Nhà trẻ ở Nhật (1) – Những điều cần biết về hoikuen

http://kids.wanpug.com/illust/illust4029.png

Lại sắp đến thời điểm mọi nhà rục rịch làm thủ tục đăng ký cho con đi nhà trẻ ở Nhật. Cũng có nhiều bạn hỏi về vấn đề này mà mình thấy chưa có nhiều thông tin cụ thể trên mạng nên mình tổng hợp lại những gì mình đã tìm hiểu để xin học cho con, mọi người quan tâm thì tham khảo nhé.



Hệ thống nhà trẻ của Nhật gồm 2 loại chính là 保育園 (hoikuen: nhà trẻ)幼稚園 (yochien: mẫu giáo). Gần đây còn có thêm hình thức 認定こども園 (nintei kodomo en: nhà trẻ kết hợp mẫu giáo). Ngoài 3 hình thức này thì còn một số loại hình gửi trẻ ngắn hạn, tạm thời hay trong những trường hợp khẩn cấp. Trong bài viết này mình chỉ đề cập đến dạng hoikuen, là loại nhà trẻ mà yêu cầu điều kiện xin vào khá là khắt khe, khiến cho việc đăng ký cho con đi học ở Nhật (đặc biệt là các thành phố lớn) trở thành cuộc cạnh tranh khốc liệt của những gia đình có con nhỏ dưới 3 tuổi.

Bài viết bao gồm 2 phần: Phần 1 này sẽ tóm tắt các thông tin chung về hoikuen và phân biệt khái niệm trường công và trường tư. Phần 2 sẽ là thủ tục và cách thức đăng ký vào hoikuen.

①   Các thông tin chung về hoikuen

  • Hoikuen dịch nôm na là “nơi trông trẻ” nên “trông trẻ” cũng là chức năng chủ yếu của loại nhà trẻ này. Hoikuen thường yêu cầu điều kiện khắt khe khi xin vào ví dụ cả hai bố mẹ đều phải đi làm, đi học, hoặc bị bệnh không trông con được hay nói chung là gia đình có khó khăn nào đó dẫn đến việc không thể giữ trẻ ở nhà, do đó nhà trẻ sẽ thay gia đình trông nom con.
  • Hoikuen dành cho trẻ từ 0 – 5 tuổi (có những trường quy mô nhỏ, gọi là 小規模保育園 (shokibo hoikuen), chỉ nhận trông trẻ từ 0-2 tuổi). Tuy nhiên, không phải tất cả các hoikuen đều nhận trông trẻ từ 0 tuổi. Một số trường nhận trông từ 57 ngày tuổi, một số trường nhận trông trẻ từ 6 tháng tuổi, còn hầu hết các trường nhận trẻ từ 1 tuổi. Việc xin cho con 0-1 tuổi vào nhà trẻ có thể coi là khó khăn và cạnh tranh nhất. Từ 2 tuổi trở lên thì thường dễ xin được vào hơn. Từ 3 tuổi thì ngoài hoikuen, các con còn có thể xin vào yochien với điều kiện đăng ký dễ dàng hơn nên các bố mẹ có nhiều lựa chọn hơn.
  • Thời gian ở trường: 8-11 tiếng (trung bình là 8 tiếng, thường từ 7h30 sáng đến 5, 6h chiều, có nhận trông ngoài giờ)
  • Học phí: Tuỳ nhà trẻ công hay tư mà học phí sẽ khác nhau (sẽ so sánh cụ thể ở phần sau). Học phí nhà trẻ công hoặc nhà trẻ tư được nhà nước công nhận và hỗ trợ có mức trung bình là 2 – 3 vạn yên/ tháng (dao động từ 0 đến 7 vạn yên). Nhà trẻ tư không được nhà nước công nhận có thể mất từ 5 – 9 vạn yên/ tháng. Trẻ càng nhỏ thì học phí càng cao.

② Các loại hoikuen

Các mẹ Việt hay phân biệt hoikuen bằng cách gọi là trường công và trường tư, và thường mặc định là trường công thì học phí rẻ còn trường tư thì học phí đắt. Tuy nhiên thực chất không hẳn là như vậy. Hoikuen ở Nhật được chia làm các loại sau:

Ninka hoikuen (認可保育園)

認可 (ninka) có nghĩa là “công nhận” và “cho phép”. Ninka hoikuen là những trường đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhà nước về diện tích trường và phòng học, số lượng giáo viên, trang thiết bị nhà bếp, có vườn và sân rộng hay không, cách xử lý khi có thiên tai,  sự bảo đảm an toàn cho trẻ v.v, được nhà nước công nhận và được các quận/ tỉnh/ thành phố cho phép hoạt động. Đây chính là loại “trường công” mà mọi người hay nhắc đến.

Trong ninka hoikuen thì gồm có 2 loại là trường công (公立保育園: kouritsu hoikuen) và trường tư (私立保育園: shiritsu hoikuen). Trường công do nhà nước (quận/ tỉnh/ thành phố) quản lý, giáo viên ở trường công là nhân viên nhà nước. Các trường công vì thế đều giống nhau ở chương trình, phương châm và mục đích giáo dục. Trường tư là do tư nhân (có thể là pháp nhân, trường học, các tổ chức phi lợi nhuận (NPO) v.v) quản lý. Mỗi trường có phương châm và chương trình giáo dục cũng như đặc điểm nổi bật khác nhau, ví dụ có trường chú trọng giáo dục thể chất, có trường mạnh về giáo dục tiếng Anh, có trường cho phép gửi ngoài giờ nhiều hơn v.v.

Như vậy, trường ninka không phải chỉ là “trường công” như nhiều người vẫn hiểu lầm. Dù là trường công hay trường tư nhưng đã được “ninka” thì thủ tục đăng ký cũng như học phí đều như nhau, không có sự phân biệt (đăng ký trên ku hoặc shi, học phí tính thuế mà bố mẹ phải đóng dựa trên tổng thu nhập của bố mẹ)

Ninkagai/ Muninkia hoikuen (認可外・無認可保育園)

Đây là loại trường ngược lại với trường ninka, tức là không được nhà nước công nhận về mặt tiêu chuẩn, do tư nhân quản lý. Nghe có vẻ rất chi là nguy hiểm nhỉ? Sao không đủ tiêu chuẩn mà vẫn được hoạt động? Cái này mình cũng rất thắc mắc, nhưng đọc 1 số thông tin thấy giải thích là có những trường chỉ cần không đáp ứng 1 tiêu chuẩn của nhà nước thôi cũng trở thành trường ninkagai (ví dụ diện tích ít hơn tiêu chuẩn 1 chút, trường không có vườn và sân, thiếu giáo viên, hoặc chương trình giáo dục không theo khung chuẩn mà kiểu “tự do” hơn v.v). Có nhiều trường cũng rất tốt, chỉ là chưa đủ điều kiện thành ninka thôi. Đây chính là loại trường mà mọi người hay gọi là “trường tư”.

Những trường ninkagai được mở ra để phục vụ cho các gia đình mà không đủ tiêu chuẩn để học trường ninka (ví dụ mẹ không đi làm hoặc làm thiếu giờ), hoặc cung cấp những dịch vụ mà trường ninka không có như trông ngoài giờ đến tận 8, 9h tối chẳng hạn, hay các gia đình đang trong thời gian chờ đợi được xét duyệt lại vào ninka. Những trường này đăng ký trực tiếp luôn với trường, điều kiện dễ dàng hơn cứ còn chỗ trống là vào, nhưng học phí thì cao hơn hẳn và do trường quy định, có sự khác nhau giữa các trường (từ 5 – 9 vạn yen/tháng). Một số trường ninkagai được quận hay thành phố hỗ trợ thì chất lượng cũng tốt hơn và học phí rẻ hơn, ví dụ như loại trường ninsho hoikuen (認証保育園) ở Tokyo. Có nhiều trường ninsho hoạt động 1 thời gian thì được thành trường ninka.

=> Như vậy sự khác biệt lớn nhất là ở 2 loại trường ninka hoikuen và ninkagai hoikuen, chứ không phải là trường công và trường tư như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Giờ mọi người đã hiểu hơn về khái niệm trường công trường tư chưa? Phần 2 sẽ là thủ tục đăng ký vào hoikuen nhé.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới