Cách ứng phó khi động đất xảy ra

Khi sống ở Nhật thì các bạn cần nhận thức được là động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu. Vì vậy việc ứng phó khi có động đất là những thông tin và kiến thức rất quan trọng mà bất cứ ai đang sống ở Nhật cũng cần phải biết. Trong bài viết này, BiKae sẽ tóm tắt lại các cách ứng phó khi có động đất xảy ra. Các bạn sắp đến hoặc mới đến Nhật lưu và memo lại đề phòng khi cần thiết nha.

① Những điều cần chú ý khi có động đất

  • Khi động đất xảy ra lúc đang ở nhà:
    • Cẩn thận với những đồ có thể rơi từ trên xuống
    • Chui xuống gầm bàn, nắm chắc chân bàn hoặc chui xuống gầm giường nếu đang ngủ trên giường
    • Nếu đang ở trong toilet hoặc nhà tắm thì xác định ngay cửa ra, và ở trong đợi đến khi hết rung mới ra ngoài (cẩn thận với gương hoặc giá treo đồ trên cao)
    • Khi đang ở trên tàu/ xe buýt thì nắm chắc thành ghế, không tự ý vội vã chạy ra khỏi tàu hoặc xe, làm theo hướng dẫn của nhân viên nhà ga/ xe buýt
    • Khi di chuyển thì dùng gối, mũ bảo hiểm v.v để bảo vệ đầu
    • Khi hết rung lắc thì tắt ngay gas và các loại lò để phòng hoả hoạn
    • Khi đỡ rung lắc thì xác định ngay cửa có thể thoát hiểm (không vội vã chạy ngay ra cửa khi có động đất mà phải chui vào nơi an toàn trước, xem xét tình hình và đợi đến khi đỡ rung lắc)
  • Nếu đang ở nơi làm việc thì làm theo hướng dẫn của toà nhà, chui xuống gầm bàn và dùng cặp che đầu, không vội vã chạy ra cửa hay cầu thang, không dùng thang máy
  • Nếu đang ở trong thang máy thì xuống tại tầng gần nhất có thể, chạy ra khỏi thang máy
  • Nếu đang ở ngoài đường thì dùng ngay túi/ cặp che đầu, tránh xa tường, các toà nhà cao, cây, cột điện v.v những thứ có thể đổ sập xuống
  • Cập nhật về tình hình động đất trên tivi hoặc radio
  • Bình tĩnh di chuyển đến nơi lánh nạn

② Những đồ cần mang theo khi đi lánh nạn

Đây là những đồ cần chuẩn bị trước khi có động đất và để sẵn ở trong nhà. Khi cần phải đi lánh nạn thì chỉ việc mang theo.

  • Đèn pin (kèm pin dự phòng)
  • Diêm, bật lửa, nến
  • Còi (để báo động khi cần trơ giúp hay cấp cứu)
  • Dao, đồ mở hộp
  • Radio cầm tay (kèm pin dự phòng)
  • Nước uống
  • Đồ ăn sẵn (mì cốc, đồ hộp, bánh quy, socola, v.v)
  • Tiền mặt, con dấu
  • Các giấy tờ quan trọng (thẻ cư trú, hộ chiếu, sổ ngân hàng, thẻ bảo hiểm y tế
  • Bộ sơ cứu y tế (băng vết thương, gạc, thuốc v.v)
  • Mũ bảo hiểm/ Mũ bảo vệ đầu (防災ずきん: bousai zukin)
  • Khẩu trang
  • Găng tay lao động, áo mưa, ô gấp
  • Quần áo, tất, chăn mỏng, khăn tắm (chú ý quần áo dễ mặc, dễ cử động, đủ ấm)
  • Điện thoại di động và sạc điện thoại
  • Túi chườm nóng kairo
  • Giấy ướt, giấy vệ sinh, đồ vệ sinh cá nhân
  • Sữa bột, bỉm, bình sữa (đối với nhà có em bé)

Xem check list những đồ cần chuẩn bị tại đây.

③  Những việc cần chuẩn bị trước khi có động đất

  • Chuẩn bị sẵn đồ ăn nước uống trong 3 ngày cho tất cả mọi người trong nhà
  • Sắp xếp đồ đạc trong nhà sao cho không có khả năng bị đổ, rơi
  • Thống nhất trước với các thành viên trong gia đình cách liên lạc với nhau khi có động đất xảy ra
  • Kiểm tra và xác định trước nơi lánh nạn

Xem thêm thông tin hướng dẫn chi tiết về việc ứng phó với động đất của chính phủ Nhật tại đây.

Hy vọng là với những thông tin này, các bạn có thể chuẩn bị và bình tĩnh ứng phó khi có động đất, bảo đảm an toàn cho bản thân nhé.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới