② Viết sổ liên lạc
Tất cả các mẹ đều băn khoăn không biết phải viết gì cho cô giáo khi đưa con đến nhà trẻ. Nhưng đây lại là manner cực quan trọng. Lý do tồn tại của sổ liên lạc không chỉ duy trì mỗi liên kết phụ huynh – học sinh – giáo viên, mà còn giống như một cơ sở để tham chiếu trong bất cứ tình huống nào khẩn cấp.
Lấy ví dụ, nếu một ngày bé tới trường lúc 8h, và 9h bé bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, việc đầu tiên các cô sẽ kiểm tra sổ liên lạc, xem bữa sáng bé đã ăn gì, bé đã có dấu hiệu này trước đó hay chưa. Khi phụ huynh chưa kịp đón bé, các cô phải đưa bé tới bệnh viện, sẽ có thêm thông tin để bác sĩ khám bệnh.
Vì vậy, các nội dung quan trọng cần ghi vào sổ liên lạc bao gồm:
- Thân nhiệt (đo nhiệt độ cho con vào buổi sáng trước khi tới lớp)
- Bữa sáng (thay vì viết tên món ăn, hãy viết tên nguyên liệu). Hãy viết cụ thể bé có ăn hết bữa sáng hay không.
- Tình trạng sức khoẻ của bé (sổ mũi, ho, tiêu chảy)
- Thời gian ngủ / ăn sáng / bú sữa (với các bé dưới 18 tháng).
- Tính tình của bé hôm đó, hay còn gọi là ご機嫌 (gokigen). Hôm nào bé thức dậy với tâm trạng hoặc tình hình sức khoẻ không tốt (ご機嫌悪い: gokigen warui), hãy viết vào sổ để các cô để ý tới bé hơn.
- Giờ đón bé. Nếu trong tuần có hôm nào mẹ định cho bé nghỉ học, hoặc đến sớm / đón muộn hơn mọi khi, hãy viết thông báo trước 1 ngày.
- Các lưu ý đặc biệt nếu có (ví dụ khi bé đang phải uống thuốc)
Ngoài những nội dung trên, các mẹ có thể ghi thêm những thay đổi mới của con theo từng giai đoạn. Chẳng hạn như bé bắt đầu có hứng thú với cầu trượt, hoặc bé đã biết hát theo 1 bài nào đó, hoặc bé có sở thích đặc biệt với màu sắc, nhân vật hoạt hình… Việc này cung cấp thêm thông tin cho các cô giáo khi chơi với bé, mục đích để bé hợp tác hơn. Với các bé đã bắt đầu biết nói chuyện, mẹ có thể viết về những việc bé làm ở nhà tối hôm trước như chơi gì, nói gì, đọc sách gì v.v. Cô có thể dựa vào những nội dung đó để hỏi chuyện bé, cũng là một cách giúp bé thân thiết với cô và tăng khả năng từ vựng của bé khi nói về những việc làm hàng ngày.
③ Biếu tặng
Nếu nói rằng tại Nhật không có chuyện biếu xén quà cáp là không có cơ sở. Thế nhưng khác với Việt Nam, thay vì biếu riêng từng cô, thì tại Nhật các mẹ thường mang tới cho toàn bộ nhân viên tại nhà trẻ. Và lý tưởng nhất là mua bánh, kẹo, hoặc trà tới. Cũng có nhiều trường không nhận quà cáp của phụ huynh, nên trước khi mang quà các mẹ nên hỏi cô giáo về vấn đề này.
Các mẹ Việt thường có tâm lý chung là mang đồ Việt tới tặng các cô. Sự trao đổi văn hoá các nước, đổi với nhiều trường, là một sự thú vị, nhưng cũng không tránh khỏi khó xử.
Hãy mang đồ có thể chia được hết cho mọi người. Về điểm này, các mẹ có thể tham khảo danh sách nhân viên (thường được in trong sách giới thiệu về trường tại buổi giới thiệu (説明会: setsumeikai )hoặc lễ nhập học hoặc 入学式: nyuuenshiki), qua đó có thể áng chừng số nhân viên để quyết định số lượng bánh kẹo mang tới cho phù hợp.
Trà và Cafe Việt luôn là lựa chọn không tồi với người Nhật không riêng gì nhà trẻ. Tuy nhiên các mẹ hãy ưu tiên cafe dạng gói pha sẵn và trà túi lọc. Hạn chế mang trà lá hoặc cafe pha phin tới. Đơn giản vì nhịp sinh hoạt và làm việc tại nhà trẻ không bao giờ đủ để ngồi chờ một tách cafe phin hay hãm ấm trà nhâm nhi cả. Như vậy khá bất tiện.
Vì tính chất công việc, hoikuen khá nhạy cảm với nguồn gốc xuất xứ, thành phần và hạn sử dụng của bánh kẹo (yếu tố này có lẽ người Nhật nào cũng có). Nếu các mẹ mang đồ Việt tới, hãy giải thích qua (hoặc viết memo) cho các cô về thành phần (có trứng hay không? nồng độ cafein thế nào? có gây mất ngủ không? vị đắng / ngọt / chua? hạn sử dụng?)
Tránh mang những đồ cần bảo quản đặc biệt hoặc có hạn sử dụng quá ngắn tới. Vụ này rất nhiều mẹ Nhật cũng dính phải vì văn hoá làm việc mỗi nơi một khác. Bếp hay tủ lạnh của nhà trẻ sẽ không chào đón một món ăn lạ lẫm khác có mặt. Còn loại thức ăn chỉ ăn trong ngày sẽ dẫn đến tình huống có nhân viên về sớm và không được ăn, hoặc công việc quá bận rộn khiến không ai kịp ăn trong hôm đó.
Tặng quà vào dịp nào? Có thể tặng sau Tết, sau kỳ nghỉ dài (với danh nghĩa là お土産: omiyage), dịp sinh nhật, nhập học, tốt nghiệp… tất cả mọi dịp các mẹ đều có thể tặng được. Miễn là đảm bảo các quy tắc tặng quà nói trên, thì thậm chí không cần lý do đặc biệt nào, các mẹ vẫn có thể mang đồ tới tặng nhà trường được.
④ Hợp tác giữa cha mẹ và hoikuen
Thực tế đây lại là việc khó khăn nhất đối với tất cả các mẹ bất kể Nhật Việt.
Các cô giáo ở nhà trẻ cũng gặp áp lực với việc bé có thoải mái khi ở đây hay không? Bé có ăn được nhiều hay không? v.v
Thứ nhất là về giờ giấc sinh hoạt. Một đứa trẻ phải được ngủ vào 8 giờ tối và được gọi dậy lúc 6h sáng, có thể xê dịch thành 9h tối và 7h sáng với những bé 2 tuổi. Nhưng trong thực tế, rất nhiều đứa trẻ đến trường trong tình trạng thiếu ngủ. Cộng thêm tâm lý nhớ mẹ, dẫn đến việc bé trở nên vô cùng cáu gắt. Bé ngủ khi các bạn đang chơi rồi khi các bạn ngủ bé lại chơi một mình.
Thứ hai là về vấn đề ăn uống của bé, xuất phát điểm là ăn dặm. Có nhiều bà mẹ quá bận rộn nên ngay từ 5 tháng tuổi các bé đã bị cho ăn toàn đồ đóng hộp. Các mẹ Việt tuy sống ở Nhật nhưng lại cho con ăn dặm theo kiểu truyền thống Việt. Các mẹ cho con ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ mặn sớm… dẫn đến việc vị giác của bé bị phá huỷ. Trong khi đó, hoikuen rất tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản cho trẻ nhỏ: tập trung vào rau củ, lượng gia vị tăng dần rất chậm theo từng tháng ăn dặm. Khi vị giác của bé bị phá huỷ ngay từ những ngày đầu, bé sẽ sớm ghét ăn rau, bỏ bữa, đói và khó ngủ, quấy khóc rất nhiều.
Cách giải quyết để tránh xảy ra những pha lệch sóng trong việc chăm sóc trẻ chính là sự tương tác giữa phụ huynh và cô giáo. Sổ liên lạc cũng là một công cụ tốt để trao đổi. Nhưng với những mẹ gặp khó khăn với kanji, thì trao đổi trực tiếp, hoặc xin tài liệu về cách chăm sóc trẻ nhỏ sẽ khả thi hơn.
Một việc cũng quan trọng không kém là các mẹ cần đọc các thông tin hoikuen gửi về, đọc bảng tin của lớp hay các thông báo dán trên tường để cập nhật những thông tin mà cô giáo không trao đổi được trực tiếp với từng người. Ví dụ cô có thể viết thông báo ngày hôm sau lớp có giờ nghịch màu, các mẹ nên mặc cho con quần áo có thể vấy bẩn và dán lên bảng tin. Các mẹ không để ý có thể sẽ lỡ mất thông tin này. Hoặc những bé 2-3 tuổi hay có giờ học quan sát và làm rau củ, cần mang tạp dề và mũ nấu ăn, các mẹ không để ý ngày diễn ra sự kiện trên lịch có thể quên mang đồ cho con, dẫn đến việc con không có tạp dề và mũ như các bạn v.v. Những việc này các cô có thể nhắc một hai lần đầu nhưng những lần sau các mẹ cần tự nhớ hoặc tự đọc bảng tin để làm vì vậy các mẹ nên chú ý.
Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.