Kinh nghiệm luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Nhật

Tiếng Nhật có hệ thống chữ phức tạp, đặc biệt là chữ Kanji rắc rối và khó nhớ, nên đọc hiểu là một trong những phần khó khăn nhất đối với rất nhiều người học tiếng Nhật. Tuy đây là một kỹ năng cần nhiều thời gian để rèn luyện nhưng nếu biết cách học, bạn có thể nâng cao khả năng đọc hiểu của mình một cách hiệu quả hơn trong thời gian ngắn hơn. Trong bài viết này, mình xin chia sẻ với các bạn kinh nghiệm luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Nhật của mình với lời khuyên cụ thể cho từng trình độ.


① Kinh nghiệm đọc hiểu tiếng Nhật chung cho mọi trình độ

Với bất cứ bài đọc nào, các bạn không nên tra tất cả mọi từ mới mà mình nhìn thấy, bởi vì thứ nhất là nó mất nhiều thời gian, và thứ hai là nó làm ngắt mạch đọc của bạn, khiến bạn khó tập trung và dễ nản hơn khi đọc. Bước ban đầu bạn hãy đọc một lần từ đầu đến cuối và cố nắm bắt được ý chính của toàn bài đọc. Sau đó bạn quay lại những chỗ mình cảm thấy chưa hiểu, dựa vào chữ Hán đã học để đoán ra nghĩa của từ mới và nhớ ghép với nội dung của cả câu thì sẽ dễ hiểu hơn là chỉ chú ý vào bản thân từ mới. Những từ quan trọng thường sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài, vì vậy khi không hiểu được từ quan trọng thì đó mới là lúc cần tra từ điển.

Với mỗi đoạn/ bài văn cần đọc, bạn phải xác định được câu chính (hay câu chủ đề) của mỗi đoạn và câu chính của cả bài. Bạn không nên đọc lan man dàn trải mà hãy tìm những câu tóm tắt, khái quát lại, như vậy sẽ tiện theo dõi hơn. Câu chủ đề thường là câu đầu tiên hoặc cuối cùng trong đoạn văn. Câu chủ đề của toàn bài thường nằm trong đoạn đầu tiên và đoạn cuối cùng của toàn bài. Bạn hãy gạch chân những câu chính để nắm được ý của toàn bài.

Bạn nên memo những nội dung chính mà bạn hiểu được trong từng đoạn, sau đó làm tương tự những đoạn còn lại và cuối cùng là rút ra kết luận cả bài.

Hãy nhớ rằng đọc hiệu quả là khi bạn hiểu được bài văn/ đoạn văn đó đề cập tới gì chứ không nhất thiết phải là hiểu tất cả các từ trong câu, hay tất cả các câu trong đoạn. Đặc biệt với những bạn thi JLPT thì kĩ năng đọc lướt – tóm tắt sẽ cực kỳ quan trọng nên bạn hãy chú ý luyện cách đọc như mình vừa đề cập nhé.

② Đọc hiểu đối với trình độ sơ cấp

Khi mới bắt đầu học tiếng Nhật thì các bạn chỉ nên học đọc những đoạn văn ngắn, đơn giản và ít Hán tự. Không nên cố gắng đọc những đoạn văn khó hơn khả năng của mình vì như thế rất dễ nản và khó có động lực để tiến bộ. Bạn nên phối hợp việc học từ vựng, học Kanji với việc đọc hiểu, tức là học đi đôi với hành luôn, chứ không nên chỉ học thuộc từ xong để đó.

Với những bạn học tiếng Nhật theo giáo trình (ví dụ như Minna No Nihongo) thì thường sẽ có bài đọc đi kèm ở phía sau sách hoặc ở trong sách bài tập. Các bạn nên làm hết những bài này vì nó gắn liền với những gì bạn đã học và giúp bạn ôn tập lại kiến thức cũ luôn.

Ngoài ra thì bạn có thể vào thêm trang web: https://j-nihongo.com/yomimono/  để học đọc. Đây là trang web tổng hợp các bài đọc ở trình độ sơ cấp, rất dễ đọc và gắn liền với thực tiễn. Trang này có chia theo chủ đề và còn có cả giọng đọc, tiện cho việc luyện nghe luôn.

Bên cạnh đó thì cũng có một trang web khá nổi tiếng là Yomimono Ippai.. Trang này có các bài đọc ở mọi trình độ.

③ Đọc hiểu đối với trình độ trung cấp

Khi tiến lên trình độ trung cấp (khoảng level N3 – N2) thì bạn nên luyện đọc hiểu bằng nhiều cách khác nhau. Bạn có thể mua sách luyện thi JLPT đọc hiểu để làm. Tuy nhiên cách này sẽ bị hạn chế theo format đề JLPT và bạn sẽ không được luyện những kỹ năng khác, cũng như không được lựa chọn bài đọc theo chủ đề mình yêu thích.

Bạn cũng nên dành thời gian đọc báo và tạp chí bằng tiếng Nhật. Các bạn có thể truy cập vào các trang báo NHK News Web Easy để đọc báo, trang này có Furigana nên không quá khó. Việc này còn giúp bạn tăng thêm hiểu biết về Nhật Bản. Những người học ôn thi JLPT nên bỏ ra khoảng 1 – 1.5 tiếng mỗi ngày để đọc báo vì việc đọc báo nâng cao khả năng đọc hiểu hơn việc luyện đề rất nhiều.

Bên cạnh đó thì ở trình độ Trung cấp, bạn hoàn toàn có thể đọc được một số sách tiếng Nhật. Ví dụ như sách dạy nấu ăn, sách văn học,.. Rất nhiều sách văn học Nhật khá hay mà ở trình độ trung cấp bạn có thể đọc. Điều này rất hữu ích với những ai ưa thích đọc sách. Một số quyển sách mà bạn có thể đọc ở trình độ này là:

  1. 西の魔女が死んだ(にしのまじょがしんだ): đây là quyển sách khá mỏng và cực kỳ dễ đọc.
  2. 告白(こくはく): Lời thú tội (đã xuất bản ở Việt Nam, bạn có thể mua bản dịch tiếng Việt về để đối chiếu)
  3. 雪国(ゆきぐに): Quyển này rất nổi tiếng và rất hay.

Hoặc bạn có thể đọc manga tiếng Nhật. Đây cũng là một cách khá hay để các bạn vừa luyện khả năng đọc, vừa luyện cách người Nhật hội thoại trong đời sống hàng ngày. Một bộ mình susume là Conan.

④ Đọc hiểu đối với trình độ cao cấp

Trình độ này tương đương với level N2 – N1 trong tiếng Nhật. Như nhiều người đã biết thì khi đi thi JLPT, bài thi năng lực N2 – N1 thường tập trung nhiều vào các vấn đề xã hội, triết học, khoa học tương đối khó đọc. Nhiều bài tuy ngắn nhưng lại khó hiểu và có nhiều bài rất dài với lượng thông tin dày đặc nên bạn phải chọn lọc cẩn thận. Chính vì vậy, để làm được đọc hiểu tốt ở trình độ cao cấp thì bạn nên đọc thành thạo các văn bản báo chí và làm quen với nhiều mẫu câu thường được sử dụng trong các dạng văn bản này. Dưới đây là link 1 số trang báo online tiếng Nhật mà các bạn có thể đọc:

Ở trình độ này, bạn nên đọc thật nhiều sách truyện bằng tiếng Nhật. Tập truyện của tác giả Haruki Murakami (1Q84, ねじまき鳥(ねじまきどり)v.v) là một trong những lựa chọn hay cho sách văn học Nhật ở trình độ này.

Tuyển tập truyện của tác giả Haruki Murakami:1Q84, ねじまき鳥(ねじまきどり),… Đây là những truyện rất phù hợp với năng lực đọc hiểu cao cấp.

Bạn cũng nên chú ý vào những vấn đề triết học, lí thuyết hơn. Với chủ đề này mình xin giới thiệu trang Nekonaga.

Bạn cần phải luyện kỹ năng đọc bất cứ tài liệu tiếng Nhật nào và rút ra nội dung chính. Nên nếu bạn vô tình bắt gặp thông tin tiếng Nhật nào thì nên tranh thủ dịch lướt và rút ra nội dung chính nhé.

Mặt khác, với bạn nào đang ôn đọc hiểu trình độ N2 – N1 thì có thể sử dụng 2 cuốn sách: Shinkanzen Master Dokkai (新完全マスター読解)Speed Master Dokkai (スピードマスター読解)

Thêm một số nguồn tài liệu đọc khác để các bạn tham khảo:

⑤ Bí quyết rút gọn thời gian ôn phần đọc

Mình đã từng ôn riêng phần đọc hiểu của trình độ N1 trong thời gian khá ngắn (1 tháng trước khi thi). Nhưng trước khi tiến tới trình độ N1 thì các bạn buộc phải nắm chắc các trình độ trước đó đã.

Để nâng cao trình độ đọc hiểu trong thời gian ngắn, bạn phải luyện thói quen đọc tiếng Nhật thường xuyên. Nếu được, bạn hãy bỏ 2 tiếng mỗi ngày luyện đọc. Với những người bận rộn thì hãy tranh thủ đọc bất cứ khi có thời gian rảnh. Hãy nhớ đọc hiểu không phải là kĩ năng ngày 1 ngày 2 mà bạn phải bỏ công sức luyện khá nhiều.

Nếu được bạn hãy vừa đọc vừa nghe (nghe nội dung của bài đó) thì nó sẽ dễ vào đầu hơn. Bạn hãy đánh dấu những chỗ nào chưa hiểu lại và tổng hợp nó vào một quyển vở. Khi có thời gian hãy mở ra để đọc lại những cách dùng từ, mẫu câu đó để lần sau bạn sẽ không bị mắc chỗ đó nữa.

Trên đây là một số kinh nghiệm của mình về luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Nhật. Các bạn có những bí quyết hay kinh nghiệm đọc hiểu tiếng Nhật nào hiệu quả khác thì chia sẻ với mình và mọi người nhé.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới