Rác thải ở Nhật (2): Khử mùi và hạn chế lượng rác sinh hoạt

Trong phần 1, BiKae đã hướng dẫn chi tiết cách phân loại và xử lý rác thải ở Nhật. Ở phần 2 này, BiKae sẽ chia sẻ một số cách xử lý mùi hôi của rác, đặc biệt là rác từ thức ăn và vài bí quyết nhỏ giúp hạn chế lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày.



① Cách xử lý mùi hôi của rác

Ở Nhật, rác thải hàng ngày (đặc biệt là rác từ thức ăn) của gia đình, thường được gom lại và vứt đi khoảng 2 lần/tuần, nên trong thời gian rác chưa được vứt thường gây ra nhiều mùi khó chịu, nhất là trong những ngày hè nóng nực mùi hôi từ rác mời gọi rất nhiều côn trùng. Để giải quyết vấn đề này, các bạn tham khảo một số kinh nghiệm sau nhé.

1. Không vứt rác còn chứa nước trực tiếp vào thùng rác

Đối với các loại rác từ thức ăn và rác đọng lại từ rỏ rác trong chậu rửa bát, bạn nên chắt hết nước đi, bỏ vào túi nhỏ buộc chặt lại trước khi vứt vào thùng rác.

Bạn có thể sử dụng lưới bọc vào rỏ rác của chậu rửa bát. Lưới này gọi là 排水口水切りゴミ袋 hoặc 水切り三角コーナーネット, được bán tại các drugstore ở Nhật. Lưới này giúp loại bỏ nước từ rác và tiện lợi cũng như sạch sẽ cho việc vứt rác đọng lại trong rỏ rác của chậu rửa bát.

Lưới bọc rỏ rác trong chậu rửa bát
Lưới bọc rỏ rác trong chậu rửa bát

2. Buộc chặt túi rác từ thức ăn và để ở ngoài phòng

Cho tới ngày quy định vứt rác, các loại rác từ thức ăn bạn nên buộc chặt túi rác, và gom lại để ở ban công hay ngoài sân, tránh vứt cùng luôn với thùng đựng rác cháy được và để trong phòng nhiều ngày. Thức ăn thừa hay đồ ăn tươi đã hỏng nên được bỏ riêng vào các túi nhỏ và buộc chặt lại trước khi bỏ vào túi rác lớn.

3. Tận dụng bã trà, cà phê

Bã trà và cà phê có tác dụng khử mùi khá tốt. Sau khi uống xong, bạn có thể tận dụng để khử mùi trong thùng rác. Nếu bạn là người hay uống trà và cà phê thì đây là một lựa chọn hay.

4. Tận dụng vỏ hộp sữa hoặc tương tự

Khi uống hết sữa, bạn có thể rửa qua hộp sữa, sau đó để rác sống vào trong hộp rồi gấp miệng hộp thật kín và vứt rác sẽ giảm được lượng mùi rác sống rất nhiều.

5. Sử dụng các sản phẩm khử mùi bán ở drugstore

Bạn có thể dễ dàng tìm được các loại miếng dán khử mùi (ゴミ消臭シート) và bình xịt khử mùi (生ゴミ消臭スプレー) của rác ở Drug store gần nhà. Những sản phẩm này có nhiều loại, nhiều mùi hương dễ chịu như chanh, bạc hà… hay làm từ tinh chất than với giá thành khá rẻ mà hiệu quả cao. Giá dao động từ khoảng 150 yên ~ 600 yên tuỳ loại.

Miếng dán khử mùi rác
Miếng dán khử mùi rác
Xịt khử mùi rác
Xịt khử mùi rác

6. Túi đựng rác chống mùi

Đây là loại túi chuyên dụng dành cho rác sống, chống gây mùi hôi khó chịu, với nhiều loại kích thước túi rác khác nhau.

7. Máy khử mùi hôi của rác sống tại nhà (生ゴミ処理機) 

Máy này có thể dùng thay thế như một thùng đựng rác riêng biệt, có khả năng khử mùi hiệu quả cao. Máy này hoạt động dựa trên việc xử lý rác sống theo cách làm khô rác bằng nhiệt. Chỉ cần bỏ rác sống vào máy và bấm nút, máy sẽ tự động xử lý trong vòng 1 – 2 tiếng. Kết quả là lượng rác thải hàng ngày được giảm đi đáng kể, không còn mùi hôi khó chịu của rác nên các loại ruồi nhặng cũng không còn nữa. Tuy giá thành của loại máy này không rẻ, tầm trên dưới 2 vạn yên, có những loại trên 5 vạn yên, nhưng xét về công dụng cũng như sự tiện lợi mà nó mang lại, những gia đình bận rộn, ít thời gian dọn dẹp rất nên cân nhắc mua 1 cái. Ví dụ dưới link này là 1 trong những loại máy được đánh giá khá tốt nhờ khả năng xử lý rác sống hiệu quả mà lại nhỏ gọn, phù hợp sử dụng trong nhà.

Ngoài loại máy xử lý rác sống tại nhà kể trên thì còn 1 loại máy xử lý rác nữa gọi là バイオ式生ゴミ処理機. Máy này sử dụng vi khuẩn EM để phân huỷ rác sống. Việc xử lý rác diễn ra trong vòng hơn 1 ngày và phải sử dụng ở bên ngoài, không sử dụng được trong nhà. Theo cơ chế hoạt động này, rác sống sẽ được phân huỷ thành phân hữu cơ trồng rau sạch và phần dung dịch có thể sử dụng để làm sạch nhà vệ sinh, tưới cây. Máy này thì không phổ biến lắm nên mình không giới thiệu ở đây. Bạn nào nhà có sân vườn, quan tâm đến việc xử lý rác thành phân hữu cơ để trồng trọt thì có thể tự tìm hiểu thêm nhé.

② Một số bí quyết nhỏ giúp hạn chế lượng rác thải sinh hoạt

Dưới đây là một số chia sẻ cá nhân của mình để hạn chế bớt lượng rác sinh hoạt mỗi ngày.

1. Hạn chế những sản phẩm dùng một lần

Nếu để ý một chút xíu thì bạn sẽ dễ nhận thấy chắc không có nơi nào sử dụng nhiều đũa dùng một lần như ở Nhật. Ngoài ra các quán cafe cũng sử dụng một lượng lớn cốc giấy/nhựa, ống hút nhựa…

Nói về mặt tích cực thì những sản phẩm này rất tiện ích và tạo cảm giác vệ sinh vì mỗi người sẽ sử dụng một lần rồi vứt đi. Nhưng suy nghĩ thêm một chút thì lượng rác thải ra mỗi ngày thật khổng lồ.

Để giảm thiểu lượng rác thải này thì bạn có thể sử dụng hộp đũa ăn cá nhân, cốc cafe inox/cốc làm từ lúa mạch (hiện nay đang khá thịnh hành) riêng, ống hút thuỷ tinh/inox…

Ví dụ như nếu bạn sử dụng cốc riêng khi đến quán cafe sẽ được giảm giá từ 20 đến 30 yên/lần tuỳ quán. Như vậy trong một năm bạn có thể tiết kiệm được một khoản cũng tương đối và cũng đóng góp một chút vào việc bảo vệ môi trường nữa.

2. Hạn chế dùng túi xách nilon

Tại một số siêu thị, nhân viên ở quầy thanh toán sẽ hỏi bạn có cần túi nilon không. Nếu dùng túi của siêu thị bạn sẽ bị mất thêm khoảng 2 – 5 yên/túi. Nếu bạn sử dụng túi riêng của mình thì sẽ vừa tiết kiệm và lại hạn chế được tương đối lượng rác từ túi xách nilon không cần thiết. Túi xách để đi siêu thị được bán khá đa dạng và đẹp nữa. Với khoảng 1000 – 2000 yên là bạn có thể mua được một chiếc túi Eco đẹp và tiện lợi rồi.

3. Mua những sản phẩm được đựng trong túi thay thế (詰め替え: tsumekae)

Ở Nhật các sản phẩm như dầu gội, dầu xả, sữa tắm, nước rửa tay, nước rửa chén, nước giặt… đều có bán dưới 2 dạng là dạng chai lọ như thông thường và dạng túi thay thế gọi là 詰め替え (tsumekae) với giá rẻ hơn đáng kể (dù cùng 1 lượng)Bạn có thể mua sẵn chai lọ trống ở cửa hàng 100 yên hoặc 300 yên, sau đó mua những sản phẩm trên dưới dạng túi 詰め替え và đổ vào dùng. Cách này vừa tiết kiệm, vừa sạch sẽ lại có thể hạn chế được lượng rác chai lọ nhựa khá nhiều. 

Sữa tắm dạng túi
Sữa tắm dạng túi (Nguồn: Lohaco)

4. Bỏ các khay, hộp xốp và sử dụng hộp đựng thức ăn dùng được nhiều lần

Ở siêu thị, các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, tôm v.v thường được đựng trong khay hoặc hộp xốp. Mình thấy hộp xốp này mỗi lần rửa qua, xếp lại và vứt đi khá nhiều. Tại những siêu thị có đặt thùng rác (thường lại siêu thị lớn), mình thấy người Nhật hay mua xong đồ là họ sẽ lấy đồ ăn ra khỏi các khay/ hộp xốp và bỏ vào túi riêng của mình, còn khay/ hộp xốp thì vứt vào thùng rác của siêu thị. Sau khi mua đồ về thì có thể sơ chế, chia nhỏ vào từng hộp trữ thức ăn dạng dùng được nhiều lần (ví dụ như hộp của Ziploc) và để lạnh hoặc trữ đông. Cách này có thể bảo quản đồ ăn tốt, giữ được tươi lâu hơn, và hạn chế được lượng rác như hộp xốp tương đối đáng kể.

Các bạn có thấy là chỉ một vấn đề về rác mà có bao nhiêu yêu cầu và quy định phức tạp không? Cách phân chia và xử lý rác thải ở Nhật có vẻ phức tạp hơn ở Việt Nam nhiều và ban đầu bạn có thể cảm thấy phiền phức, nhưng nếu sống một thời gian bạn sẽ quen và thấy việc này giúp ích rất nhiều tới môi trường xung quanh đấy.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới