Trải nghiệm trượt tuyết ở Nhật cho người mới bắt đầu

Trượt tuyết ở Nhật là một hoạt động tiêu biểu trong mùa đông. Mùa trượt tuyết thường bắt đầu từ giữa tháng 12, cao điểm là từ tháng 1 đến tháng 2 và kéo dài đến cuối tháng 3. Tại Nhật có rất nhiều bãi trượt tuyết tuyệt đẹp với chất lượng tuyết mịn như bông. Nếu bạn đang ở Nhật hoặc đến thăm Nhật Bản vào mùa đông thì đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm trượt tuyết ở Nhật nhé.

Trong bài viết này, BiKae sẽ chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi đi trượt tuyết ở Nhật. Các bạn muốn đi hoặc có dự định đi trượt tuyết ở Nhật lần đầu tiên thì tham khảo xem nhé.

① Chi phí khi đi trượt tuyết ở Nhật

Với những người chưa từng đi trượt tuyết ở Nhật thì hẳn là các bạn sẽ quan tâm đến các chi phí cần thiết khi đi trượt tuyết đúng không nào? Phải nói rằng trượt tuyết là một hoạt động tương đối tốn tiền vì có nhiều khoản cần phải chi trả trong một chuyến đi trượt tuyết. Chi phí cụ thể cho từng địa điểm trượt tuyết có thể khác nhau, nhưng nhìn chung sẽ rơi vào những khoản như sau:

  • Chi phí thuê quần áo trượt tuyết (bao gồm quần và áo): 3000 – 5000 yên/ ngày
  • Chi phí thuê dụng cụ trượt tuyết (ván trượt, gậy và giày): 4000 – 5000 yên/ ngày
  • Vé lên lift (bạn cần đi lên núi bằng lift để trượt từ trên xuống): 4000 – 6000 yên/ ngày
  • Chi phí mua mũ len, kính, găng tay: 3000 – 5000 yên (đây là những đồ dùng không cho thuê nên bạn sẽ phải tự mua trước. Ở bãi trượt cũng có bán nhưng đắt và ít lựa chọn hơn là tự đi mua trước)
  • Phí cho lớp học trượt tuyết: 4000 – 7000 yên/ 90 phút hoặc 120 phút. (Bạn không bắt buộc phải học nhưng nếu chưa đi trượt tuyết bao giờ và cũng không có người đi cùng có thể dạy mình được thì nên học.)
  • Ăn trưa và ăn tối: 2000 – 3000 yên (nếu bạn tự mang onigiri hay đồ ăn nhanh thì sẽ rẻ hơn)
  • Tiền khách sạn (nếu ở lại qua đêm): 5000 – 7000 yên/ đêm trở lên (tuỳ vào khách sạn mà bạn lựa chọn)
  • Ngoài ra nếu bạn đi ô tô sẽ tốn thêm phí cao tốc (trên dưới 5000 yên/ chiều tuỳ khoảng cách) và tiền xăng.
  • Nếu đi shinkansen sẽ tốn thêm tiền vé tàu và xe buýt (từ 12000 yên/ chiều trở lên)

Tổng kết lại nếu bạn chưa có đồ gì cả và tự đi bằng tàu hoặc ô tô thì trung bình sẽ tốn khoảng 30.000 – 50.000 yên cho một chuyến đi trượt tuyết trong ngày. Nếu ở lại qua đêm sẽ thêm tiền khách sạn.

② Chọn bãi và đường trượt tuyết

Có 2 loại bãi trượt là bãi trượt phun tuyết nhân tạo (những bãi trượt gần Tokyo) và bãi trượt có tuyết tự nhiên (ở các tỉnh như Gunma, Niigata, Nagano, Gifu). Với những bạn ở khu vực Tokyo như mình thì các bãi trượt nhân tạo có ưu điểm là gần nên tiện đi lại trong ngày. Tuy nhiên, vì là tuyết nhân tạo nên thường cứng và trơn hơn tuyết tự nhiên, sẽ khó trượt hơn chút cho những người mới bắt đầu. Các bãi trượt có tuyết tự nhiên thì thường rất rộng, đẹp, tuyết xốp mịn, trượt êm và dễ hơn hẳn, khi ngã cũng không thấy đau mấy.

Theo kinh nghiệm của người mới trượt như mình thì nên chọn bãi trượt có tuyết tự nhiên, sẽ có trải nghiệm tuyệt vời hơn. Trong số 10 bãi trượt mà mình đã trải nghiệm thì có 6 bãi trượt mà mình thấy rất thích hợp cho người trượt tuyết lần đầu là những bãi sau.

  • Tambara Ski Park (たんばらスキーパーク) (tỉnh Gunma): Bãi trượt này rất thân thiện với các gia đình và trẻ nhỏ. Đến 80% các đường trượt là dành cho người mới bắt đầu và trình độ thấp. Đường trượt thoai thoải và rất dài, rộng, tuyết bông mịn nên ngay cả người mới trượt hoặc trẻ con đều có thể dễ dàng tập luyện.
  • Iwappara Ski Resort (岩原スキー場) (tỉnh Niigata): Cũng giống như bãi Tambara ở trên, bãi trượt Iwappara có đến 20 course trượt (80%) là dành cho người mới bắt đầu và trình độ thấp, đường trượt rộng rất dễ luyện tập, có lift hoạt động đến tận 7 giờ tối (các bãi khác chỉ hoạt động đến 4 giờ hoặc 4 rưỡi chiều). Bãi này cũng gần đường cao tốc nên đi lại thuận tiện. Một điểm cộng nữa là cảnh ở đây rất đẹp, lại có nhiều chỗ vui chơi và luyện tập cho trẻ con nên cũng thích hợp với các gia đình.
  • Sugadaira snow resort (tỉnh Nagano): Đây là bãi trượt mình thấy “ngon, bổ, rẻ” nhất trong tất cả các bãi mình đã đi. Vé lift, tiền thuê đồ, tiền học trượt tuyết đều rẻ hơn các bãi khác, trẻ em dưới tuổi tiểu học được miễn phí vé lên lift. Bãi có khá nhiều đường trượt cho người mới tập, chất lượng tuyết tốt và không bị đông quá nên không phải xếp hàng quá lâu để lên lift. Bãi có tới 3 khu trượt nên nếu muốn đi hết cả 3 khu thì bạn cần lên kế hoạch đi trong 3-4 ngày.
  • Hakuba Goryu snow resortHakuba 47 Winter sports park (tỉnh Nagano): Hakuba là khu trượt tuyết nổi tiếng nhất ở Nagano và đây là 2 bãi trượt được nhiều người yêu thích. Hai bãi này gần nhau, có đường trượt thông sang nhau nên nếu bạn lên kế hoạch đi trượt ở đây thì nên đi từ 3 ngày trở lên để tận dụng được cả 2 bãi. Tuyết ở đây thì thích không phải bàn cãi, đường trượt rộng, nhiều course trượt cho người mới bắt đầu và miễn phí vé lên lift cho trẻ em dưới tuổi tiểu học. Ngoài ra vì là khu nổi tiếng nên xung quanh rất nhiều nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, cũng vì nổi tiếng nên các bãi này luôn đông từ đầu mùa đến cuối mùa.
  • Nozawa onsen snow resort (野沢温泉スキー場) (tỉnh Nagano): Đây là một bãi trượt tuyết cực rộng, có tới 36 đường trượt trong đó 40% dành cho người mới bắt đầu. Đây cũng là nơi tổ chức thế vận hội mùa đông năm 1998 và là một ngôi làng onsen nổi tiếng nên bạn có thể kết hợp trải nghiệm trượt tuyết và onsen trong cùng một chuyến đi. Khi đi cáp treo lên đỉnh núi, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp tuyệt vời với tuyết trắng xoá bao phủ các cành cây và những ngọn núi. Đặc biệt đường trượt trên đỉnh dài tới 2km với dốc thoai thoải và tuyết bông mịn rất phù hợp cho người lần đầu trượt tuyết. Lần đầu tiên mình lên đây mà trượt được thẳng 1 lèo 2km chỉ ngã đúng 2 lần rồi tự đứng dậy và trượt tiếp được. (trong khi trượt ở bãi nhân tạo ngã liên tục không đứng dậy được).

Tại các bãi trượt tuyết, đường trượt cho người mới bắt đầu được đánh dấu màu xanh lá cây trên bản đồ của khu trượt. Để tránh trượt nhầm sang các đường khó, các bạn nhớ tra kĩ bản đồ nhé. Dưới đây là hình minh hoạ bản đồ đường trượt ở khu trượt tuyết Iwappara mà mình giới thiệu ở trên.

③ Tự đi hay đi theo tour?

Nếu bạn có xe ô tô và có những người bạn đã từng đi trượt tuyết thì có thể tự đi nhé. Đi tàu thì cũng được nhưng sẽ bị giới hạn ở những bãi trượt gần ga (vốn không có nhiều) hoặc sẽ mất thêm thời gian đi xe buýt. Còn nếu trong nhóm không có ai biết trượt thì mình nghĩ là nên đi theo tour. Ưu điểm của tour là bạn sẽ được trang bị giúp toàn bộ quần áo, dụng cụ, vé lên lift và cả khách sạn kèm với ăn 2 bữa (nếu ở qua đêm).

Các bạn có thể xem và đặt các tour phù hợp qua trang web này (chỉ có tiếng Nhật): https://www.orion-tour.co.jp/ski/. Các bạn có thể đặt tour trọn gói sử dụng xe buýt (ngày hoặc đêm) của họ hoặc chọn my car (マイカー) và chỉ mua vé trượt tuyết (kèm thuê quần áo và vé lift) và đặt khách sạn theo tour của họ. Đặt tour như thế này rất tiện và chi phí tiết kiệm hơn, phù hợp với những người trải nghiệm trượt tuyết lần đầu và chưa có quần áo, dụng cụ gì.

④ Chuẩn bị quần áo, dụng cụ trượt tuyết

Sau khi đã chọn được bãi trượt thì bạn cần chuẩn bị đồ dùng để đi trượt tuyết. Nếu bạn chỉ muốn trải nghiệm một lần cho biết mà không có ý định sẽ đi nhiều lần thì nên thuê toàn bộ quần áo và dụng cụ. Còn nếu bạn sẽ còn ở Nhật trong một thời gian và có khả năng sẽ lại đi trượt thêm vài lần nữa thì mình nghĩ nên mua bộ quần áo trượt, mũ và găng tay (Kính thì không bắt buộc nhưng cũng nên mua đề phòng những khi tuyết rơi nhiều, khi trượt tuyết sẽ bắn vào mắt). Những đồ này thuê cũng khá đắt, lại tốn thời gian chờ đợi thuê đồ tại khu trượt. Nếu bạn mua đồ cũ hoặc giảm giá thì cũng sẽ chỉ mất từ 5000 – 10.000 yên/ bộ, so với giá thuê cũng tầm 5000 yên/ lần, sẽ lợi hơn nhiều.

Sau khi bạn trải nghiệm lần đầu và cảm thấy thích trượt, bạn có thể đầu tư thêm bộ ván trượt và giày. Mình đã quyết định đầu tư bộ này sau khi đi 2 bãi trượt vì mình bắt đầu thấy thích bộ môn này và có ý định sẽ đi thêm nhiều lần nữa. Khi có đủ đồ nghề, mình có thể trượt ngay khi đến bãi mà không cần phải mất công và thời gian xếp hàng thuê đồ (việc này cực kì mất thời gian nhé, có thể đến 1-2 tiếng ở những bãi đông).

Để mua quần áo và dụng cụ trượt tuyết cũ, bạn có thể đến các cửa hàng Book Off hoặc TreFacSports. Nếu bạn đã quen sử dụng app Mercari thì cũng có thể mua được đồ cũ chất lượng tốt trên đó. Nếu bạn muốn mua quần áo trượt mới với giá tốt thì có thể đến các cửa hàng Sports Depo vào dịp giảm giá cuối năm hoặc cuối tháng 1 đầu tháng 2.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới