, để đến ngày nộp ung dung đi nộp nhưng rồi hồ sơ lại không được chấp thuận vì thiếu mất con dấu công chứng của Lãnh sự quán. Sau đó mình được tiến cử vào một trường Đại học khác tương đương, lần này rút kinh nghiệm nên mình đã kiểm tra thật kỹ, lo lắng đến mức cứ trước khi đi ngủ lại lôi hồ sơ ra check một lượt.

Mình hiểu rằng có thể khi làm hồ sơ, bạn sẽ có lúc chán nản, có lúc vấp đủ sai lầm ngớ ngẩn, cũng có lúc muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, hãy tự nhủ bản thân rằng cuộc đời luôn phải có những đoạn sóng gió bấp bênh như thế, vào Đại học rồi, bạn sẽ lại tiếp tục viết tiếp câu chuyện cuộc đời mình sang một quyển vở mới, một màu mực mới. Hãy làm tốt nhất có thể, hoàn mỹ nhất có thể, để không bị lỡ duyên với cơ hội đang bước ngang.

Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ thi đại học ở Nhật của mình. Hy vọng những thông tin mình chia sẻ sẽ giúp các bạn phần nào trong việc thi đại học ở Nhật. Chúc các bạn bước vào Đại học mình ao ước một cách thuận lợi nhất.

 

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới