Tôi đã học tiếng Nhật như thế nào? – P1

Ảnh: pref.gunma.jp

Bài viết là những kinh nghiệm học tiếng Nhật của bản thân mình trong những năm qua.

Con đường học tiếng Nhật:
Mình bắt đầu làm quen với tiếng Nhật khoảng 3 tháng trước khi sang Nhật, trước đó thì không có một chút kiến thức nào về tiếng Nhật và cũng không hiểu biết về Nhật mấy. Sau 3 tháng học ở Việt Nam, mình mới thuộc hết bảng hiragana, katakana và khoảng 10 chữ kanji (đếm từ 1 đến 10 photo)
Sau khi sang Nhật mình không có điều kiện đi học ở trường tiếng hay trung tâm tiếng Nhật, nên mình chọn cách tự học bằng tài liệu kiếm trên mạng và hàng tuần đến các lớp tình nguyện gần nhà để luyện thêm. Tự học đến trình độ giữa N3 và N2 thì mình đăng ký học thêm 1 khóa intensive 6 tháng tại trường YMCA ở bên này để củng cố và nâng cao kiến thức. Hết 6 tháng đó mình thi đỗ N2 và lại tiếp tục tự học để thi N1. 


Tự học – Ưu và nhược điểm:

Ưu điểm:

  • Học gì xong là nhớ rất lâu, vì phải tự mày mò hết tài liệu này đến tài liệu khác khi không hiểu điều gì đó.
  • Không bị gò bó về thời gian hay áp lực thi cử nên có thể học những gì mình thích
  • Khi nhận ra tiến bộ của mình, cảm giác sung sướng hạnh phúc hơn vạn lần Secret laugh
  • Trong quá mình mày mò táy máy, đôi khi khám phá ra một số kiến thức hay ho mà ở trường không bao giờ dạy :D

Nhược điểm:

  • Mất thời gian hơn nhiều vì không có thầy, cô để hỏi ngay khi cần
  • Nếu tinh thần tự giác không cao sẽ dễ… sa ngã, à không phải, dễ nản chí :))
  • Khó nhận ra sự tiến bộ của bản thân (vì chả có cái gì để kiểm tra) -> Nhất thiết phải thi JLPT để kiểm chứng 
  • Học không bài bản nên một số kiến thức bị hổng (ví dụ: xem ti vi, đọc tin tức thì gật gù hiểu hiểu vài phần đấy nhưng một số từ vựng cơ bản ai cũng biết thì mình lại không biết, éo le thế chứ)

Và sau đây là cách tự học của mình:

1. Nên tự học khi đã có đủ kiến thức cơ bản: 
Ít nhất là phải thuộc làu làu hai bảng hiragana, katakana, giới thiệu tên tuổi, quốc tịch, nghề nghiệp các kiểu ok rồi, biết quy tắc viết kanji và một vài chữ kanji cơ bản. Nếu tự học từ con số 0 thì rất dễ … đi lạc, chẳng biết bắt đầu từ đâu.

2. Chọn tài liệu để học:
Trên mạng có rất rất nhiều website dạy tiếng Nhật online, khi mới bắt đầu học thì chẳng biết đường nào mà lần, nên mình đã chọn những giáo trình mà nhiều người đều học như Minna no Nihongo, Genki, Nihongo Sou Matome  v. v… Khi học theo những giáo trình quen thuộc, mình thấy rất nhiều diễn đàn, blog học tiếng Nhật thảo luận hay giải thích cụ thể về các vấn đề ngữ pháp, từ vựng có liên quan và mình có thể tìm đọc và tham khảo dễ dàng hơn là những giáo trình ít người học.
Sau khi đã chọn được giáo trình, mình kiên trì đi theo một mình nó mà thôi. Khi bắt đầu học tiếng, hầu hết mọi người đều nhấp nhổm khi thấy dân tình “đồn” là ở chỗ này có sách này hay lắm, chỗ kia có video hay lắm v.v, mình cũng như thế. Nhưng mình chỉ xem qua để tham khảo, còn lại tập trung học nghiêm túc 1 giáo trình mà mình đã chọn ban đầu (Mình học hết Minna no Nihongo mới học sang cuốn khác). Học tràn lan sẽ rất dễ bị loạn, và bạn sẽ cảm thấy rối như tơ vò cho mà xem.

3. Học song song cả ngữ pháp và từ vựng:
Nhiều người nói rằng chẳng cần học ngữ pháp làm gì, cứ học vẹt thôi sẽ nói được nhanh hơn. Mình nghĩ là điều này chỉ đúng một phần, Nếu mục đích học của bạn chỉ để giao tiếp đơn giản thì được. Còn nếu đã xác định học nghiêm túc để học đại học, để làm việc v. v  thì vẫn cần phải nắm vững ngữ pháp. Theo mình nghĩ thì chính xác phải là: “Không cần để ý hay lo lắng về việc mắc lỗi ngữ pháp khi nói, chứ không phải là không cần học ngữ pháp.” Mình ngay từ đầu đã đọc rất kỹ những phần giải thích ngữ pháp, không hiểu thì phải tự kiếm diễn đàn hoặc hỏi trực tiếp ai đó ngay.  Tuy từ vựng quan trọng nhưng không thể nào chỉ ghép các từ với nhau mà có thể truyền tải đúng ý được phải không?
Học ngoại ngữ thì nên bắt chước là đúng, nhưng nếu bạn không hiểu rõ cấu trúc, bạn sẽ cảm thấy rất mơ hồ và khó có thể tự tin với những gì mình nói hoặc viết ra. Hãy nắm thật vững những vấn đề ngữ pháp cơ bản. Cũng không cần thiết phải hiểu thật rõ và phải dùng thật chính xác từng cấu trúc mà chỉ cần khi gặp một mẫu câu nào đó chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của nó là được. Ngữ pháp giống như nền móng của một ngôi nhà, có vững trãi, kiên cố thì xây lên cao mấy cũng không sợ, còn đã lỏng lẻo rồi thì khó mà bền được. Chắc bạn cũng không muốn nhà mình chưa xây xong đã đổ phải không :) ?

4. Viết ra thật nhiều (cả viết tay và đánh máy)
Nhiều người có thói quen đánh dấu hay memo ngay vào trong sách, chuẩn bị rất nhiều bút highlight xanh đỏ để bôi vào sách cho thật nổi bật, nhưng cách làm này không hiệu quả mấy với mình, vì nếu mình chỉ đánh dấu mà không xem lại lần nào thì cũng không nhớ nổi. Khi học xong kiến thức nào đó, mình thường tự viết vào sổ hay vở của mình, hoặc tạo file trên máy tính và gõ lại những gì mình muốn memo. Khi làm điều này, mình có thêm một lần ôn lại những gì đã học. Và khi bản thân tự viết ra, mình thấy nhớ lâu hơn.

Đừng nghĩ rằng phải biết nhiều từ vựng, phải giỏi giỏi một chút thì mới nên luyện viết. Hãy luyện viết từ khi bạn mới chỉ biết những từ hay cấu trúc đơn giản. Bắt đầu viết câu ngắn, rồi câu dài, sau đó dần dần tập viết đoạn, rồi viết bài luận. Biết ít thì viết câu dễ, biết nhiều hơn thì viết câu khó hơn. Lúc tự học, mình hay vào trang www.lang-8.com để viết và chờ người Nhật sửa giúp. Trang này giúp bạn học viết rất hiệu quả vì luôn luôn có người bản xứ chữa cho bạn. Bạn có thể tham khảo cách dùng trang này trong bài “Luyện viết tiếng Nhật với người Nhật trên lang-8″.  Xem thêm trong bài “Một số trang web hay và ứng dụng hữu ích cho việc học tiếng Nhật” nhé.

Tại sao lại viết mà không phải nói?
À, tại vì mình chưa đề cập đến phần nói thôi mà 128x128x1f60e-google-android.png.pagespeed.ic.f3O6TlEr2A. Đùa tí thôi, mình nghĩ tâm lý của nhiều người khi mới học ngoại ngữ là có chút ngại ngùng, nhát nhát, nói ra không nổi vì phản xạ không kịp. Nhưng nếu bạn luyện viết ra, bạn có thời gian để nghĩ, để xem lại cấu trúc và hoàn chỉnh câu của mình. Sau này, vì đã từng viết ra rồi, nên bạn sẽ nhớ những câu đó, và đến khi phải nói ra những điều tương tự, bạn sẽ tự bật được ra vì nó đã ở trong đầu sẵn rồi. Tất nhiên nếu bạn hoạt bát và không nhát như mình thì có thể không cần làm thế này, nhưng mình thì vẫn nghĩ là viết là cách học rất hiệu quả.

5Không học từng từ riêng lẻ, mà học theo cụm
Cụm là cái gì? Tiếng Anh gọi là collocation, tiếng Nhật gọi là 連結語句 (れんけつごく: dịch nôm na là cụm từ hợp nhất). Collocation cho bạn biết là một từ thì đi với động từ, tính từ nào là đúng (nói cách khác là nó cho biết cách dùng đúng của từ đó). Khi bạn dùng đúng cụm từ của nó, cách diễn đạt sẽ tự nhiên giống như người bản xứ.
Ví dụ: “tra từ điển” tiếng Nhật nói là 「辞書で調べる」(じしょでしらべる), chứ không nói là 「辞書をさがす」 hay 「辞書を読む」(じしょをよむ). Tiếng Việt cũng vậy, khi muốn diễn đạt hành động tra cứu, tìm kiếm từ trong từ điển, chúng ta nói là “tra từ điển” chứ không nói là “đọc từ điển”.

Vậy nên, thay vì học mỗi từ 辞書, bạn hãy học thêm cả cụm 辞書で調べる。Học cái này ở đâu? Mình hay học khi tra từ mới trong từ điển. Một từ điển tốt không chỉ cung cấp nghĩa của từ mà còn cho cả ví dụ trong câu, các cách sử dụng từ đó. Bạn nên đọc hết nhé. Mình biết nhiều người chỉ có thói quen này khi đã học lên trình độ cao, nhưng mình thì đã duy trì việc này từ hồi mới học tiếng Nhật và thấy nó rất hữu ích.

6. Học Kanji – Viết và đọc 

Cách học kanji của mình chỉ tóm gọn trong 2 nốt nhạc: Luyện viết và đọc

Mình lại nhấn mạnh việc VIẾT RA. Khi mới bắt đầu mình học theo quyển “Kanji – Look and Learn”. Mình download tài liệu trên mạng, in ra và học: vừa luyện viết, vừa học thuộc. Với kanji thì mình không có phương pháp thần thánh nào cả, chỉ có học thuộc lòng và luyện viết. Học mỗi ngày một ít thôi, tùy theo khả năng và thời gian của bản thân. Trước thì mình học mỗi ngày 10 từ thôi, hôm nào bận thì 5-6 từ. Trước khi học bài sau luôn ngắm nghía lại bài trước coi như để ôn lại.

Chẳng lẽ cứ viết mãi như thế, học vẹt mãi như thế, sao mà nhớ nổi đây? 

Đúng là khi học đến tầm 500 từ thì… chịu hết nổi photo. Làm theo cách thủ công kia mất thời gian khủng khiếp. Mình đã bỏ không luyện viết từng chữ nữa, mà quay sang học từ vựng qua đó học kanji luôn. Mình học bằng cách … ĐỌC.  Đọc ở đâu? Đọc ở bất cứ chỗ nào có tiếng Nhật: trên đường, trong ga, các thông báo gửi đến nhà, đọc cách sử dụng trên các đồ vật v.v

Khi mới bắt đầu chỉ chọn đọc những chỗ nào có chữ to, độ dài vừa phải, nhìn mát mắt, không đọc mấy cái dài ngoằng chi chít chữ. Khi khá hơn chút thì bắt đầu tập tành đọc báo online, đọc mấy cái tờ rơi, tạp chí mà người ta cứ hay nhét vào hòm thư ở nhà mình ý. Tất nhiên không đọc hết đâu, chọn cái nào xanh đỏ đẹp bá cháy mà đọc, hì hì.

Có nhiều từ không hiểu thì sao? Đọc đến đâu tra đến đấy, cứ chữ nào không biết lại tra. Chỉ tra để hiểu lúc đấy, không cần ghi lại luôn. Lần sau đọc cái khác, gặp lại chữ quen quen mà không nhớ nghĩa thì lại tra tiếp. Gặp nó vài lần là nhớ liền. À còn nếu mà chữ nào cũng không biết thì…vứt luôn nó đi, vì chưa đủ trình. Hẹn gặp lại nó vào… mùa thu năm tới vậy. Và đúng là thu năm sau đọc lại thì hiểu thật, vui muốn xỉu :))

Nhưng chỉ đọc thôi thì dễ nhầm mặt chữ lắm vì kanji nhiều bộ nhìn cứ na ná như nhau ý. Và mình lại quay về “con đường xưa yêu dấu”: Luyện viết. Không phải luyện viết từng chữ kanji đâu, mà luyện viết thành câu, thành đoạn như mình đề cập ở mục số 5 nhé.. Viết bất cứ cái gì mình thích, không biết lại tra. Thi thoảng, viết status trên facebook bằng tiếng Nhật luôn cho nóng :D. Hồi mới học tiếng mình cũng ham hố viết status lắm, thực ra thì chỉ toàn mấy câu vô bổ như: 「きょう、うれしいなあ」(à viết bằng kanji nhé) xong chèn mặt cười toe toét với cái ảnh … chả liên quan, hay up một cái ảnh ăn uống đề huề rùi phán…「とてもおいしいよ。おすすめです」Nói chung là vô thưởng vô phạt, nhưng tự viết ra thế rồi dân tình like với comment xong cũng thấy một số niềm vui nhỏ bé, lại có động lực học tiếp :D

À có một điều mình nghĩ là nhiều người đã biết nhưng mình thì mãi mới biết, đó là có thể tra kanji bằng cách dùng ngón tay viết trực tiếp trên bàn phím điện thoại. Có lẽ do mình gà thôi nhưng mình vẫn muốn chia sẻ với những bạn… gà như mìnhphoto. Trong cài đặt điện thoại có thể chọn thêm bàn phím romaji, kana tiếng Nhật, và còn có 1 mục nữa là simplified Chinese (handwriting) – tức là viết tay chữ Hán, cho phép bạn dùng ngón tay vẽ chữ lên đó, sau đó máy sẽ tự hiện ra một số kanji tương ứng để bạn chọn. Giờ thì không còn lo là nếu ko biết cách đọc kanji thì làm sao mà tra từ được nhé. 
Òa, dài quá rồi. Di chuyển sang tầng 2 thôi. Tôi đã học tiếng Nhật như thế nào? – P2

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới