Kể chuyện sinh con ở Nhật – Phần 1

irasutoya.com

Lần đầu sinh con ở Nhật, mình có rất nhiều lo lắng và bỡ ngỡ. Nhất là những tháng cuối thai kỳ, sau tuần 36 là mình lúc nào cũng sợ… đẻ rơi con khi đang đi đâu đấy :)). Nhiều bạn đang mang thai cũng inbox hỏi mình về việc sinh con ở Nhật, khi nào gọi cho bệnh viện, lúc nhập viện ra sao, lúc đau đẻ, rồi khi lên bàn đẻ diễn biến thế nào, bác sĩ nói những gì, chồng hay người nhà có được vào cùng không v.v. Để giúp các bạn dễ hình dung hơn, mình xin kể lại kinh nghiệm của mình nhé. Phần từ vựng cần thiết mình đăng ở cuối bài (trong phần 2) nhé.



Mình đăng ký sinh con ở một clinic gần nhà, chỉ mất 5 phút đi bộ. Lúc biết mình sinh ở clinic chứ không phải ở bệnh viện phụ sản hay bệnh viên to hoành tráng, gia đình mình ở Việt Nam rất chi là lo lắng. Bố mình còn gọi đùa clinic của mình là “trạm xá” rồi “nhà hộ sinh” nữa chứ :)). Ban đầu nghe mọi người ở nhà nói vậy thì mình cũng hơi lo lắng vì clinic của mình chỉ là 1 toà nhà 5 tầng nhỏ xinh, trông không có vẻ gì là bệnh viện phụ sản như kiểu ở Việt Nam cả. Nhưng sau một hồi tìm hiểu, thấy ở Nhật, việc sinh con ở clinic rất phổ biến nên mình tạm thời yên tâm rằng “người Nhật họ sinh được thì mình cũng sinh được ở đó chứ có sao đâu”. Và sau khi sinh xong thì mình càng thấy việc đăng ký sinh ở clinic gần nhà là vô cùng sáng suốt vì quá ư tiện lợi cho cả 2 mẹ con và người nhà.

① Vào ngày sinh, trước khi nhập viện

Mình sinh khi em bé được 39 tuần 3 ngày. Hôm đó là thứ bảy.  Ban ngày cả nhà mình kéo nhau đi ăn sushi, rồi shopping chơi bời tá lả cả ngày trời. Mình bầu to mà vẫn ham hố đi bộ từ sáng đến chiều luôn. Lúc về thấy cũng hơi đuối đuối nên trong lòng có chút cảm giác là em bé sắp đòi ra rồi thì phải. Đi chơi về mình vẫn tắm rửa ăn tối như bình thường. Đến tầm 9h tối thì thấy rỉ một chút nước ối. 3 tiếng sau, nước ối chảy ra nhiều hơn một chút nhưng không bị ồ ạt. Mình bắt đầu gọi điện đến clinic để thông báo tình hình. Y tá bảo mình cứ nghe ngóng thêm và 1 tiếng sau gọi lại. Mình không thấy động tĩnh gì lạ nữa nên leo lên giường đi ngủ. Tầm hơn 1 tiếng sau thì bắt đầu thấy 1 vài cơn đau bụng nhẹ. Đến 2h sáng thì cơn đau đã theo chu kì. Đúng như lời dặn của bác sĩ và đọc trong sách hướng dẫn là nếu đau theo chu kỳ 10 phút 1 lần thì là lúc gọi cho bệnh viện và chuẩn bị nhập viện, mình gọi điện ngay đến clinic và được hướng dẫn là vào viện ngay. Mình cùng chồng xách túi đồ đã chuẩn bị từ trước và … đi bộ vào viện (gần nhà nó tiện thế đấy, dù trên đường đi có 1 lần bị đau quặn 1 phát cũng hơi hốt, hehe)

*** Khi nào thì gọi cho bệnh viện:

Đối với các mẹ sinh lần đầu như mình thì khá lo lắng vì không rõ các dấu hiệu sẽ xảy ra như thế nào, có rõ ràng để mình nhận biết hay không. Trước khi sinh vài tuần mình đọc đi đọc lại sách hướng dẫn và sau này thấy sách viết cực kì chính xác luôn, việc sinh nở của mình diễn ra y như các bước trong sách. Cái này không biết sách chuẩn hay mẹ con nhà mình chuẩn nữa :))))

Khi cảm thấy đau bụng: Thông thường thì đau bụng chuyển dạ sẽ diễn ra từ từ với tần suất tăng dần lên chứ không đột ngột đau quằn quại 1 phát xong vào viện luôn (trừ trường hợp cấp cứu vì lý do nào đó) nên nếu bạn cảm thấy bụng bắt đầu căng và đau nhưng tần suất chưa nhiều thì cũng không cần phải cuống lên đâu. Khi bắt đầu thấy đau hãy bấm đồng hồ, đợi đến khi cơn đau xuất hiện khoảng 10 phút 1 lần, mỗi lần đau tầm 30 giây thì đó là lúc nên gọi điện cho bệnh viện. Viêc bấm đồng hồ là rất quan trọng nhé, các bạn đừng nên áng chừng hay tính giờ qua loa mà hãy bấm giờ chính xác. Việc này nên nhờ chồng hoặc người nhà làm giúp.

Khi vỡ ối trước khi đau chuyển dạ: Nếu bạn bị vỡ ối trước khi đau chuyển dạ thì hãy nhanh chóng đóng băng vệ sinh loại dày, quấn thêm khăn tắm nếu ra nhiều, rồi gọi điện ngay cho bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể và quyết định có nhập viện ngay hay không.

*** Khi gọi đến bệnh viện cần nói những gì (bạn tự gọi hoặc nhờ chồng gọi):

a. Họ tên (名前: namae), ngày dự sinh (出産予定日: shussan yoteibi), có thể bệnh viện sẽ hỏi cả số trên thẻ khám bệnh của bạn (診察券番号: shinsatsuken bangou)

b. Cảm thấy đau chuyển dạ từ khi nào? Tần suất ra sao? (陣痛が来たかもしれない: jintsuu ga kita kamoshirenai: có thể là cơn đau chuyển dạ đã đến./ ~分おきになっている: ~ fun okini natte iru: ~ bao nhiêu phút 1 lần, ví dụ 10分おきになっている)

c. Từ nhà đến bệnh viện mất bao lâu? Đi bằng phương tiện gì? (家から移動時間は徒歩〜分・タクシーで〜分: ie kara idou jikan wa toho ~ fun/ takushii de ~ fun: Thời gian di chuyển từ nhà là ~ phút đi bộ/ đi taxi)

d. Có thể bị vỡ ối (破水かもしれない: hasui kamoshirenai? Từ mấy giờ (〜時から: ~ji kara)? Lượng nước ối ra sao? (量は多い・少ない: ryou wa ooi/ sukunai: lượng nhiều/ ít)

e. Có mấy người đi cùng? Là ai? (付き添い人は~人: tsukisoi hito wa ~ nin. Ví dụ tsukisoi hito wa futari desu: danna to okaasan: Có 2 người đi cùng là chồng và mẹ)

f. Có sử dụng phòng riêng (個室は使います: koshitsu wa tsukaimasu) (Cái này tuỳ bệnh viện, có nơi thống nhất từ trước nên sẽ không hỏi, còn chỗ mình đúng hôm đi đẻ mới hỏi cái này. Chỗ mình thì phòng riêng mất thêm tiền ngoài gói tiền đã đăng ký nên người ta xác nhận lại. Nếu không dùng phòng riêng thì sẽ nằm loại phòng có 3 giường/ phòng)

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới