Kinh nghiệm xin visa Schengen từ Nhật 9/2019

② Các giấy tờ cần chuẩn bị



Ở phần này mình liệt kê các giấy tờ cần chuẩn bị để xin visa Schengen, loại visa: For Short stay – tourism (visa ngắn hạn – du lịch).

Các tài liệu cần chuẩn bị (tiếng Anh hoặc Pháp):

  1. In giấy hẹn nộp hồ sơ
  2. Danh mục tài liệu (Checklist 申請書類チェックリスト): Download ở mục Documents Required trong link này.
  3. Đơn xin visa tiếng Anh (Visa application form 短期ビザ申請書): Download ở mục Application form in English trong link này.
  4. Ảnh thẻ 3.5 x 4.5 cm: cũng không quan trọng lắm vì họ sẽ chụp cho bạn, và dùng ảnh đó in lên visa.
  5. Hộ chiếu (passport): Nộp hộ chiếu và photo trang đầu có ghi thông tin cá nhân và chữ kí của bạn.
  6. Phí xin visa: 60 Euro (7075 yên), chuẩn bị sẵn tiền lẻ. Từ 1/1/2020, phí xin visa sẽ tăng lên 80 Euro.
  7. Thẻ ngoại kiều (Residence card 外国人登録証明書): Photo hai mặt và mang bản chính để đối chiếu
  8. Giấy tờ chứng thực bản thân tại Nhật Bản (Proof of your situation in Japan): giấy chứng nhận đang làm việc (在職証明書), học sinh thì 在学証明書. 
  9. Giấy chứng nhận mục đích sang Pháp (Documents showing the purpose of your stay): Tuỳ từng mục đích sang Pháp mà yêu cầu các giấy tờ khác nhau, xem checklist để biết rõ hơn. Ví dụ: đi du lịch theo tour thì phải có giấy của công ty bán tour, đi hội nghị phải có giấy mời của ban tổ chức hội nghị,..,đi du lịch tự túc thì không cần giấy gì cả ^^.
  10. Giấy chứng minh hành trình (Proof of the itinerary): gồm có lịch trình (tự làm theo mẫu tự do) và thông tin đặt vé máy bay khứ hồi, thông tin mua vé máy bay/tàu phù hợp với lịch trình nếu đi nhiều nước.
  11. Chứng minh chỗ ở (Proof of accommodation): là giấy đặt phòng khách sạn, có ghi rõ tên bạn, phù hợp với lịch trình. Nếu ở nhà người quen thì cần giấy từ cơ quan hành chính nơi người quen ở.
  12. Chứng minh tài chính (Proof of your personal means of support during your stay): sao kê giao dịch 3 tháng gần nhất (kèm bản dịch), sổ tiết kiệm hoặc số dư có đủ chi phí (ít nhất 65 eu/ngày). Nếu bạn được tài trợ, hãy nộp giấy tờ chứng minh điều đó. Yêu cầu tối thiểu là 65 euro/ngày (chưa tính vé máy bay), nhưng bạn nên chứng minh bằng số tiền lớn hơn nhiều lần, và các bằng chứng thuyết phục hơn (như học bổng/bảng lương, hay bản nộp thuế 納税証明書 – nouzei shoumeisho). Mình tự dịch bản photo sổ passbook và đi làm giấy chứng nhận số dư tài khoản tại ngân hàng bằng tiếng Anh (với ngân hàng Yucho, tên giấy là 預金残高証明書 yokin zandaka shoumeisho, phí 510 yên).
  13. Bảo hiểm du lịch (International overseas travel insurance)
  14. Bảo hiểm y tế, gồm chi phí khám chữa bệnh, viện phí, với định mức tối thiểu là 30.000 euro. Có nhiều hãng, nhưng mình mua của Mawista, chi phí khoảng ~ 2.200 yên cho 15 ngày. 
  15. Phong bì có dán sẵn tem 82 yên, ghi rõ địa chỉ của mình. Phong bì gửi thư Letter Pack đỏ 510 yên, ghi rõ địa chỉ của mình: để họ gửi trả passport sau khi có visa (mua tại bưu điện hoặc conbini). ĐSQ không cho phép nhận hộ chiếu trực tiếp tại ĐSQ. Nhớ bóc phần tem có mã tracking để theo dõi.
  16. Mình chuẩn bị thêm cover letter trình bày rõ hơn về hoàn cảnh của mình và  mục đích chuyến đi (tự làm theo mẫu tự do). Phần này tuỳ chọn, không bắt buộc.

③ Lưu ý

  • Với các loại giấy tờ trên, nếu bạn muốn giữ lại bản gốc thì cần nộp bản photo, vì dù có đỗ hay không thì hồ sơ của bạn không được trả lại. Nên mang bản gốc đi để đối chiếu nếu được yêu cầu.
  • Nếu gặp bất kỳ thắc mắc hay vấn đề gì, đừng ngần ngại email cho ĐSQ Pháp vì họ trả lời khá nhanh.
  • Khi nhận hồ sơ, nếu bạn bị thiếu giấy tờ gì đó, ĐSQ sẽ yêu cầu bạn nộp bổ sung qua email, mà không cần tốn công đến lần 2. 
  • Khi nhập cảnh vào châu Âu, bạn có thể được yêu cầu trình các giấy tờ liên quan đến hành trình. Vì vậy hãy chuẩn bị thêm 1 bản copy các tài liệu cần chuẩn bị như trên (nếu không có gì thay đổi về lịch trình, khách sạn, vé máy bay…) để khỏi mất công làm lại lần 2 nhé!
  • Không giống với visa các nước khác, visa Schengen sẽ cho phép bạn nhập cảnh đúng với ngày bạn yêu cầu, không thể đổi sang lịch sớm hơn, và thời hạn thường dài hơn bạn yêu cầu. Vì thế khi viết đơn xin visa, nếu chưa chắc chắn ngày bay, bạn nên tính toán kỹ nhé.
  • Theo kinh nghiệm xin visa của nhiều người, bạn nên tránh một số nước có yêu cầu khắt khe (Đức, Hà Lan…) để tăng tỷ lệ đậu visa. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, bạn sống và làm việc ở Nhật, tức là bạn đang có trong tay “tấm bảo hộ” rất tốt: visa dài hạn ở Nhật và một công việc rõ ràng! Ngoài ra, nếu có người thân sống ở 1 trong các nước thành viên thì bạn nên tận dụng xin giấy mời và nộp hồ sơ vào nước đó.

Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm xin visa Schengen tại ĐSQ Pháp ở Tokyo của mình. Hy vọng là bài viết này cung cấp cho bạn các thông tin hữu ích nếu bạn đang muốn đi châu Âu từ Nhật. Chúc các bạn xin visa thành công nhé!

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới