Khi theo dõi các diễn đàn của người Việt ở Nhật, mình thấy một vấn đề mà nhiều bố mẹ lo lắng là con chậm nói và nhiều người băn khoăn không biết nên dạy con nói như thế nào. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc phát triển khả năng ngôn ngữ (cụ thể là tiếng Việt) cho con khi sống ở Nhật và những cách mình đã áp dụng để dạy con nói, giúp con biết nói sớm, nói sõi và hoạt ngôn nhé.
Có rất nhiều bài viết và tài liệu chia sẻ về vấn đề phát triển khả năng ngôn ngữ cho con khi sống ở nước ngoài nhưng thực sự là khi sắp có con, mình rất hoang mang. Có quá nhiều thông tin, phương pháp, công cụ để tham khảo nhưng vì quá nhiều nên thành ra không biết bắt đầu từ đâu, áp dụng cách nào là tốt. Rồi mình cứ vừa làm vừa điều chỉnh và tham khảo thêm kinh nghiệm những người đi trước. Cho đến khi mình đọc được cuốn sách “Einstein never used flashcards” (Anhxtanh chưa từng sử dụng thẻ flashcard) và thấy tâm đắc với những quan điểm của tác giả trong việc phát triển trí tuệ và khả năng ngôn ngữ cho con thì mình vững tin và nhất quán hơn với phương pháp của mình. Mình xin tổng kết lại một số cách mà mình đã áp dụng và thấy hiệu quả trong việc dạy con học nói và phát triển ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Việt.
① Nói chuyện thật nhiều với con
Cách đơn giản và cũng hiệu quả nhất trong việc dạy con nói chính là việc thường xuyên nói chuyện với con. Mình tin rằng việc bố mẹ trực tiếp nói chuyện nhiều với con có tác dụng tốt hơn so với việc dạy con nói qua thẻ, ipad, điện thoại v.v
Mình bắt đầu nói chuyện với con thường xuyên từ khi con mới sinh ra. Khi con còn bé và chưa phản ứng lại, thì gần như là mình tự nói chuyện một mình. Các bạn ở Nhật sẽ hiểu việc lúc nào cũng chỉ có 2 mẹ con ở nhà với nhau chứ không đông vui như ở Việt Nam, thì việc dạy nói cho con cũng khó hơn và đòi hỏi bố mẹ nỗ lực nhiều hơn.
Bất cứ khi làm việc gì đó, mình cũng nói to lên và miêu tả việc mình làm để cho con nghe thấy. Việc cứ nói liên tục một mình trong khi con chưa phản ứng gì dễ khiển bạn nhàm chán, nhưng thực ra những gì mình nói con đều nghe và thẩm thấu hết đấy. Đến một thời gian nào đó, con sẽ bật ra những từ và câu mà mẹ đã từng nói, nên các mẹ cứ kiên trì thực hiện nhé. Mình ví dụ một số chuyện mình nói khi chỉ có 2 mẹ con ở nhà.
(1) Khi đi tắm:
“Mẹ con mình đi tắm nào. Tắm trong chậu có bạn voi này. Voi ơi, N vào tắm cùng nhé. Cho nước vào chân này, tay này … Bây giờ thoa sữa tắm nhé, con thấy bọt bông hết lên này …“
“Tắm xong rồi, giờ mẹ con mình đổ nước trong chậu ra nhé. Nước đang chảy xuống cống rồi kìa” (Mình cứ nói câu này cho đến khi 1 tuổi rưỡi, con mình tự nhiên nói “Nước chảy xuống cống” trong khi tắm.)
(2) Khi ăn:
“N ơi, xem hôm nay có món gì nào? Khoai lang với bí đỏ này. Khoai thì màu vàng còn bí đỏ màu cam nhé. Để xem hôm nay N ăn được mấy thìa nào, có ăn hết sạch không nào…“
(3) Khi chơi đồ chơi
“N ơi nhìn này, cái xúc xắc này có nhiều hình không? Có cái nhà màu tím này, hình trái tim màu đỏ này, còn có cả ô tô màu xanh nữa. Sao nó lại đu đưa được thế nhỉ? Còn phát ra tiếng hay ghê …“
(4) Những lúc khác
“N ơi, bố về rồi kìa. N kể cho bố nghe hôm nay con làm gì nào? Con ăn ngoan này, đọc sách ông mặt trời này …” (Hồi con gần 2 tháng, lúc mình nói câu này là con quay đầu về phía cửa như đang hóng bố)
“Con nhìn tranh này, bạn gấu nâu đang làm gì thế nhỉ? Bạn ấy ăn nhiều nên khoẻ ghê? Ông mặt trời dễ thương không này? Ông mặt trời màu cam đang cười tươi chưa? …”
Cứ như thế, mình nói chuyện với con thường xuyên (mà thực ra gần như là nói một mình) về tất cả mọi thứ. Khi đi ra đường cũng vậy, mình chỉ cho con cái này cái kia, các loại xe cộ, hàng quán, con vật, những người đi trên đường, màu sắc của mọi vật. Khi đưa con đi siêu thị, mình chỉ tên các loại rau, đồ ăn, cho con sờ vào rau này, củ kia. Khi mới được 1, 2 tháng thì con phản ứng bằng cách nói “ư ư, à ư“, di chuyển đầu, mắt, mỉm cười. Khi được 6, 7 tháng thì con tự nói ra nhưng âm thanh to và dài hơn như “tatatata…“, “hây đi hây đi …“. Con mình nói tiếng đầu tiên là “bà” lúc 9 tháng 13 ngày. Sau đó thì cứ vài tuần con lại nói thêm được từ có ý nghĩa và cứ dần dần nói được từ, rồi câu dài hơn.
Mình vẫn nhớ khi đạp xe trên đường về nhà, hai mẹ con thường đi qua một quán mì. Cứ lần nào đi qua mình cũng chỉ: “N ơi, kia là quán mì đấy. Có nhiều đèn lồng xanh đỏ đẹp không?” Rồi chợt một hôm, hồi đó con mình gần 11 tháng, tự nhiên nói “Mì” khi đi qua đoạn đường đó. Hay khi về đến nhà, mình cũng thường nói “Về đến nhà rồi.”, thế là cũng thời điểm 10-11 tháng, cứ khi nào về đến nhà để xe là con lại nói “Nhà“. Cứ như thế, đến tầm 1 tuổi rưỡi con nói được tên của nhiều con vật, thuộc tên tất cả các loại xe cộ. Đến khi 1 tháng 10 ngày, con có thể nói những mẩu hội thoại đơn giản, có thể kể chuyện ở lớp bằng 1-2 câu cho mẹ nghe.
Việc nói chuyện với con về cuộc sống hàng ngày, về tất cả mọi vật và sự việc xung quanh mình vẫn duy trì hàng ngày cho tới giờ. Mình cũng thường dành vài phút trước khi đi ngủ để cùng con kể lại những việc con làm trong ngày, hai mẹ con cùng kể, những việc con chưa tự diễn đạt được thì mẹ nói, ngược lại khi mẹ kể sai thì con cũng phản ứng ngay và sửa cho mẹ. Dần dần, con tự nói nhiều hơn và đến giờ, khi con hơn 4 tuổi, thì con là người kể chuyện chính trong bữa cơm tối, và con rất hào hứng kể chuyện trường lớp.
*** Nói chuyện như thế nào?
Để con nhận biết từ ngữ và âm thanh được tốt, mình luôn cố gắng nói rõ ràng, mạch lạc từng từ. Nói giọng chuẩn, không nói ngọng hay điệu kiểu trẻ con. Khi nói cũng để ý nói câu cú hoàn thiện, chủ vị đầy đủ. Khi con nói sai, mình thường nhắc lại từ và câu đúng để con nghe (chứ không nhắc lại cái chỗ sai của con). Nhờ vậy, con mình nói sõi, các dấu ngã, hỏi, nặng đều chuẩn không bị ngọng chút nào.
Khi nói chuyện, mình cố gắng sử dụng từ ngữ phong phú, thêm những yếu tố giúp con có thể học được như số đếm, màu sắc, âm thanh. Ví dụ, khi chơi tàu với con, mình nói: “Ôi đoàn tàu này dài quá, có 10 toa, toa số 1 màu xanh này, số 2 màu đỏ này … Hai mẹ con cùng đếm xem nhé: 1, 2, 3 … À tàu sắp vào ga rồi, “tu tu xình xịch”...”
Ngoài nói chuyện thì lúc nhỏ mình cũng hay hát các bài hát thiếu nhi của Việt Nam cho con nghe: lúc đi tắm, trước khi đi ngủ, khi thay bỉm v.v. Mình để ý thấy khi mẹ hát, con thuộc và nhớ nhanh hơn là cho con nghe qua đài hay đĩa. Từ vựng con học qua bài hát cũng khá nhiều nữa.
Các bạn có thể xem video con mình kể chuyện một ngày ở lớp. Đây là lúc bạn ấy được 3 tuổi 1 tháng.
② Đọc sách cho con
Chắc mình cũng không cần phải nói nhiều về tác dụng của việc đọc sách cho con nữa. Mình thấy đọc sách là cách hiệu quả để tăng vốn từ vựng cho con vì trong sách có rất nhiều từ ngữ mà chỉ nói chuyện hàng ngày mình hầu như không sử dụng đến.
Mình bắt đầu đọc sách cho con từ lúc 1 tháng tuổi với cuốn truyện dành cho trẻ trước giờ đi ngủ. Mình chọn luôn cuốn truyện này vì có sẵn ở nhà, là những mẩu chuyện ngắn cho bé trước giờ đi ngủ. Mình nghĩ lời trong truyện cũng khá dài so với em bé mới sinh, nhưng do sách có hình ảnh dễ thương, màu sắc bắt mắt nên mình vẫn mở ra đọc, vừa đọc vừa chỉ vào hình ảnh cho con xem. Thật thú vị là con khá chăm chú nhìn vào tranh, và khi con gần 2 tháng tuổi, con đã biết mỉm cười khi giở tới trang sách có hình ông mặt trời màu cam.
Mình cứ tiếp tục như vậy với những cuốn sách dành cho trẻ con. Vừa đọc, vừa tự kể thêm, vừa chỉ vào tranh. Thực ra lúc đó mình cũng không chắc chắn về hiệu quả của việc đọc sách này khi con còn quá nhỏ, vì có những lúc con không tập trung gì hết, thậm chí còn gặm, xé sách, nhưng mình cứ kiên trì. Tầm 1 tuổi thì hầu như con không xé sách nữa, và bắt đầu hứng thú với việc ngồi vào lòng bố mẹ để nghe đọc sách. Ngoài đọc sách tại nhà, mình cũng dẫn con đi thư viện và hiệu sách cả ở Nhật và khi về Việt Nam. Nhờ đọc sách, con biết được thêm nhiều điều về cuộc sống, thế giới, vốn từ cũng phong phú hơn. Đặc biệt con có thể nói không ngừng về những chủ đề con thích như xe cộ, khủng long, máy móc, sinh vật biển. Mình đang hy vọng là nếu tiếp tục duy trì việc đọc sách, con có thể nói về các chủ đề khó hơn khi lớn lên, nhờ vậy con sẽ không quên và không ngại nói tiếng Việt.
③ Bắt đầu dạy con bằng ngôn ngữ mà mình tự tin nhất
Với mình thì tất nhiên là tiếng Việt, vì tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, mình có thể diễn đạt được nhiều điều một cách tự nhiên nhất. Mình tin là khi mẹ tự tin với ngôn ngữ của mình thì cũng có thể truyền đạt lại cho con một cách tích cực và hiệu quả hơn.
④ Không dùng lẫn lộn nhiều ngôn ngữ khi nói với con
Gia đình mình quán triệt ngôn ngữ chính trong gia đình là tiếng Việt. Cả hai bố mẹ đều nói tiếng Việt với con, và luôn cố gắng không nói xen tiếng Nhật hay tiếng Anh vào, cũng không nói kiểu 1 khái niệm mà giới thiệu 2, 3 thứ tiếng cùng 1 lúc. Ví dụ, khi dạy con nói “quả xoài” thì chỉ nói “quả xoài” thôi, không hề nhắc đến “mango” hay “マンゴ” gì hết.
Khi con đi học, biết nhiều tiếng Nhật hơn và về nhà nói xen vài từ hay câu tiếng Nhật, thì mình luôn nói lại với con cụm từ hoặc câu đó bằng tiếng Việt. Nói và nhắc lại rõ ràng để con nghe, nhưng không ép con phải nhắc lại ngay lúc đó. Có những lúc con tự sửa ngay, có những lúc con sửa sau vài lần nghe bố mẹ nhắc đi nhắc lại.
Về việc chỉ dùng 100% tiếng Việt mà không dạy hay nói với con 1 chút tiếng Nhật nào cũng đã từng khiến mình lo lắng về khả năng hoà nhập của con ở nhà trẻ. Tuy nhiên, nhờ nghe lời khuyên của các tiền bối và kiên trì với cách làm của mình, mình đã thấy kết quả khả quan. Con có thể nói tốt cả tiếng Việt và tiếng Nhật, không bị loạn ngôn và cũng không gặp phải vấn đề về giao tiếp nào ở trường. Mình nghĩ rằng nhiều bố mẹ cũng lo lắng điều này, thành ra khi nói với con nhiều khi lại giới thiệu cả 2 ngôn ngữ cũng một lúc. Nếu các bạn chỉ kiên trì 1 ngôn ngữ với con, thì con sẽ biết nói sớm hơn. Các bạn có thể tham khảo thêm bài “Giúp con hoà nhập tốt khi đi nhà trẻ ở Nhật“
Mình từng đọc được một thông tin (và cũng nghe tiền bối chia sẻ) rằng khi trẻ nắm vững và giỏi một ngôn ngữ nền tảng (ở đây là tiếng Việt), thì việc tiếp thu các ngôn ngữ khác sẽ dễ dàng hơn. Khi gặp một khái niệm trong ngôn ngữ mới, con có thể hình dung ra ngay vì con đã biết về khái niệm đó từ ngôn ngữ nền tảng rồi. Mình nghiệm thấy điều này rất đúng. Dù không dạy con tiếng Nhật và chỉ nói tiếng Việt ở nhà với con, nhưng khi đi học về, con có thể kể lại những điều cô dặn bằng tiếng Việt rất chính xác (dù ở lớp cô nói tiếng Nhật). Mình nghĩ nếu tiếng Việt của con càng phong phú, thì khả năng dịch tự nhiên này cũng sẽ phát triển tốt hơn. Gần đây, mình cho con xem thêm chương trình tivi bằng tiếng Việt (kênh VTV7) để trau dồi thêm vốn từ tiếng Việt cho con.
Về việc duy trì tiếng Việt cho con ở Nhật, các bạn có thể tham khảo bài: “Kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho con ở Nhật“.
⑤ Sự hợp tác của bố và mẹ
Hai vợ chồng mình đều thống nhất quan điểm giữ tiếng Việt cho con, nên cả hai cùng cố gắng dạy con tiếng Việt. Khi mẹ bận thì bố chơi và đọc sách cho con, lúc nào cũng chỉ nói tiếng Việt. Sự tham gia của bố rất quan trọng, vì bố có thể giúp con mở rộng kiến thức và từ ngữ về những chủ đề khác mà mẹ ít nói với con. Gần đây, con mình thường thích ngồi vào lòng bố để nghe bố đọc sách về các nền văn minh thế giới (nghe to tát vậy thôi chứ thực ra là truyện tranh hihi), thích nói chuyện với bố về chiến đấu, về các dụng cụ, máy móc. Dạy ngôn ngữ cho con là việc gian nan và lâu dài, nên mình nghĩ để hiệu quả thì cần có sự hợp tác và thống nhất giữa hai bố mẹ trong quan điểm cũng như phương pháp dạy con.
Trên đây là những kinh nghiệm và cách mà mình đã áp dụng để dạy con nói tiếng Việt, giúp con biết nói sớm, nói sõi và có vốn từ vựng phong phú. Con mình mới gần 4 tuổi rưỡi, nên con đường phía trước cũng còn dài, nhưng cho tới thời điểm này, mình thấy những nguyên tắc mà cách làm mình áp dụng ở trên có phát huy những hiệu quả nhất định.
Việc con biết nói sớm và giỏi tiếng Việt giúp cho bố mẹ và con gắn kết với nhau hơn, bố mẹ có thể theo sát việc con đi học ở trường ra sao qua những chuyện con kể lại sau khi đi học về. Con cũng có thể nói chuyện với ông bà, họ hàng ở Việt Nam mà không gặp khó khăn gì, khiến tất cả mọi người đều vui vẻ. Hy vọng là những chia sẻ của mình sẽ hữu ích cho các bố mẹ sắp hoặc đang nuôi con nhỏ ở Nhật nhé.
Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.