Những quy tắc cần lưu ý khi cho con đi trẻ ở Nhật

http://kids.wanpug.com/illust/illust4029.png

Các mẹ Việt, đặc biệt là những mẹ tiếng Nhật còn chưa tốt, lần đầu chuẩn bị cho con đi trẻ ở Nhật (nhà trẻ ở Nhật gọi là 保育園 – hoikuen) chắc hẳn sẽ rất lúng túng với nhiều nguyên tắc. Những luật bất thành văn – hay còn gọi là manner ở mỗi vùng và mỗi hoikuen lại khác nhau. Ngay cả những bà mẹ Nhật cũng phải đau đầu để làm quen với chúng. Trong bài viết này, mình xin chia sẻ những quy tắc cần lưu ý khi cho con đi trẻ ở Nhật mà mình đã chú ý quan sát trong thời gian làm việc tại hoikuen. Hy vọng bài viết này sẽ giải toả phần nào thắc mắc của các mẹ, để con có thời gian chất lượng nhất ở nhà trẻ và bản thân mẹ hoà nhập với cộng đồng bỉm sữa tại Nhật dễ dàng hơn.



*** Lưu ý: Bài viết chỉ gói gọn trong phạm vi 認可 – 小規模 保育園 (Ninka – Shokibo Hoikuen) dành cho các bé từ 0-3 tuổi. Xem thêm về dạng nhà trẻ này trong bài viết “Nhà trẻ ở Nhật (1) – Những điều cần biết về hoikuen“.

① Chuẩn bị đồ cho con

1. Đồ để sẵn cho con tại nhà trẻ

Danh sách đồ mang tới nhà trẻ đã được ghi rõ trong ngày đầu nhập trường. Về cơ bản các trường không có nhiều khác biệt trong việc mang đồ này. (Tham khảo danh sách đồ cần chuẩn bị cho con đi nhà trẻ tại đây). Trong hạn mục bài viết này, mình chỉ xin tập trung giải đáp các thắc mắc thường xuyên phát sinh của các mẹ Việt khi lần đầu có con đi học ở Nhật.

Q1: 肌着  là gì? Nên mang 肌着 nào tới nhà trẻ?

A1: 肌着 (hadagi) có thể xem như áo lót. Tại Nhật dù đông hay hè, rất ít bé nào chỉ mặc áo mà không có 肌着. Mùa đông thì 肌着 dùng để giữ ấm, mùa hè 肌着 dùng để thấm mồ hôi. Tại Hoikuen thì 肌着 rất quan trọng nhất là với các bé dưới 3 tuổi. Thân nhiệt các bé rất cao. Vào mùa hè, nhất là khi ngủ trưa, các bé đổ mồ hôi rất nhiều. Có những trưa hè nóng các cô có thể để bé mặc mỗi 肌着.

Có rất nhiều loại 肌着, nhưng 肌着 được các cô giáo khuyên các mẹ nên chuẩn bị nhất là 肌着半袖 (hadagi hansode). Nhìn qua rất giống, nhưng lại khác với Tシャツ半袖, hay còn gọi là áo cộc tay của mình. Tuỳ độ dày mỏng, 肌着半袖 luôn luôn tiện lợi nhất. Mùa đông, 肌着半袖 dày một chút vừa đảm bảo giữ ấm bụng cho các bé, nhưng cũng không quá nóng bức, bởi bất cứ hoikuen nào đều sử dụng máy sưởi trong nhà. Mùa hè, 肌着半袖 loại mỏng vừa đủ thấm mồ hôi cho các bé khi vận động ngoài trời, nhưng cũng giữ cho bé không quá lạnh khi ngồi chơi trong nhà điều hoà.

Các set đồ lót được bán rất nhiều tại các siêu thị chuyên về đồ cho mẹ và bé. Các bạn có thể tham khảo thêm bài hướng dẫn mua đồ cho bé tại đây.

Q2: Nên chuẩn bị quần áo như thế nào cho con tới nhà trẻ?

A2: Tiêu chí hàng đầu cho việc chuẩn bị quần áo tới nhà trẻ là dễ thay – dễ giặt – dễ vứt.

Áo luôn chọn áo chui đầu, không cài cúc (nếu có chỉ 1, 2 cúc ở cổ áo thôi). Quần luôn là quần dài chun (dày mỏng tuỳ mùa). Lý do chính cho việc sử dụng quần dài phần lớn phục vụ cho việc … ngã. Rất khó tránh khỏi khi bé bò, đứng, chạy nhảy vui đùa với các bạn, bất kể trong nhà hay ngoài sân. Quần dài chí ít có thể bảo vệ chân bé không bị trầy xước. Giày thì hãy chọn giày để mềm, không dây, giày thể thao càng tốt.

Quần áo mang tới nhà trẻ hãy luôn xác định không sớm thì muộn chúng sẽ đổi màu. Chưa nói đến bùn đất ngoài sân, đặc biệt với những bé đang tuổi ăn dặm, việc áo của bé bị dây bẩn là chuyện quá đỗi bình thường. Vì vậy các mẹ hãy chủ động chọn quần áo với loại vải dễ giặt.

Không phải tự nhiên tại mỗi vùng đều tổ chức những phiên マママーケット(mama market) – nơi các mẹ mang đồ cũ của con tới để bán. Những bộ đồ tái sử dụng này thường có mặt tại hoikuen. Con ngày một lớn, mới mùa trước có thể dùng size 80 nhưng sang mùa sau có khi lại phải sắm size 90. Hơn nữa, nhà trẻ là nơi tiêu tốn lượng quần áo nhiều nhất. Với cường độ giặt liên tục như vậy, quần áo càng mới, càng xịn, thì chẳng chóng thì chày quần áo mới cũng nhanh chóng thành đồ cũ. Thay vì đầu tư quá nhiều tiền cho các bộ quần áo mới để mang tới trường thì hãy tận dụng đồ cũ.

Q3: Có nên mang đến cả 1 túi オムツ (bỉm) của con tới không?

A3: Tuỳ vào nhà trẻ sẽ có quy định được mang hay không, nhưng sẽ không có cô giáo nào nói với các mẹ rằng thực tế các cô đều ngại với việc phải lưu trữ 1 túi hơn 50 cái bỉm tại lớp. Dù trường có lớn đến mấy thì nơi để đồ cho các bé cũng có giới hạn. Thực tế hãy chỉ nên chuẩn bị từ 10-15 cái có ghi tên con trên từng cái một tới. Và mỗi ngày hãy mang tới tối thiểu 2-3 cái dự phòng.

2. Đồ mang tới nhà trẻ mỗi ngày

Nhiều mẹ (trong đó có cả mẹ Nhật) khá ỷ lại vào lượng quần áo đã mang tới trường nên thường xuyên không chuẩn bị gì thêm khi đưa con đi học, phải đến khi cô giáo nhắc nhở hết cái này cái kia, hôm sau mới mang tới thật nhiều.

Thực tế, đồ các mẹ mang tới lớp hoàn toàn chỉ mang tính chất phòng hờ, trong trường hợp bé phải thay nhiều đồ hơn dự tính. Mỗi ngày, mẹ nên chuẩn bị tối thiểu 1 set sau mang tới trường

  • 肌着 (áo lót): 2 cái
  • Tシャツ (áo phông): 2 cái
  • ズボン (quần):  2 cái
  • フェスタオル (khăn mặt): 2 cái
  • オムツ (bỉm): số lượng tuỳ thuộc vào độ tuổi của bé
  • 靴下 (tất chân): mỏng dày, dài ngắn tuỳ mùa

Trong những ngày nóng bức, trường cũng yêu cầu các mẹ mang 水筒 (suito – bình nước) tới mỗi ngày. Với bé dưới 3 tuổi, hãy lựa chọn các loại bình thiết kế nhỏ gọn, dễ cho bé cầm. Khi đi dã ngoại hoặc đơn giản chỉ là mang các bé ra sân chơi, một cái bình quá to, quá vướng sẽ khiến cả bé lẫn các cô vất vả. Hơn nữa, hầu như 1 ngày các bé chỉ sử dụng bình nước khoảng 1 hoặc 2 lần, còn lại giờ 昼食 (ăn trưa) và おやつ (ăn nhẹ) các bé đều được uống nước ở trường. Một cái bình với dung tích dưới 100ml là lý tưởng nhất để mang tới nhà trẻ.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới