Giới thiệu sách học tiếng Nhật hay theo trình độ

3. Thượng cấp

① Shinkanzen Masuta (新完全マスター)

shinkanzen masuta

Bộ sách mà mình học cảm thấy tâm đắc nhất là Shinkanzen Masuta. Theo đáng giá thì bộ này có trình độ cao hơn một xíu so với các bộ khác, có thể là do nội dung có phần khó hơn. Nhưng nếu đã học được bộ này rồi thì các bộ khác cũng trở nên dễ nuốt hơn.


Bộ này dành cho trình độ cả N3, N2 và N1, gồm các quyển từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu, nghe và kanji. Bộ N3 thì không có quyển từ vựng.

Khi học để thi JLPT thì mình học trọn bộ này với thêm quyển Basic Kanji cho phần Hán tự là đủ sức thi đậu.

Phần từ vựng, mỗi bài liệt kê theo một chủ đề. Để học từ vựng thì không có cách nào hơn là ngồi học thuộc lòng. Nhưng mình không học theo kiểu ngồi tụng cả tiếng đồng hồ, vì chắc chắn học như vậy chỉ nằm trong trí nhớ nhất thời, và cũng không thấm được tình huống sử dụng nó. Mình sẽ học thành nhiều buổi, mỗi buổi học khoảng 15 phút, rồi bài tập để củng cố, hôm sau nhìn lại một chút, thỉnh thoảng cũng ghé mắt nhìn lại một chút. Nếu chăm chỉ thì dịch từ vựng ra một bản tiếng Việt, lúc ôn thì nhìn từ tiếng Việt để nhớ lại từ tiếng Nhật. Từ vựng sẽ thấm trong quá trình làm bài tập và giải đề, nên không cần dành quá nhiều thời gian cho nó.

Phần ngữ pháp thì hơi khó cho người mới bắt đầu N2, vì sách ngữ pháp của bộ này chủ yếu là so sánh các mẫu ngữ pháp giống nhau, nên nếu chưa hiểu được ý nghĩa căn bản của từng mẫu thì rất khó để học sách này. Vậy nên trước khi học sách này, nên củng cố ngữ pháp thông qua bộ Try  (gồm 2 quyển).

tryn1n2n3n4n5

Bộ Try này có cách học rất dễ hiểu, đưa ra một đoạn văn có các mẫu ngữ pháp, sau đó là phân tích các mẫu này sử dụng trong trường hợp nào và ví dụ rất sát thực tế. Bộ Try này đã có cả tiếng Việt nên càng dễ học hơn. Khi đã kết thúc bộ Try rồi thì hãy dùng sách Ngữ pháp Shinkanzen này để củng cố lại kiến thức, và phân biệt sự khác nhau của các mẫu ngữ pháp. Đặc biệt lưu ý là mỗi mẫu ngữ pháp nên học thuộc lòng một câu ví dụ tiêu biểu nhất, để nắm được tình huống sử dụng cũng như suy ra được cấu trúc của mẫu ngữ pháp, vì học qua ví dụ dễ nhớ hơn rất nhiều so với ngồi học cấu trúc không.

Quyển đọc hiểu thì phân biệt các dạng thường gặp và những điểm cần nắm khi gặp các dạng đề như vậy.

Quyển nghe hiểu cũng phân biệt các dạng sẽ gặp trong đề và đưa ra các điểm cần chú ý.

②  Mimi kara Oboeru (耳から覚える)

Mimi kara oboeru

Bộ này cũng gồm các quyển từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu, nghe, cho trình độ từ N3, N2, N1. Đặc trưng của bộ này là học theo phương pháp nghe. Những người bạn của mình vừa đi làm vừa đi học thì rất thích bộ này, do bất cứ lúc nào rảnh cũng có thể lấy ra nghe, nghe nhiều sẽ quen được từ vựng hay mẫu ngữ pháp đó và biết được tình huống sử dụng nó thông qua câu ví dụ. Phương pháp học này rất hay, vừa tập cho tai nghe quen với các từ hay mẫu ngữ pháp, vừa không tốn nhiều thời gian và công sức.

Điểm không tốt của bộ này là không thể nắm sâu được kiến thức vì bạn chỉ học ở bề nổi. Nên nếu muốn đào sâu để hiểu thì phải học thêm một số sách khác.

③ Nihongo Soumatome (日本語総まとめ)

Mình ấn tượng ở bộ này là mỗi đầu bài học vấn đề được đưa bởi các chú mèo dễ thương, giúp cho bài học bớt khô khan hơn. Sách này thì chia bài và phân bổ thời gian cho bạn học trong vòng một khoảng thời gian cố định như 4 tuần hoặc 8 tuần. Mỗi ngày bạn chăm chỉ học theo đúng lượng kiến thức sách cung cấp, thì bạn đã được trang bị đủ lượng kiến thức để đi thi rồi. Gọi là Soumatome vì bộ này mang tính chất tổng hợp, nên lượng kiến thức được đưa ra khá nhiều. Khi mình học thì dù hoàn thành theo đúng thời gian bộ sách yêu cầu nhưng kiến thức vẫn khá mơ hồ, nên phải học lại thêm 1 lần nữa.

Khi học ngoại ngữ thì sách chính là thầy giáo. Điểm quan trọng là bạn học được một bộ và theo sát nó tới cùng, có như vậy bạn mới có được lượng kiến thức ổn định và chắc chắn. Vậy nên khi bạn đã chọn một bộ nào rồi thì hãy quyết tâm học theo tới cùng, đừng học cùng lúc nhiều bộ sẽ mang lại tác dụng ngược.

Theo ý kiến của mình, do tất cả những bộ sách học tiếng Nhật trên mình đều học qua rồi nên nếu được lựa chọn học lại từ đầu mình sẽ học như sau: Bắt đầu sơ cấp với bộ 2 cuốn Minna no nihongo là đủ trình độ N5 và N4, sau đó đi vào trung cấp với cuốn Temabetsu Chuukyuu kara manabu Nihongo để nắm kiến thức trung cấp căn bản rồi đi vào học bộ Shinkanzen Masuta N3 là đủ kiến thức thi N3, bắt đầu học trình độ N2 bằng bộ Try N2 để nắm khái quát ngữ pháp và đi vào học bộ Shinkanzen Masuta N2 để đủ kiến thức thi N2, đến trình độ N1 thì cần luyện nhiều sách hơn nhưng căn bản vẫn bắt đầu ngữ pháp bằng bộ Try N1 và nắm vững bộ Shinkanzen MasutaN1 rồi sau đó luyện cách kĩ năng khác bằng cách cuốn bổ sung như Speed Master, Drill Drill, Nihongo Soumatome v.v.

Các bạn ở Nhật muốn mua các sách này có thể tham khảo bài viết:Ở Nhật, mua sách học tiếng Nhật ở đâu?

Chúc bạn tìm được một bộ sách học tiếng Nhật yêu thích và biến nó thành người bạn đồng hành trên con đường học tiếng Nhật gian nan này.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới