Rất nhiều mẹ chuẩn bị sinh con ở Nhật băn khoăn liệu có thể tự chăm con sau khi sinh mà không có sự giúp đỡ của ông bà hay không. Để các bạn có thể hình dung về cuộc sống sau khi sinh con khi không có ông bà bên cạnh, BiKae xin chia sẻ câu chuyện từ chị T.Thanh, một bà mẹ 2 con hiện đang sống ở Nhật. Chị Thanh đã sinh bé thứ 2 ở Nhật và tự chăm sóc 2 con cũng như sắp xếp việc nhà ngay sau khi sinh trong khi chồng vẫn đi làm hàng ngày mà không có ông bà hỗ trợ. Hy vọng câu chuyện của chị Thanh sẽ giúp các mẹ sắp sinh có thêm thông tin hữu ích để chuẩn bị hành trang làm mẹ ở Nhật nhé.
① Quyết định không đón ông bà sang Nhật
Khi mang bầu bé thứ hai mình đã khá lo lắng về việc không có ông bà giúp đỡ trong giai đoạn sinh nở cũng như chăm sóc em bé sơ sinh. Nhưng có một số lý do khiến mình quyết định là sẽ cùng chồng tự tay chăm sóc các con. Chẳng hạn như là ông bà hai bên cũng có tuổi nên sức khoẻ cũng hạn chế. Sang bên này tiếng không biết, cách sống trong gia đình có thể không phù hợp, nếu ở một thời gian dài có thể dẫn đến sự mệt mỏi và bất tiện cho cả hai. Rồi là mình cũng muốn chăm bản thân và chăm con theo ý của mình. Việc bất đồng ý kiến trong quá trình chăm sóc em bé cũng có thể dẫn đến căng thẳng và stress cho cả vợ chồng mình và ông bà. Sau khi xác định trước tinh thần là không đón ông bà sang, mình đã tiến hành chuẩn bị cho việc sinh con.
② Chuẩn bị trước khi sinh
1. Tìm hiểu thông tin về việc sinh con ở Nhật
Bé đầu mình sinh ở Việt Nam, nên có thể yên tâm về kinh nghiệm sinh nở nhưng việc sinh tại Nhật thì mình hoàn toàn không có kinh nghiệm gì. Nhưng mình thấy rất dễ để tìm kiếm các thông tin đó trên mạng, các website, các group, diễn đàn cho các mẹ Việt tại Nhật, nếu có gì không biết cũng có thể hỏi đáp một cách rất nhanh chóng nên sau khi tìm hiểu thông tin thì mình đã yên tâm phần nào với quyết định không đón ông bà sang.
Các bài viết về chủ đề “Mang thai ở Nhật” và chủ đề “Mẹ và bé” trên BiKae đã chia sẻ các thông tin quan trọng và cần thiết nhất về quá trình mang thai, khám thai, chi phí khám thai và sinh con, cách chuẩn bị đồ dùng cho em bé, chăm sóc và làm đẹp cho mẹ, thủ tục giấy tờ cần làm sau sinh, tiêm chủng cho con v.v. Các thông tin hữu ích này sẽ giúp các bạn tự tin hơn để chuẩn bị sinh con và nuôi con ở Nhật.
2. Tìm người trông bé lớn khi mẹ đi sinh
Với những gia đình đã có con lớn như mình thì còn một vấn đề lo lắng là nhờ ai trông con khi mẹ đi sinh. Con gái lớn mình học mẫu giáo ở bên này nên nếu mình sinh ngày thường thì không phải lo lắng gì cả. Nhưng nếu mình sinh vào ban đêm hoặc ngày nghỉ thì mình không biết gửi con cho ai vì bên này không có người thân nào bên cạnh. Bởi vậy mình đã chủ động liên hệ trước với mẹ của một bạn khác ở trường để nhờ sự giúp đỡ nếu cần (đón về nhà, chăm nom 1 buổi tối chẳng hạn). Vợ chồng mình cũng có mối quan hệ khá tốt với đồng nghiệp nên cũng nghĩ đến phương án nhờ một ai đó trong trường hợp cần thiết.
Nhưng cuối cùng thì cũng may là mình chưa phải dùng đến các phương án dự phòng nói trên.
3. Tìm hiểu thông tin về các dịch vụ hỗ trợ sau sinh.
Một điều lo lắng nữa là ngay sau khi sinh mình chưa đủ sức khoẻ để bồng bế chăm bẵm cho em bé. Trong quá trình mang thai, khi đến quận để nhận sổ mẹ con, mình được nhân viên tiếp nhận hồ sơ, trao đổi tư vấn các thông tin liên quan, và được hỏi có gặp khó khăn gì không. Mình có trình bày lo lắng về việc không có người thân giúp đỡ. Lúc ấy mình đã được giới thiệu “Dịch vụ chăm sóc sau sinh (産後ケア事業)” hỗ trợ những gia đình giống nhà mình. Quận có liên kết với các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc quận đó và sẽ tiếp nhận các sản phụ nhập viện theo đơn vị ngày (tổng là 7 ngày) hoặc 1 tuần chỉ để được nghỉ ngơi và chăm sóc cho cả mẹ và con.
Có nghĩa là sau khi kết thúc 5 ngày sau sinh ở viện nơi đã sinh con, bạn có thể tiếp tục “nằm viện” tại một cơ sở khác thêm 1 tuần nữa. Đối với trường hợp nơi mình ở, quận sẽ đưa một danh sách các bệnh viện liên kết để mình chọn ra 3 nguyện vọng. Sau khi sinh mình gọi điện cho nhân viên phụ trách của quận thì nhân viên của quận sẽ liên lạc với 3 nguyện vọng mình đã chọn và mình sẽ được nhập viện nào đồng ý tiếp nhận. Chi phí thì rất là rẻ, chỉ 3000 yên/ ngày đối với quận của mình, được ở phòng riêng, cơm phục vụ tận nơi ngày 3 bữa, y tá kiểm tra và hỗ trợ tắm cho bé hàng ngày. Vậy là mình thở phào nhẹ nhõm vì chí ít cũng được chăm gần 2 tuần tại bệnh viện.
Các bạn hãy tìm kiếm từ khoá 産後ケア事業/ 産後支援サービス hoặc lên trực tiếp quận/ thành phố nơi mình sinh sống để hỏi về các dịch vụ hỗ trợ sau sinh nhé. Mình được biết là nhiều nơi có các dịch vụ hỗ trợ làm việc nhà, hỗ trợ đưa đón con lớn đi học, hỗ trợ chăm sóc mẹ và em bé sau sinh v.v. Các bạn hãy tìm hiểu sớm và đăng ký trước để khi cần hỗ trợ là có thể dùng được ngay.
③ Thời gian nằm viện
Mình sinh em bé khá thuận lợi, việc sinh con tại Nhật là một trải nghiệm rất tuyệt vời đối với mình, từ cơ sở vật chất của bệnh viện, cách thức vận hành, chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ v.v. Người nhà không được thăm nom sau 8h tối, nên sẽ không có cảnh các bà các mẹ vào thức đêm trông con trông cháu như ở Việt Nam, mà sẽ là sự hỗ trợ của các y tá. Đêm đầu tiên thì em bé sẽ ở phòng riêng với các bé sơ sinh khác để được các y tá chăm sóc. Cơm ăn phục vụ ngày 3 bữa đủ chất, chồng không phải mang cặp lồng đưa cơm hàng ngày. Lúc mình khoẻ có thể ở cùng với con, khi mệt muốn nghỉ ngơi thì các y tá sẽ chăm sóc con. Các bạn có thể đọc tham khảo bài viết “Kể chuyện sinh con ở Nhật” để biết rõ quá trình từ lúc đau đẻ đến sau khi sinh diễn ra như thế nào nhé.. Chồng mình vẫn đi làm, vẫn đưa bé lớn đi học bình thường, ngoại trừ những lúc ghé qua viện thăm 2 mẹ con hoặc đi làm giấy tờ cho con.
Sau khi ra viện thì mình được chuyển tiếp tới bệnh viện thứ hai, là nơi mình đã đăng ký dịch vụ hỗ trợ sau sinh trên quận. Vậy là thời gian mình nằm viện và được chăm sóc cả mẹ và con là 2 tuần và cả gia đình đỡ vất vả hơn nhiều.
Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.