Chọn kem chống nắng phù hợp tại Nhật

http://kenkoukazoku.info/

Kem chống nắng là một sản phẩm rất cần thiết để bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia tử ngoại. Tia tử ngoại chính là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về da như sạm, xỉn màu, nám, tàn nhang, lão hóa và mẩn đỏ. Nhưng kem chống nắng thường bị xem nhẹ ở Việt Nam vì những lí do như: không quen bôi, kem chống nắng làm da dính và nhờn, bịt khẩu trang và che chắn là đủ rồi v.v trong khi ở Việt Nam chúng ta phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và tia tử ngoại với tần suất nhiều hơn ở Nhật. Rất nhiều người tìm kiếm các sản phẩm dưỡng da “thần thánh” với hy vọng phục hồi làn da bị nám, sạm, tàn nhang nhưng lại quên một điều rất quan trọng là phải bôi kem chống nắng hàng ngày khi ra đường để ngăn ngừa những dấu hiệu trên trước khi nó kịp xuất hiện trên da của bạn.



① Tác hại của tia tử ngoại

Tia tử ngoại còn được gọi là tia UV (ultraviolet rays). Có 2 loại tia tử ngoại gây ảnh hưởng trực tiếp lên da là tia UV-A và tia UV-B. Tia UV-A có thể xâm nhập vào trong da khiến da lão hóa nhanh. Tiếp xúc thời gian dài với tia UV-A sẽ khiến da xuất hiện nếp nhăn và mất đi độ đàn hồi. Tia UV-B là nguyên nhân gây ra chứng mẩn đỏ, bỏng rát trên da. Khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, sắc tố melanin tăng lên, gây ra những nốt đỏ hoặc sạm đen trên da. Nó cũng làm giảm độ ẩm của da, khiến da trở nên thô ráp và nhăn nheo.

Tia UV-A làm cho da đậm màu hơn ngay sau khi tiếp xúc với ánh mặt trời, còn tia UV-B khiến da chuyển sang màu đỏ, và chuyển đậm màu hơn sau vài ngày. Thông thường, da sẽ đỏ lên sau 8 đến 24 giờ tiếp xúc với mặt trời và dần đậm màu hơn sau đó.

Dù trời nắng hay râm, thậm chí cả khi mưa, tia UV vẫn hoạt động nên chúng ta cần bôi kem chống nắng tất cả các mùa trong năm. Tuy nhiên, tia UV hoạt động mạnh hơn kể từ tháng 3, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, vì vậy chúng ta nên chú ý bảo vệ da cẩn thận hơn trong thời gian này mỗi khi ra ngoài.

② Cách chọn và bôi kem chống nắng

Chỉ số SPF và PA là gì?

Trên kem chống nắng có hiển thị chỉ số SPF và PA. SPF là viết tắt của “Sun Protection Factor” (chỉ số bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời). Chỉ số SPF cho biết hiệu quả và mức độ bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV-B so với khi không bôi kem chống nắng. Ví dụ, SPF 25 nghĩa là kem chống nắng có khả năng bảo vệ da khỏi tia UV-B hiệu quả gấp 25 lần so với khi không bôi gì lên da.

PA là viết tắt của “Protection Grade of UV-A” (mức độ bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV-A). PA+, PA++ và PA+++ biểu thị mức độ tăng dần về hiệu quả bảo vệ da trước tia UV-A. Thông thường chỉ số SPF càng cao thì chỉ số PA càng cao.

Chỉ số SPF cao không có nghĩa là nó tốt hơn cho da của chúng ta. Chúng ta cần lựa chọn chỉ số SPF thích hợp với từng môi trường hoạt động. Ví dụ nếu bạn chỉ đi mua sắm hay đi dạo xung quanh nơi ở, làm những hoạt động hàng ngày thì chỉ cần chọn kem chống nắng có SPF 10. Với hoạt động thể thao hay giải trí ngoài trời nhẹ nhàng thì có thể chọn SPF 10-25. Nếu bạn phải tiếp xúc nhiều và lâu hơn với ánh nắng mặt trời thì nên chọn SPF 30 trở lên. Xem chi tiết trong sơ đồ dưới đây:

http://www.kao.com/
http://www.kao.com/

Bôi kem chống nắng thế nào là hiệu quả?

Kem chống nắng là bước cuối cùng trong lộ trình chăm sóc da buổi sáng, sau khi bạn đã dưỡng ẩm da đầy đủ. (Xem lại: Chăm sóc da kiểu Nhật). Khi bôi kem chống nắng nên bôi làm 2 lần, mỗi lần 1 lượng nhỏ để tránh việc kem không phân bố đều trên da.

Nên bôi kem chống nắng lại sau 2 – 3 giờ để đạt hiệu quả bảo vệ da tốt nhất. Dùng khăn ẩm hoặc giấy lau mặt để lau sạch bụi bẩn và mồ hôi trước khi bôi kem chống nắng lên da.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới