2. Nghe – Đọc hiểu
Đối với những ai chỉ chuyên thi JLPT, có lẽ phần thi Nghe – Đọc hiểu này thật sự lạ lẫm. Phần này có thể đánh giá khá chuẩn việc: “Liệu bạn có đủ khả năng học đại học ở Nhật không?” Nói một cách đơn giản, phần thi này yêu cầu bạn nghe tốt, đọc tốt và hiểu tốt. Những bài nghe đọc hiểu trong kỳ thi thường rất dài, thời gian dừng giữa các câu lại ngắn nên trừ phi bạn có khả năng đọc lướt như một cơn gió, còn không thì bỏ qua và chỉ nên đọc lướt câu hỏi và đáp án đầu tiên mà thôi.
Khó khăn của phần thi nghe đọc hiểu không phải là nội dung quá cao siêu, luồn lách đánh lừa suy nghĩ của bạn. Khó khăn nhất của phần thi này chính là cách dùng từ trong đoạn nói và đáp án không hề giống nhau, mà sử dụng TỪ ĐỒNG NGHĨA. Điều này yêu cầu bạn phải có một lượng từ vựng thật sự tốt thì mới có thể khoanh chính xác đáp án được. Quyển sách 日本留学試験対策:スコアアップ問題集聴読解-記述 tích hợp giữa nghe đọc hiểu và viết luận. Tuy nhiên, mình ít dùng phần viết luận của quyển sách mà thường học phần nghe đọc hiểu hơn.
Cách học là trước hết bạn nghe qua một lần, chỉ cần nắm ý chính mà đoạn nói muốn bàn luận đến. Tiếp theo là dùng bút dạ, bút đỏ… gạch dưới những từ bạn cảm thấy có liên quan đến ý chính nhất. Sau đó bạn nghe lại và đoạn nào bạn không rõ cứ pause lại, suy nghĩ cho thật thấu đáo và lại nghe tiếp. Sau khi bạn check đáp án, dù đúng hay sai bạn phải cần tự mình trả lời câu hỏi sau bằng tiếng Nhật: “Vì sao đáp án này lại là đáp án đúng?”
Khi bạn cứ nghe liên tục, đọc và suy nghĩ từ đó sẽ hình thành cho bạn sự liên kết trong quá trình học để khi đi thi có thể tìm ra đáp án rất nhanh.
Một lưu ý khác, bạn nên giữ tâm thế bình tĩnh, tập trung khi nghe. Quan trọng nhất là tập trung. Nếu bạn là người khó tập trung giống mình, hãy sử dụng tai nghe, ngồi ở một nơi ít chướng ngại nhất có thể (nhà tắm cũng ok!), quan trọng nhất là nơi đó chỉ cần có bạn, bài luyện và thiết bị nghe là đủ!
3. Viết luận
Không có một chủ đề nào được giới hạn trong kỳ thi EJU cả! Mọi người mới học thường hay hỏi: “Viết luận thường cho chủ đề gì?”, đó thật sự là một câu hỏi rất khó để trả lời. Bài luận trong EJU yêu cầu trong 20 phút bạn phải viết được 400-600 chữ. 20 phút bao gồm cả đọc đề, viết bài, kiểm tra lỗi chính tả… nghe quả thật là một ải khó mà vượt qua đúng không?
Lần mình thi là cho hai ý kiến, mình phải đọc hiểu đề và chọn một trong hai ý kiến để bảo vệ quan điểm. Theo mình, thời gian hợp lý nhất là: 2 phút đọc đề; 3 phút để lập dàn ý; 18 phút để viết và 2 phút cuối cùng để chỉnh một ít lỗi.
Quan trọng nhất là 3 phút lập dàn ý. Hãy nhớ là bám sát yêu cầu đề bài, và cho dù phân tích hay đến mức nào đi chăng nữa, nếu bạn quên phần kết luận thì xem như… out! Vì sao là 2 phút để chỉnh sửa lỗi mà không phải nhiều hơn? Bởi vì giấy thi sẽ là những ô vuông, bạn phải viết mỗi ký tự vào ô vuông đó. Điều đó có nghĩa nếu sai sót thì bạn sẽ thật sự rất khó để mà sửa lỗi. Vậy nên hãy cẩn trọng khi viết. 2 phút đấy chỉ là chỉnh sửa lại một ít lỗi như: Kanji thiếu/ thừa nét; Vết bôi tẩy khá bẩn; chữ nét chưa rõ ràng v.v…
Quyển sách 日本留学試験対策:記述問題テーマ100.thật sự cực kỳ phù hợp cho phần viết luận. Từ đề bài đặt ra, cách dàn xếp ý cũng như các hướng dẫn viết các đoạn sao cho mạch lạc thật sự rất dễ hiểu. Bạn cũng nên ra Daiso hoặc có thể tự đi in các mẫu giấy viết sakubun ở Nhật để về luyện. Và nhớ là canh giờ đúng 20 phút để làm quen nhé!
|
Thật sự thời gian đầu mình khá lười cho việc viết luận, vậy nên với cá nhân mình cố gắng duy trì viết 1-2 bài/tuần là tốt. Bạn có thể đưa cho giáo viên xem xét, chỉnh sửa, hoặc nếu không thể bạn có thể trực tiếp post bài lên https://lang-8.com/ để được người Nhật hoặc những ai đang học tiếng Nhật góp ý nhé.
Luyện hết quyển này thì trình độ viết của bạn có thể lên được hẳn mấy bậc đấy!
③ Vậy điểm chuẩn của EJU là bao nhiêu điểm?
Kỳ thi này không có điểm chuẩn, điểm càng cao xác suất đỗ sẽ cao. Với kỳ thi EJU, chỉ cần trên 200 điểm bạn có thể có khả năng vào một trường Tư thục hạng khá tại Nhật. Còn nếu cao hơn nữa bạn có khả năng được học bổng hoặc đủ tư cách dự thi một trường Công lập ở Nhật. Tuy nhiên, cũng có số điểm môn tiếng Nhật được xem là an toàn cho từng bậc Đại học như sau:
- Đối với Đại học Tư thục bậc Khá thì điểm EJU từ 200 điểm trở lên.
- Đối với Đại học Tư thục bậc Xuất sắc thì điểm EJU từ 260 điểm trở lên.
- Đối với Đại học Công lập thì điểm EJU từ 310 điểm trở lên.
Một lưu ý khác là có những trường đồng ý cho bạn nộp kết quả EJU môn Tiếng Nhật bao gồm luôn phần Viết luận. Nhưng, có những trường chỉ yêu cầu bạn nộp kết quả môn Tiếng Nhật phần Đọc hiểu và Nghe- Đọc hiểu, không chấp nhận nộp kết quả Viết luận của bạn, điều này sẽ biểu thị qua thông tin 日本語のみ (Chỉ môn tiếng Nhật).
Không phải trường nào cũng yêu cầu bằng EJU này, nên bạn hãy lên trang web của trường để tra rõ thông tin về yêu cầu ứng tuyển. Một số trường Đại học hoặc senmon cho bạn chọn giữa việc nộp kết quả EJU và thi tuyển tại trường nên cho dù không có kết quả EJU bạn vẫn còn nhiều con đường và cơ hội khác. Tuy nhiên, phần lớn các trường nếu bạn có kết quả EJU tốt thì có thể xin giảm học phí cũng như có được sự ưu tiên lớn hơn từ phía nhà trường.
Cho nên, nếu bạn muốn thử sức tiếng Nhật của chính mình thì cũng nên tham gia kỳ thi này, hay nếu bạn đã có N3 mà chưa tự tin để dự thi N2 thì chỉ cần thi một buổi xong, mình chắc chắn bạn sẽ cảm thấy N2 dễ như ăn kẹo luôn. Mình cũng là một người thi xong N3 về ôn EJU, càng ôn càng hoang mang, sợ ôn EJU mà không đụng gì đến JLPT thì xem như toi mất kỳ thi N2 đợt tháng 7/2018, nhưng cuối cùng, chính nhờ những kiến thức tích lũy được trong quá trình ôn thi EJU đã mang về cho mình kết quả EJU tốt đẹp cùng với kết quả đỗ N2. Khỏi phải nói là vui cỡ nào luôn!
Nếu như bạn vẫn còn đang băn khoăn giữa việc thi EJU môn tiếng Nhật phải ôn tập ra sao, những khó khăn nào mà người tự học thi hay gặp thì qua bài viết này hy vọng toàn bộ trải nghiệm của mình có thể giúp được bạn phần nào trong kỳ thi EJU sắp tới. Chúc mọi người đạt thành tích thi đại học thật xuất sắc, bước vào được ngôi trường mà bản thân luôn hằng mong ước nhé!
Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.