Khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ ở Nhật

④ 6・7ヶ月検診 (roku-nana ka getsu kenshin): Khám lúc 6 -7 tháng

Đợt khám này có thể được miễn phí hoặc mất phí tuỳ từng nơi. Ở quận mình thì được phát phiếu khám miễn phí để mẹ tự hẹn lịch khám với phòng khám nhi, và khi đi khám đem theo phiếu khám miễn phí đó thì sẽ không mất tiền.



Nội dung khám lần này (ngoài đo các chỉ số cơ bản) bao gồm: kiểm tra khả năng lẫy (lật) và ngồi của bé, phản ứng và sự quan tâm của bé với đồ chơi, khả năng phân biệt người lạ và các phát triển kỹ năng về thần kinh khác. Trong đợt khám này có 1 bài kiểm tra phản xạ dưới dạng đặt 1 chiếc khăn mỏng lên mặt bé để xem bé có biết dùng tay kéo khăn ra hay không.

Đây cũng là giai đoạn bé đã bắt đầu ăn dặm nên bác sĩ cũng sẽ hỏi mẹ các vấn đề liên quan đến việc ăn dặm của bé. Sau 6 tháng đầu thì khả năng miễn dịch của bé giảm dần, nên bác sĩ cũng sẽ giải thích và hướng dẫn về các bệnh truyền nhiễm hay gặp ở trẻ nhỏ.

⑤ 9・10ヶ月検診 (kyuu – jyuu ka getsu kenshin): Khám lúc 9 – 10 tháng

Đợt khám này có thể được miễn phí hoặc mất phí tuỳ từng nơi. Ở quận mình thì được phát phiếu khám miễn phí để mẹ tự hẹn lịch khám với phòng khám nhi, và khi đi khám đem theo phiếu khám miễn phí đó thì sẽ không mất tiền.

Nội dung khám lần này (ngoài đo các chỉ số cơ bản) bao gồm: kiểm tra khả năng bám vào để đứng, khả năng bò, kiểm tra tình trạng mọc răng, khả năng ngôn ngữ (đã nói được các âm như dada, papa, tata v.v), các vấn đề liên quan đến ăn dặm, khả năng cầm nắm đồ vật nhỏ bằng ngón tay. Bác sĩ sẽ làm 1 bài test phản xạ bằng việc nâng bé lên rồi úp ngược người bé lại, để xem bé có duỗi tay ra giữ thăng bằng hay không ( (phản xạ nhảy dù). Đây cũng là giai đoạn các bệnh về thị giác và thính giác (nếu có) sẽ có thể được phát hiện.

⑥ 1歳検診 (issai kenshin): Khám lúc 1 tuổi

Nhiều nơi không tổ chức khám định kỳ cho trẻ vào giai đoạn này nên đợt khám này cũng không được miễn phí. Nếu có vấn đề cần bác sĩ tư vấn trong giai đoạn này bạn có thể tự đặt lịch hẹn khám với phòng khám nhi và tự trả phí. Clinic chỗ mình sinh con có cả phòng khám nhi luôn và họ giảm giá cho các bé sinh ra ở đó trong đợt khám 1 tuổi này nên phí là 1000 yen (bình thường là 3000 yen). Tuy nhiên mình cũng không cho con khám đợt này.

Nội dung khám lần này (ngoài đo các chỉ số cơ bản) bao gồm: kiểm tra khả năng tự đứng 1 mình, khả năng bước đi khi có người cầm tay, khả năng ngôn ngữ (đã nói được các từ đơn giản như papa, mama), mối quan tâm đối với đồ chơi cũng như vật và người ở xung quanh, thảo luận và tư vấn về vấn đề dinh dưỡng, ăn ngủ v.v. Mình không cho con đi khám đợt này  nên cũng không có gì đặc biệt để kể, hì.

⑦ 1歳半検診 & 2歳検診 (issaihan kenshin & nisai kenshin): Khám lúc 1 tuổi rưỡi và 2 tuổi

Đợt khám lúc 1 tuổi rưỡi là đợt khám định kỳ miễn phí còn lúc 2 tuổi là đợt khám tự nguyện mất phí.

Nội dung khám (ngoài đo các chỉ số cơ bản và kiểm tra toàn thân) bao gồm: kiểm tra thị giác, thính giác, khả năng tự đi 1 mình, khả năng cầm nắm vật nhỏ, chỉ tay vào vật mình muốn hoặc quan tâm, phản ứng khi được gọi tên, biết nói những từ đơn giản và gọi tên đồ vật, biết làm theo mệnh lệnh (bỏ rác vào thùng, dọn đồ chơi, nhặt đồ chơi theo gợi ý của bố mẹ v.v), biết xếp đồ vật chồng lên nhau hoặc thành hàng.

Tình trạng răng miệng được kiểm tra trong ngày khám răng riêng theo hướng dẫn của trung tâm sức khoẻ.

⑧ 3歳検診(sansai kenshin): Khám lúc 3 tuổi

Đây là đợt khám định kỳ miễn phí. Nội dung khám bao gồm: đo các chỉ số cơ bản và khám toàn thân, kiểm tra nước tiểu, thính giác, thị giác, khám răng miệng, khám nội khoa, kiểm tra khả năng vận động (đi, chạy, nhảy, đứng bằng 2 chân), sự phát triển kỹ năng như có thể viết, vẽ bằng bút, tự mặc quần áo, đi giày v.v, có thể hiểu và giao tiếp (nói được tên, tuổi của mình v.v).

Các bố mẹ cũng có thể xin tư vấn của bác sĩ về việc đối phó với giai đoạn khủng hoảng lên ba ở trẻ.

Vì con mình chưa trải qua lần khám này nên mình sẽ cập nhật thêm phần này sau khi có các thông tin khác nhé.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bố mẹ có con nhỏ đang sinh sống ở Nhật. Các bạn biết thêm thông tin gì hữu ích liên quan đến chủ đề này thì cập nhật ở phần bình luận giúp mình nhé.

Xin vui lòng không đăng lại nội dung trên trang này nếu không được phép của chúng tôi.

Like facebook BiKae để cập nhật bài viết mới