Hatsumode – Lễ chùa đầu năm ở Nhật

Chùa Asakusa Sensoji

Giống như ở Việt Nam, người Nhật cũng có tục lệ đi lễ chùa đầu năm, tiếng Nhật gọi là 初詣 (hatsumode), để cảm ơn những gì đã nhận được trong năm cũ và cầu mong những điều tốt lành và bình an trong năm mới. Trong bài viết này, BiKae sẽ giới thiệu với các bạn một số tục lệ cơ bản khi đi lễ chùa đầu năm ở Nhật và danh sách các đền thờ và chùa linh thiêng nhất ở Nhật nhé.

① Đi lễ chùa đầu năm vào thời gian nào?

Có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm đi lễ chùa đầu năm. Nhiều người Nhật đi lễ chùa vào thời khắc đêm giao thừa và trong 3 ngày đầu tiên của năm mới. Có người lại cho rằng có thể đi vào bất cứ ngày nào trong 7 ngày đầu tiên của năm mới hoặc cả tháng đầu tiên của năm mới. Tuy nhiên, đêm giao thừa chính là thời khắc bạn có thể cảm nhận được sự linh thiêng nhất ở các đền chùa khi mà tiếng chuông được rung lên và phần lớn các đền chùa ở Nhật tập trung đông người nhất vào ngày đầu tiên (1/1) của năm mới.

② Nên đi lễ ở đền hay chùa?

Đền là nơi thờ thần đạo Shinto còn chùa là nơi thờ Phật. Đền thường có chữ jinja hoặc jingu sau tên của đền, còn chùa thường có chữ ji hoặc tera sau tên của chùa. Vào đầu năm mới, đi lễ ở đền hay chùa đều có ý nghĩa như nhau. Cũng không có quy định là nên đi bao nhiêu đền hay chùa là tốt. Cũng như người Việt, nhiều người Nhật quan niệm đi lễ ở càng nhiều đền chùa thì càng có nhiều may mắn và bình an.

③ Nghi lễ và cách vái lạy

Nghi lễ và cách vái lại tại đền và chùa có một số điểm khác nhau.

1. Tại đền

  • Cúi chào trước cổng torii, khi đi vào đền tránh đi vào chính giữa đường vì đó được coi là đường mà các vị thần đi.
  • Rửa tay và súc miệng tại temizuya/ chozuya (手水舎) để “gột sạch” cơ thể
  • Đi tiếp đến đền chính, cúi chào trước đền chính
  • Bỏ tiền xu vào hộp đặt trước đền chính, sau đó rung chuông
  • Cúi thật thấp người vái 2 lần trước đền chính, sau đó vỗ tay 2 lần rồi chắp lại và cầu khấn
  • Sau khi khấn xong cúi thấp người vái 1 lần nữa

2. Tại chùa

  • Cúi chào trước cổng sanmon
  • Rửa tay và súc miệng tại temizuya/ chozuya (手水舎) để “gột sạch” cơ thể
  • Nếu chùa có lư hương thì hãy thắp một nén hương (nhang) để khói nhang “gột sạch” cơ thể
  • Tiến đến ban thờ chính
  • Cúi lạy trước ban thờ chính, sau đó chắp tay trước ngực và im lặng cầu khấn
  • Cúi lạy một lần nữa sau khi khấn xong
Rửa tay và súc miệng trước khi vào đền/chùa
Rửa tay và súc miệng trước khi vào đền/chùa

Lưu ý:

  • Cách rửa tay và xúc miệng:
    • Cầm muôi bằng tay phải, múc nước và rửa tay trái
    • Chuyển muôi sang tay trái, múc nước và rửa tay phải
    • Chuyển lại muôi sang tay phải, múc nước và đổ vào lòng bàn tay trái
    • Đưa nước trong lòng bàn tay trái lên miệng nhấp nhẹ
    • Rửa lại bàn tay trái
    • Nghiêng muôi để nước còn thừa trong muôi chảy ra ngoài theo hướng tay cầm của muôi
    • Đặt lại muôi vào chỗ cũ
  • Không có quy định về việc nên bỏ đồng xu nào vào hộp khi cầu khấn, nhưng người Nhật thường bỏ đồng 5 yên vì 5 yên trong tiếng Nhật là “go en”, đồng âm với chữ “duyên” (ご縁) thể hiện sự kết nối.

④ Một số tục lệ khác

Sau khi khấn vái, bạn có thể mua một chiếc bùa may mắn (お守り: omamori) cho năm mới. Nếu có bùa may mắn của năm trước thì hãy mang theo và gửi lại đền/ chùa để họ đốt giúp. Sau đó mua một quẻ bói おみくじ (omikuji) để xem vận mệnh của mình trong năm mới. Nếu lấy phải quẻ không được tốt thì có thể buộc lại ở nơi quy định tại đền/ chùa Sau đó bạn hãy viết điều ước lên tấm thẻ gỗ 絵馬 (ema) và treo lên khung gỗ tại đền/ chùa.

Thẻ gỗ Ema
Thẻ gỗ Ema

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới