Làm sao để thích nghi nhanh với cuộc sống ở Nhật?

bp.blogspot.com

Có lẽ nhiều bạn cũng giống như mình, khi mới sang Nhật, sau những háo hức, mong đợi, hứng thú ban đầu thì sẽ là những ngày khó khăn để thích nghi với một môi trường mới, một môi trường có nhiều sự khác biệt với Việt Nam. Là một người sang Nhật khi chưa biết tiếng Nhật, trải qua một thời gian khá là dài mới thích nghi được với cuộc sống ở Nhật, mình đã tự rút ra một số bài học, hay đúng hơn là một số kinh nghiệm của bản thân và muốn chia sẻ với các bạn trong bài này.



Bài học 1Tiếng Nhật có thể là rào cản, nhưng không nên là cái cớ cho sự lười biếng và ỷ lại

Không biết tiếng Nhật nên làm cái gì cũng lo lắng, mắc bệnh ngại và sợ đủ thứ. Không biết tiếng Nhật nên lúc nào cũng ngu ngơ như bò đội nón, luôn trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Đây chính là tình trạng của mình trong năm đầu tiên ở Nhật. Chính thái độ thu mình và sự bị động đã khiến tiếng Nhật của mình thì chẳng tiến bộ, mà cuộc sống ở Nhật cũng trở nên nhàm chán, lãng phí thời gian một cách vô ích. Sau này khi mình quyết tâm thay đổi, tự mình mò mẫm làm các thủ tục hành chính, tự đi chuyển khoản ngân hàng, gọi điện đặt lịch khám, tự cho phép mình làm sai, mắc lỗi và trở nên ngu ngốc vài lần, thì mình đã cảm thấy mình hòa nhập được tốt hơn với cuộc sống ở Nhật. Tiếng Nhật tuy cũng không phải giỏi lên nhiều, nhưng ít ra mình đã vận dụng được nó trong cuộc sống.

Vì vậy, nếu các bạn cho rằng vì mình còn kém tiếng Nhật nên không dám làm cái này hay cái khác, cứ thu mình và ỷ lại vào người khác, thì chắc chắn mọi việc sẽ không những không thay đổi mà còn tồi tệ hơn đấy. Hãy mạnh dạn chấp nhận mắc lỗi vài lần, trở nên ngu ngốc vài lần và từ đó học được thêm nhiều thứ thì bạn sẽ thấy cuộc sống ở Nhật dễ chịu hơn. Chẳng ai có thể giỏi hay biết gì đó ngay từ đầu mà không thử hay trải qua điều đó cả, chỉ có người lười biếng là mãi vẫn chẳng biết gì.

Bài học 2: Gấp sách vở lại và bước ra ngoài quan sát xung quanh

Nếu bạn chỉ hàng ngày cắp sách đến trường và về nhà cắm đầu vào học, viết kanji và flashcards từ vựng treo kín tường nhưng vẫn không biết đi tàu thế nào, mua thuốc, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày hay mỹ phẩm ở đâu, ở siêu thị người ta bán những gì, thì hãy nhanh chóng thay đổi đi nhé. Hãy học cả trong cuộc sống nữa chứ đừng chỉ chúi mũi vào sách vở. Tất nhiên bạn chăm chỉ học hành là tốt, nhưng học là để sử dụng được, chứ không phải để khoe kiến thức, để đạt điểm cao hay để lấy bằng. Học trong cuộc sống cũng là cách khiến cho việc học tiếng Nhật bớt nhàm chán hơn.

bp.blogspot.com
bp.blogspot.com

Có bạn từng inbox khoe với mình bạn ấy đỗ N3 vì học trên trang của mình. Mình vừa mới kịp chúc mừng và vui thay cho bạn ý thì vài ngày sau bạn ý lại gửi cho mình 2 cái ảnh dầu gội và dầu xả và hỏi nó là cái gì. Mình nói với bạn đó là bạn học đến N3 rồi mà không phân biệt được dầu gội với dầu xả ư? Bạn ý cười hì hì nói rằng, vì nghĩ mình biết nên hỏi luôn cho tiện. Mình chưa nói đến việc bạn ý lười tra cứu, nhưng kiến thức cơ bản trong cuộc sống như vậy thì đáng ra phải nên nắm được từ trước khi thi các loại N mới đúng chứ.

Khi mình mới sang Nhật, mình cũng sợ đủ thứ vì kém tiếng Nhật nhưng mình học thì ít mà lượn thì nhiều. Đi ra ga vài lần là mình phải cố thuộc ngay toàn bộ tên các ga trên cùng tuyến đường mình đi hàng ngày. Dọn đến nơi ở mới một hai ngày là mình phải mò đi xem ngay có mấy cái siêu thị, mấy cái drug store, giá cả thế nào, bán và không bán gì, có bán đồ Việt hay đồ Á không v.v. Ra siêu thị có cái gì nhìn lạ lạ là phải chụp ảnh rồi về mò và tra ngay xem nó là cái gì… Cho nên dù mình chả biết nhiều kanji hay chẳng học tí âm Hán Việt nào nhưng vẫn đọc được những gì gần gũi với cuộc sống hàng ngày của mình. Điều đó giúp mình sống vui vẻ và thoải mái hơn.

Bởi vậy, khi rảnh rỗi, bạn hãy nhấc mình ra khỏi nhà, leo lên xe đạp và đi ngó nghiêng những gì diễn ra xung quanh mình, thấy cái gì lạ lạ không biết thì ghé vào xem, nhìn người khác làm và học theo. Đó chính là cách học nhanh và giúp thích nghi với cuộc sống ở Nhật tốt nhất đấy.

Bài học 3: Chịu khó đọc, tự tìm hiểu và tra cứu

Một nhược điểm mà mình nhận thấy nhiều bạn trẻ mắc phải đó là rất lười đọc và ngại tự tìm hiểu hay tra cứu. Không cần lấy ví dụ ở đâu xa, mỗi khi mình có bài mới đăng lên blog, là thế nào cũng có 1 vài bình luận hỏi về những điều mà mình thực sự đã viết rõ trong bài. Nói thật là mình rất ngán trả lời những câu hỏi kiểu vậy vì cảm giác bạn đó không muốn đọc hay tìm hiểu gì mà chỉ muốn có luôn câu trả lời ngắn gọn và trực tiếp.  Mà đọc tiếng Việt còn như vậy, thì sao đủ kiên nhẫn đọc tiếng Nhật đây?

Hay có những bạn chụp 1 cái biển hiệu rồi hỏi cái này nói cái gì? Nếu bạn là người đang học tiếng Nhật, tại sao bạn không tự mang từ điển ra và tra mấy chữ kanji trên đó. Có thể bạn không hiểu hết toàn bộ, nhưng ít nhất sau khi tra, bạn sẽ hình dung được khái quát nó nói về cái gì. Lần sau gặp chỗ nào có chữ tương tự, bạn sẽ dễ dàng nhớ ra hơn thay vì lần nào cũng chụp lại và đi hỏi.

Nếu có gì đó không biết, trước tiên bạn nên tự mình tìm hiểu và tra cứu. Tìm thấy thông tin rồi thì hãy chịu khó đọc từ đầu đến cuối thay vì đọc lướt qua. Bằng cách này, bạn sẽ chủ động hơn và hiểu biết nhiều hơn là chỉ dựa vào lời người khác nói.

Bài học 4: Không ngại trải nghiệm cái mới

Một điểm cuối cùng mình muốn nhấn mạnh đó là bạn hãy mạnh dạn trải nghiệm cái mới. Ở Nhật có nhiều thứ khác và hiện đại hơn Việt Nam rất đáng để thử và học hỏi. Nếu bạn sang Nhật mà chỉ thu mình trong cộng đồng người Việt, chỉ dùng những dịch vụ liên quan đến tiếng Việt thì bạn đang lãng phí thời gian và cơ hội của mình đấy.

Mình biết có bạn sang Nhật được 2 năm nhưng không biết dùng máy bán nước tự động, có bạn sang Nhật làm hơn 1 năm vẫn không biết chuyển khoản ngân hàng, có bạn sang Nhật vài năm nhưng không bao giờ bước chân ra khỏi khu vực quanh nhà, không biết những nơi có cảnh đẹp nổi tiếng gần thành phố mình sống, không biết đường tàu nào ngoài đường tàu đi học, đi làm hàng ngày v.v. Nhiều bạn than thở rằng muốn luyện kaiwa nhưng cứ mở miệng ra là chẳng biết nói gì. Nếu bạn không có trải nghiệm gì, không biết về những gì diễn ra xung quanh thì lấy chủ đề gì để nói chuyện đây? Nếu bạn đang như vậy thì hãy thay đổi nhé.

Hãy tích cực tham gia những hoạt động ngoài cộng đồng người Việt, kiếm thêm những người bạn Nhật hay bạn nước ngoài từ các lớp học tiếng Nhật tình nguyện, hãy tìm những quán ăn, chỗ vui chơi gần nhà và đến thử, hãy xách ba lô lên và khám phá những nơi bạn chưa đến, hãy thử 1 lần sử dụng loại máy mà bạn chưa biết dùng v.v. Những trải nghiệm này sẽ trở thành kiến thức của bạn. Đi nhiều, thử nhiều, bạn sẽ có nhiều thông tin, vốn hiểu biết phong phú hơn, có nhiều thứ để chia sẻ, để kể với mọi người. Có như vậy thì bạn sẽ nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở Nhật thôi.

Mình làm blog bikae này, các bạn thấy mình chia sẻ đủ thứ thì có thể nghĩ là chắc mình giỏi tiếng Nhật lắm mới được như vậy. Nhưng thực ra tiếng Nhật của mình rất bình thường, mình không học bài bản mà học trong cuộc sống là chính. Tiếng Nhật mình vẫn dùng sai nhiều và giao tiếp cũng không phải là trôi chảy, chỉ ở mức độ đủ dùng. Nhưng vì mình thích khám phá và thử nghiệm nhiều thứ nên mới có được những thông tin đa dạng như đã chia sẻ với các bạn.

Vậy thôi, những bài học mình nêu ra cũng không có gì mới mẻ, nhưng bạn cứ thử áp dụng mà xem, nhất định sẽ thấy hiệu quả. Mình đã cảm thấy cuộc sống ở Nhật của mình dễ chịu hơn nhiều sau khi mình thay đổi suy nghĩ và hành động theo hướng này.

Còn trẻ, lại có cơ hội ra nước ngoài rồi thì hãy chủ động tận dụng thời gian quý giá này để học hỏi và trải nghiệm nhiều hơn. Khi trở về Việt Nam, cái mà bạn có được sẽ chẳng phải là vốn tiếng Nhật (vì những người không ở Nhật mà giỏi tiếng Nhật hơn bạn cũng rất nhiều), cũng chẳng phải là “cục tiền” mà bạn kiếm được (vì tiền nhiều mấy, không đầu tư hay làm gì thì tiêu rồi cũng hết), mà chính là những kinh nghiệm sống và hiểu biết thực tế về cuộc sống ở Nhật mà những người chưa từng đặt chân tới đây không thể có được đấy.

Dưới đây là một số bài mình đã viết về các dịch vụ rất cơ bản, cần thiết trong cuộc sống ở Nhật, có kèm cả từ vựng tiếng Nhật liên quan. Các bạn đọc và tự lưu lại khi cần nhé. Đây là những thông tin và kiến thức mà mình dành vài năm ở Nhật để mò mẫm mới biết được đấy, mình nghĩ là cực kì thiết thực cho những bạn mới sang Nhật. Các bạn tham khảo nhé.

  1. Những điều cần biết khi đi tàu ở Nhật
  2. Hướng dẫn tra tàu ở Nhật
  3. Những từ cần biết khi sử dụng ATM và ngân hàng tại Nhật
  4. Những từ cần biết khi thuê nhà ở Nhật
  5. Đi siêu thị ở Nhật
  6. Phân biệt các loại gia vị ở Nhật
  7. Tổng hợp một số siêu thị giá rẻ ở Nhật
  8. Cơm suất ở Nhật: ăn ở đâu ngon, bổ, rẻ

 

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới