Với những bố mẹ lần đầu có con đi nhà trẻ ở Nhật, có lẽ điều lo lắng lớn nhất là làm sao để con quen và hoà nhập tốt với trường lớp, làm sao để con nhanh chóng quen với cô, với các bạn và mỗi ngày đến trường đều là ngày vui vẻ. Trong bài viết này, mình xin chia sẻ kinh nghiệm giúp con hoà nhập tốt sau 2 năm cho con đi nhà trẻ ở Nhật nhé.
Bé nhà mình đi nhà trẻ lần đầu tiên là lúc 11 tháng. Nhưng sau 4 tháng, mình đã cho con nghỉ vì không hài lòng với nhiều điểm của nhà trường. Lần đi nhà trẻ chính thức của con sau đó là lúc con đã được 1 tuổi 10 tháng. Lúc này con đã nói tương đối tốt tiếng Việt nhưng không biết tiếng Nhật (vì mình nói tiếng Việt hoàn toàn với con ở nhà). Ban đầu mình cũng lo lắng nhiều điều nhưng thật tốt là con đã không còn khóc sau 3 tuần đầu, dần dần hợp tác trong việc ăn uống, chơi ở trường, quen và rất yêu quý các cô, khả năng tiếng Nhật cũng tiến bộ một cách tự nhiên và dần dần không còn vấn đề trong việc giao tiếp với cô và các bạn ở trường.
Về cơ bản, mình thấy một phần vì cô và trường rất tốt, nhưng mình cũng nhận thấy mình đã khá là cố gắng trong việc giao tiếp với các cô, và đó là một phần tương đối quan trọng trong việc tạo thiện cảm của cô với con và giúp con nhanh chóng hoà nhập với trường lớp. Sau đây là một số việc mình đã làm để tăng sự thân thiết với cô và nhà trường.
① Nói chuyện với cô thường xuyên
Một điều mà mình rất chú ý làm đó là thường xuyên nói chuyện với các cô (đặc biệt là cô chủ nhiệm). Nội dung chính của các cuộc nói chuyện tất nhiên là về tình hình của con. Ngoài những chuyện cơ bản hàng ngày như ăn uống, ngủ nghỉ ra sao, tâm trạng thói quen của con thế nào, thì mình cũng hay kể với con những thứ con thích làm, tính cách của con, những đồ con thích chơi, những chuyện mà con nói với mình v.v. Vào những tháng đầu con mới đi học, gần như ngày nào mình cũng nán lại vài phút để hỏi cô tình hình của con và nói chuyện con ở nhà với cô. Có gì lo lắng về sự phát triển của con, mình cũng tâm sự với cô. Mình thấy khi mình cởi mở và chủ động nói chuyện thì cô cũng tự nhiên hơn và hay hỏi chuyện mình hơn.
Ngoài việc kể về tình hình của con thì mình cũng chú ý hỏi thăm các cô, ví dụ những câu hỏi thăm rất đơn giản như là “Hôm qua Mika sensei nghỉ ạ? Thấy con về kể là không thấy cô đâu.” hay thấy cô có áo, kiểu tóc, hay đồ gì “mới” hoặc “dễ thương” thì mình cũng hỏi 1 câu, ví dụ “Hana sensei mới cắt tóc à? Trông trẻ hơn hẳn đấy ạ”. Nhờ những câu hỏi thăm thường xuyên vậy nên mình thấy cô luôn vui vẻ hỏi chuyện mình, khi mình có cái gì mới cô cũng nhận ra và hỏi lại.
Đặc biệt, nếu như con rất thích 1 cô giáo nào đó, thì đôi lúc có thể bày tỏ “hộ” con tình cảm với cô. Ví dụ con mình rất thích Mika sensei, nên hay kể chuyện về cô với mẹ. Mình cũng thỉnh thoảng nói lại điều đó với riêng cô. Nhờ vậy, cô rất yêu quý con và vì là cô chủ nhiệm nên con được “lợi” nhiều từ việc được cô yêu quý.
Tất nhiên những điều ở trên là cố gắng xã giao nhưng mà phải là nói thật nhé, chứ không chân thật là mất cảm tình ngay. Mình muốn nhấn mạnh việc để ý quan tâm các cô và hỏi chuyện đúng lúc.
② Cố gắng nhớ tên và dạy con nhớ tên các cô (các bạn) thật nhanh
Không biết mọi người thế nào chứ mình rất ấn tượng với những ai có thể nhớ tên mình nhanh và gọi mình bằng tên. Suy từ mình ra, mình nghĩ các cô cũng vậy. Ngay từ khi con mới đi học, mình đã hỏi tên từng cô và cố gắng ghi nhớ. Mình cũng xem đi xem lại bảng giới thiệu nhân viên của trường để nhớ tên những cô cần nhớ. Sau đó mình dạy con tên các cô, trước hết là các cô quản lý trực tiếp lớp của con. Nhờ vậy, khi về nhà con có thể kể cho mình nghe những hoạt động mà các cô làm, ví dụ hôm nay cô Mika sensei dạy hát bài gì, cô Hana sensei đọc truyện ra sao, cô Lisa sensei dạy múa thế nào v.v. Sau một thời gian đi học, con cũng trực tiếp gọi tên từng cô, mà theo cô kể với mình thì con là bé duy nhất nhớ được hết tên các cô trong thời điểm đó, nên các cô rất ấn tượng, cứ khen “con thông minh”.
Về tên bạn, thì sau một thời gian đi học, mình hỏi cô xem con hay chơi với bạn nào. Hoặc nếu mình đón con cùng giờ với bạn nào đó thì cũng cố gắng hỏi để biết tên bạn đó và dạy lại cho con. Khi con nhớ tên bạn, về nhà con có thể kể chuyện về bạn đó. Dần dần cũng cố gắng làm quen với mẹ của bạn mà con mình hay chơi để thỉnh thoảng “giao lưu”.
③ Nói chuyện, hỏi chuyện con về trường lớp
Khi đón con về mình luôn hỏi hôm nay con làm gì ở lớp, ăn gì, có ăn hết không, chơi với bạn nào v.v? Và kiểm tra xem con nói có đúng như cô ghi trong sổ không. Khi con nói chưa tốt, thì thường con sẽ không kể được, nhưng con có thể trả lời “có/ không” hoặc “đúng/ sai”. Mình sẽ hỏi con theo kiểu: “Mẹ thấy cô ghi là con ăn hết cơm nhưng không ăn hết canh này, đúng không?” hay “Mẹ thấy cô ghi là hôm nay đi công viên khủng long phải không con?” v.v
Trước khi đi ngủ, hai mẹ con mình thường chơi trò kể chuyện con đã làm gì trong ngày. Mình sẽ kể con làm gì từ lúc dậy đến lúc đi ngủ, trong đó có cả chuyện ở trường. Khi con còn bé, con chỉ nghe thôi. Khi con nói được, con sẽ thêm các chi tiết hoặc sửa những chi tiết ở lớp mà mình kể sai. Mình nghĩ đây là cách tốt để cập nhật tình hình của con, tăng sự thân thiết giữa hai mẹ con và còn giúp con giỏi tiếng Việt nữa.
Có một điểm mình thấy rất cần thiết là hãy kể lại với cô những gì con nói ở nhà, không cần phải là kể về những “vấn đề” mà là những việc con làm ở trường như ăn gì, chơi gì. Đó cũng là một cách ngụ ý rằng “con biết hết rồi và con có thể nói với mẹ về các cô và các bạn đấy” (đây chính là lúc việc nhớ tên cô và tên bạn phát huy tác dụng). Mình nghĩ điều này có tác dụng ở chỗ là nếu có sự cố gì xảy ra với con (ngã, bị thương, tranh giành với bạn v.v) thì ngay lập tức cô sẽ thông báo khi mình đến đón, chứ không giấu giếm hay lấp liếm.
Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.