2. Nếu nói tiếng Việt hoàn toàn với con và dạy con tiếng Việt, không dạy tiếng Nhật cho con thì liệu con có khó hoà nhập và theo kịp các bạn khi đi học?
Chị Hằng: Thật ra trẻ con sống ở môi trường nào thì ngôn ngữ đó muốn hay không cũng sẽ trở thành tiếng mẹ đẻ của nó. Nó sẽ học được một cách nhanh chóng, tự nhiên không mấy khó khăn. Cái cần nỗ lực dạy lại chính là thứ ngôn ngữ ít được tiếp xúc hơn, nên nếu muốn con nói được thứ tiếng của mẹ, đừng ngại ngần dạy con tiếng đó ngay từ đầu. Mẹ tự tin thoải mái nhất với ngôn ngữ của mình, nên mình cũng tin nói với con bằng tiếng Việt là tốt nhất.
Có một phát hiện mà mình muốn chia sẻ. Đó là, với ngôn ngữ khác thì mình không rõ, nhưng nếu ở Nhật thì nếu trẻ nói tiếng Việt trước khi nói tiếng Nhật, thì sẽ nói được tiếng Việt tốt, không bị lớ, ngọng, mà vẫn nói tiếng Nhật ổn. Lý do là bởi vì âm vần tiếng Nhật nghèo hơn âm vần tiếng Việt, tất cả các âm trong tiếng Nhật đều có trong tiếng Việt, nhưng rất nhiều âm trong tiếng Việt thì tiếng Nhật không có. Vì vậy, nếu phát âm được tiếng Việt thì sẽ vẫn phát âm tiếng Nhật chuẩn được, nhưng ngược lại thì không. Mình nhận ra điều này từ kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho người Nhật, và quan sát sự khác biệt giữa Bạn lớn và những đứa trẻ nói tiếng Nhật sớm hơn, nhiều hơn.
Để chuẩn bị cho việc đi học ở Nhật, thì mình vẫn đọc sách tiếng Nhật cho con nghe mỗi ngày. Con nghe để đấy thôi chứ không nói, mẹ cứ tưởng không biết tý tiếng Nhật nào. Vậy mà chỉ đi học 2 tuần là bạn nhỏ đã nói tiếng Nhật cả câu hoàn chỉnh rất tốt. Có lẽ đã tích dần qua những trang sách mẹ đọc. Đến nay các con đi học đều không có trở ngại gì về ngôn ngữ, môn tiếng Nhật ở trường học cũng không có khác biệt, tụt hậu so với các bạn.
Chị Hạnh: Cũng có nhiều người nói thế với mình lắm. Nhưng gia đình mình thống nhất, nếu con đã sống ở Nhật kiểu gì con cũng nói được tiếng Nhật còn tiếng Việt nếu không giữ sẽ mất nên luôn cố gắng giữ cho con. Mình đi họp phụ huynh cô giáo cũng hỏi: “Ở nhà nói tiếng gì? Cố gắng nói tiếng Nhật với con.” Nhưng mình cũng đã bảo cô là: Mình thực sự muốn giữ tiếng Việt cho con nên ở nhà mình sẽ không nói tiếng Nhật, nếu tiếng Nhật có gì con không hiểu mong cô giúp đỡ. Và thường là các cô sẽ vui vẻ thôi.
Chị Vân: Bởi vì gia đình mình bố mẹ thuần Việt nên điều lo lắng con thiếu hụt ngôn ngữ của nước sở tại mà ở đây là tiếng Nhật là có. Cách khắc phục của nhà mình là:
1) Hàng tuần dẫn con đi thư viện của quận để mượn sách tiếng Nhật theo độ tuổi về nhà đọc cùng con lúc còn bé, khi lớn thì còn tự đọc được.
2) Cho đi học thêm một số môn ngoại khoá để con tăng thêm từ vựng, kỹ năng giáo tiếp bằng tiếng Nhật.
3) Cho xem chương trình NHK for school để bé thấy hứng thú hơn.
3. Làm gì khi con nói tiếng Nhật nhiều hơn ở nhà sau khi đi học trường Nhật?
Chị Hằng: Mình luôn chú ý để không nói tiếng Nhật trong gia đình và không nói xen lẫn tiếng Việt với tiếng Nhật. Nếu nhà có hai con, thì kể từ khi đứa em cũng đi học, chúng sẽ có xu hướng nói tiếng Nhật với nhau. Nếu con không tìm được từ mà nói xen tiếng Nhật, mình thường dạy ngay cho con từ đó tiếng Việt nói thế nào, khuyến khích con nói lại. Cố gắng chú ý để không đáp lại con bằng tiếng Nhật. Thỉnh thoảng có thời gian thì bật tivi Việt Nam xem.
Chị Hạnh: Nhà mình cũng gặp tình huống này. Thường là những câu hỏi bé chưa gặp bao giờ bé sẽ hỏi bằng tiếng Nhật. Nhưng mình không áp lực con chuyện phải hoàn toàn nói tiếng Việt đâu. Mình không bao giờ hỏi con là: Tiếng Việt là gì? Hay con dịch ra tiếng Việt cho mẹ đi? Con nói tiếng Việt đi. Nhưng mình sẽ nhắc lại câu hỏi đó bằng tiếng Việt và trả lời bằng tiếng Việt. Một lần chưa nhớ thì hai ba lần bé sẽ nhớ. Chứ nếu cứ lần nào cũng bảo tiếng Việt là gì mình sợ bé sẽ áp lực đó. Một điều nữa là nhiều khi bé nói tiếng Nhật là do tâm lí sợ khác biệt nên mình đã chuẩn bị tâm lí cho con như chia sẻ ở phần trên.
Chị Diệp: Sau khi về Nhật sống mình rất bất ngờ về khả năng hấp thụ ngôn ngữ quá nhanh của con. Tiếng Nhật rất tốt và nhanh chóng hoà nhập. Mình rất lo lắng vì tiếng Nhật ngày càng chiếm ưu thế hơn tiếng Việt. Bằng mọi giá mình quyết tâm không bao giờ nói và trả lời con bằng 1 từ tiếng Nhật nào. Trong bất cứ hoàn cảnh nào mình cũng dùng tiếng Việt với con. Mình đã dùng biện pháp nói dối con là ” Mẹ không biết tiếng Nhật. Mẹ chỉ biết đọc và viết bảng chữ cái hoặc biết đọc thôi nhưng không hiểu nghĩa”. Mình thường xuyên tỏ ra là không hiểu tiếng Nhật và vờ hỏi con để con cố gắng giải thích bằng tiếng Việt cho mình. Từ đó con ý thức được việc chỉ có thể giao tiếp với mẹ bằng tiếng Việt. Từ lúc nào đó bộ não con chia làm 2 luồng ngôn ngữ. Cứ nói với ba thì dùng tiếng Nhật, với mẹ thì dùng tiếng Việt. Như một thói quen, tiếng Việt của con song hành cùng với tiếng Nhật. Cả hai tiếng đều là tiếng mẹ đẻ mà không có khoảng cách nào phân chia.
Chị Vân: Một thực tế nhận thấy là khi con đến độ tuổi đi học tiểu học, tiếp xúc nhiều hơn với tiếng Nhật thì có thể xảy ra khả năng nói tiếng Nhật nhiều hơn tiếng Việt vì nhanh hơn. Cách mà nhà mình áp dụng với cháu lớn trong nhiều năm qua là ở bữa cơm gia đình thường hỏi chuyện trường lớp và NỘI DUNG BÀI HỌC TRÊN TRƯỜNG. Con sẽ nói lại nội dung đó bằng tiếng Việt và khi con không biết diên đạt thì sẽ khéo léo hỏi chậm và hướng dẫn con nói sao cho tự nhiên, truyền tải được nội dung bài học.
Xem kỳ 2: Quá trình dạy nói – viết tiếng Việt và lời nhắn dành cho các gia đình Việt đang nuôi con ở Nhật.
Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.