Điều gì xảy ra khi Nhật tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Thủ tướng Abe đã quyết định sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp dựa trên luật đặc biệt về đối phó với dịch corona vào ngày mai 7/4. Tuyên bố sẽ được áp dụng với 7 tỉnh thành bao gồm Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka trong khoảng 1 tháng. Vậy điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp thủ tướng tuyên bố tình trạng khẩn cấp? Có hoạt động nào bị “cấm”, “hạn chế”? Khi không tuân thủ có phải chịu hình phạt nào không? Cuộc sống của chúng ta bị ảnh hưởng như thế nào? Các bạn hãy cùng BiKae tìm hiểu nhé.

Sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp thì mọi người có bị cấm ra ngoài không? ? Hình phạt nếu không tuân thủ là gì? 

Luật đặc biệt về đối phó với dịch corona (luật đặc biệt) không quy định việc “cưỡng chế” cấm mọi người ra ngoài. Người dân sẽ được “yêu cầu hạn chế ra ngoài” trong trường hợp không cần thiết. Những hoạt động cần thiết như mua sắm thực phẩm, đồ thiết yếu, đi khám bệnh, đi làm thì không thuộc đối tượng hạn chế.

Người không tuân thủ cũng không bị phạt như ở các nước Pháp, Ý hay Anh. Nhưng người dân có “nghĩa vụ phải hợp tác.”

Bộ y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản kêu gọi mọi người triệt để tránh những nơi hội tụ 3 yếu tố: không thoáng khí, tập trung đông người và nói chuyện ở cự li gần.

Tại Tokyo vào ngày 28, 29/3 có yêu cầu hạn chế ra ngoài. Việc “hạn chế ra ngoài” ở thời điểm đó so với việc “hạn chế ra ngoài” trong trường hợp tuyên bố tình trạng khẩn cấp có gì khác nhau?

Trường hợp nào cũng chỉ là “yêu cầu” hạn chế ra ngoài, không có sự khác biệt. Việc yêu cầu hạn chế ra ngoài đợt trước ở Tokyo chỉ áp dụng trong Tokyo và không dựa trên luật pháp nào cả. Nhưng trong trường hợp tuyên bố tình trạng khẩn cấp, việc “yêu cầu” hạn chế ra ngoài là dựa trên luật pháp. Nếu không tuân thủ, người dân sẽ cảm thấy “tội lỗi” mà thay đổi nhận thức của mình. Vì là lời tuyên bố của chính phủ nên có sức nặng hơn, người dân có “nghĩa vụ phải hợp tác.”

Việc đóng cửa trường học và tổ chức sự kiện thì sẽ thế nào?

Các thống đốc địa phương sẽ yêu cầu các trường học bao gồm cấp 1, cấp 2 và cấp 3 và các trường mầm non, nhà trẻ, cơ sở phúc lợi xã hội hạn chế hoạt động. Các sự kiện sẽ được yêu cầu hạn chế tổ chức.

Các hàng quán/ cửa hàng có buộc phải đóng cửa không? 

Thống đốc có thể yêu cầu dừng hoặc hạn chế hoạt động đối với những nơi được nhiều người sử dụng. Những nơi “được nhiều người sử dụng” bao gồm: nhà hát, rạp chiếu phim, sân khấu, triển lãm, trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà trọ, câu lạc bộ thể thao, bảo tàng, thư viện, hộp đêm, quán nhậu, sàn nhảy, trường học lái xe, trường học thêm v.v. Những nơi có quy mô nhỏ nhưng nếu đánh giá thấy việc tạm ngừng hoạt động là cần thiết thì cũng là đối tượng “hạn chế”.

Trong trường hợp các nơi kể trên không tuân thủ “yêu cầu”, thống đốc địa phương sẽ ra “chỉ thị” và công bố tên toà nhà/ cửa hàng/ trường học v.v trên trang chủ. Mặc dù chỉ thị không đưa ra hình phạt, nhưng nó được hiểu là “công quyền” và do đó mang tính bắt buộc. Mục đích của việc công bố này không phải là để phạt, mà là để thông báo cho người dân biết những nơi tạm ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, trong siêu thị, những khu bán đồ thiết yếu trong cuộc sống như thực phẩm, thuốc men, dụng cụ vệ sinh, nhiên liệu v.v sẽ vẫn hoạt động bình thường.

Việc tích trữ thực phẩm, hàng thiết yếu: Ngay cả khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, các siêu thị và các cửa hàng bán đồ thiết yếu vẫn hoạt động bình thường nên chính phủ kêu gọi người dân mua sắm bình tĩnh, không tích trữ, tranh giành hàng hoá, thực phẩm.

Các doanh nghiệp tư nhân có phải ngừng hoạt động không?

Trong luật không có điều khoản nào quy định các doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động, chỉ có điều luật “yêu cầu hạn chế ra ngoài.” Vì lý do này, có thể có doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do nhân viên không thể đến công ty. Tuy nhiên, nếu nhân viên làm telework thì không vấn đề gì.

Trong trường hợp các doanh nghiệp phải dừng hoạt động, các sự kiện bị huỷ thì tổn thất có được bồi thường không?

Theo luật đặc biệt thì không đề cập đến vấn đề này vì trước hết thì luật cũng không thể bắt buộc cửa hàng phải đóng hay sự kiện phải huỷ.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã yêu cầu được bồi thường vì nếu không có tiền bồi thường thì doanh nghiệp sẽ không dám nghỉ vì “nghỉ là chết”. Theo quan điểm của chính phủ thì khó có thể bồi thường trực tiếp cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong các biện pháp kinh tế mới được bổ sung của chính phủ có đề cập đến việc cân nhắc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người kinh doanh nhỏ lẻ trong trường hợp lợi nhuận bị tổn thất lớn. 

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới